Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mini Magazine

‘Bà chúa rác’ hầu tòa trong vụ án môi trường lớn nhất Thụy Điển

Công ty Think Pink của Bella Nilsson bị cáo buộc đổ ít nhất 200.000 tấn chất thải xây dựng theo cách độc hại cho môi trường và con người.

Bella Nilsson là giám đốc điều hành của công ty tái chế rác thải Think Pink. Ảnh: Facebook/TT News Agency.

11 người, bao gồm doanh nhân Nilsson - người tự gọi mình là “bà chúa rác”, ra hầu tòa ở Thụy Điển vào ngày 2/9. Họ bị cáo buộc đổ trái phép các chất thải độc hại ra môi trường, tạo ra vụ án lớn nhất về môi trường trong lịch sử nước này.

Tội phạm kinh tế và môi trường nghiêm trọng

Phiên tòa diễn ra tại tòa án quận Attunda ở Sollentuna (gần Stockholm, Thụy Điển) và tập trung vào công ty tái chế Think Pink. Một công ty tái chế rác thải giá rẻ do Bella Nilsson và chồng cũ là người điều hành.

Các công tố viên cáo buộc Think Pink đổ chất thải tại 12 địa điểm ở Thụy Điển khi chưa xử lý và không quan tâm đến hậu quả về môi trường, con người. Các bị cáo phủ nhận mọi hành vi sai trái.

ba chua rac hau toa anh 1

Giai đoạn 2018-2020, túi xây dựng Think Pink của công ty là hình ảnh thường thấy ở Stockholm. Ảnh: TT News Agency.

Theo Guardian, vụ án này đã được điều tra trong nhiều năm và phiên tòa dự kiến kéo dài 9 tháng. “Bà chúa rác” Nilsson và các nhân viên bị buộc tội hồi tháng 12/2023.

Nilsson là người cuối cùng trong số các bị cáo đến tòa án vào ngày 2/9. Bà đeo kính râm và từ chối trả lời các câu hỏi của phóng viên.

Gia đình Nilsson phải đối mặt với các cáo buộc “tấn công môi trường nghiêm trọng” và “tội phạm kinh tế nghiêm trọng” vì đã lừa đảo các khách hàng. Họ phủ nhận mọi cáo buộc.

Những bị cáo khác phải đối mặt với các cáo buộc khác nhau, bao gồm “tội phạm môi trường nghiêm trọng”. “tội phạm kinh tế nghiêm trọng” và các hành vi tiếp tay cho tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

Vụ án môi trường lớn nhất lịch sử Thụy Điển

Think Pink đã có một thời hoàng kim vào giai đoạn 2018-2020 khi cung cấp dịch vụ tái chế và xử lý rác thải giá cực rẻ. Khi đó, những chiếc túi xây dựng màu hồng mang thương hiệu công ty xuất hiện khắp thủ đô Thụy Điển. Nilsson đã giành được giải thưởng vì môi trường với tư cách giám đốc điều hành của thương hiệu và tự gọi mình là “bà chúa rác” từ đó.

Doanh nghiệp này sụp đổ vào năm 2020 khi chủ sở hữu bị bắt. Công ty bị cáo buộc đổ 200.000 tấn chất thải khắp Thụy Điển.

Với 50.000 trang báo cáo tội phạm, các điều tra viên xác định mức độ gây hại của asen, dioxin, kẽm, chì, đồng và các sản phẩm dầu mỏ là rất cao. Một số bãi chất thải đã bốc cháy và có một điểm cháy suốt nhiều tháng.

ba chua rac hau toa anh 2

Một bãi rác trái phép mà Think Pink thải ra môi trường. Ảnh: Lars Lindqvist.

Anders Gustafsson, một trong ba công tố viên tại phiên tòa, gọi vụ án này là “tội phạm môi trường lớn nhất Thụy Điển về phạm vi lẫn tổ chức”.

Ngày 2/9, ông cho biết Think Pink đổ rác và sử dụng tài liệu giả để lừa dối chính quyền, khách hàng và thu về món tiền bất chính khổng lồ. “Có những yêu cầu bồi thường thiệt hại lên đến 260 triệu krona Thụy Điển (252 triệu USD), chủ yếu là từ chính quyền của các thành phố vì họ phải dọn sạch những núi rác khổng lồ”, ông nói với đài SVT. “Thật nghiêm trọng khi vấn đề diễn ra ở quy mô lớn suốt thời gian dài như vậy mà không ai phát hiện”.

Công tố viên cấp cao Linda Schon cho biết cuộc điều tra đã làm lộ ra vấn đề về sự thờ ơ của người dân và các công ty. “Tại sao họ không nghi ngờ khi phí xử lý rác thải rẻ đến bất thường như vậy? Những gì các công ty bỏ vào túi xây dựng của Think Pink không thể được xử lý với số tiền hiện tại. Cũng giống như việc chúng ta nhắm mắt làm ngơ với thời trang nhanh vậy”, bà nói.

Theo cáo trạng, Think Pink đã đổ rác khắp 15 thành phố khác nhau ở Thụy Điển. Các nghi phạm chính đã vận chuyển hàng nghìn tấn chất thải xây dựng. Họ đổ mọi thứ ra môi trường mà chưa xử lý, phân loại. Rác thải sau đó được chôn, bọc trong các túi nhựa và chôn xuống đất.

Trước đó, Nilsson, người đã đổi tên thành Fariba Vancor, nói với giới truyền thông Thụy Điển rằng công ty của bà thực hiện đúng pháp luật và đây chỉ là một âm mưu từ các đối thủ kinh doanh. “Chúng tôi có thể giải thích cho mọi thứ đang diễn ra”, luật sư của bà nói với nhật báo Dagens Nyheter vào 1/9.

Toàn bộ hệ thống chiếu sáng đường phố TP.HCM sẽ sử dụng đèn LED

Các nghị định về môi trường, nông nghiệp, giao thông… sẽ được thay đổi trong thời gian tới để đảm bảo Việt Nam thực hiện đúng lộ trình hướng đến Net Zero trong năm 2050.

Tái thương mại trong ngành thời trang

Cuốn Thế giới không rác thải của Ron Gonen mời gọi độc giả tham gia vào bảo vệ môi trường, vì một tương lai bền vững và thịnh vượng, đề cao giá trị lâu dài. Ở đó, tác giả chỉ ra rằng thuật ngữ tái chế hóa học đang chỉ một quy trình mới rất thú vị có thể phá vỡ sợi vải trở về các thành phần hóa học cơ bản, từ đó trở thành một nguồn tuần hoàn để tạo ra các sợi vải mới.

Đông Tùng

Bạn có thể quan tâm