Ngày 25/12, các bác sĩ bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng tiến hành sinh mổ cho sản phụ Phạm Thùy Trang (33 tuổi), Hồ Thị Minh Quyên (37 tuổi, cùng trú quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng) và Phạm Thị Mưng (31 tuổi, quận Ngũ Hành Sơn, TP. Đà Nẵng). Đây là 3 em bé đầu tiên được sinh ra bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm ở Đà Nẵng.
Từ năm 2004, được sự hỗ trợ của Khoa Hiếm muộn bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM), phòng Hiếm muộn bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng đã triển khai chương trình thụ tinh trong ống nghiệm. Bệnh nhân được khám, chẩn đoán và kích thích buồng trứng tại bệnh viện sau đó chuyển vào bệnh viện Từ Dũ để chọc hút trứng và chuyển phôi.
Sau khi chuyển phôi, bệnh nhân trở về để theo dõi thai kỳ. Đây là một chương trình góp phần giảm đáng kể chi phí điều trị cho bệnh nhân thụ tinh trong ống nghiệm ở khu vực miền Trung.
Các bác sĩ phẫu thuật lấy ba em bé ra khỏi mẹ. |
Tháng 3/2014, bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng bắt đầu thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm. Tháng 7/2014, đoàn thẩm định của Bộ Y tế chính thức công nhận phòng hiếm muộn (Khoa Phụ sản, bệnh viện Phụ sản – Nhi Đà Nẵng) có đủ điều kiện thực hiện kỹ thuật thuật thụ tinh trong ống nghiệm cũng như các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản khác.
Ngày 25/12, bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng vui mừng chào đón 3 em bé đầu tiên chào đời bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm được thực hiện nay tại bệnh viện. Đây là đơn vị thứ 19 của cả nước và là thứ 2 của khu vực miền Trung- Tây Nguyên thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm.
Bác sĩ Trần Đình Vinh, giám đốc Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng - cho biết, phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm dùng để điều trị cho những trường hợp nặng như: nam giới không có tinh trùng do tắc nghẽn, phụ nữ tắc ống dẫn trứng hai bên, bất thường thụ tinh và nhiều trường hợp vô sinh không rõ nguyên nhân…
"Với việc áp dụng thành công kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm ở bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng, các cặp vợ chồng hiếm muộn ở khu vực miền Trung- Tây Nguyên có thêm nhiều hy vọng để có con", bác sĩ Vinh nói và cho hay, chi phí điều trị của một ca hiếm muộn, vô sinh khoảng từ 70- 100 triệu đồng.