Sau khi được mổ bắt tại bệnh viện huyện Vị Xuyên (Hà Giang), hai bé song sinh dính liền của sản phụ Phàn Thị Chẩy đang được điều trị Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội).
Cả gia đình và cộng đồng hy vọng các em sớm được phẫu thuật tách rời. Trong lịch sử y học Việt Nam cũng từng ghi nhận nhiều đôi song sinh dính liền phức tạp được các bác sĩ mổ tách rời thành công.
Ca phẫu thuật tách cặp song sinh đầu tiên của Việt Nam
Đêm 25/2/1981 tại trạm xá Sa Thầy (tỉnh Kon Tum), hai bé song sinh Nguyễn Việt - Nguyễn Đức chào đời trong hình hài dị dạng, dính liền phần bụng, có hai đầu, hai chân và một chân ngắn chừng hai mươi phân, một hậu môn và một bộ phận sinh dục. Đến năm 1986, Việt ngã bệnh bởi chứng viêm màng não và tình trạng ngày càng nặng, thậm chí có thể tử vong bất cứ lúc nào.
Lo sợ ảnh hưởng đến sức khỏe người anh em song sinh đang dính liền thân thể với Việt, ngày 4/10/1988, các bác sĩ đã tiến hành ca đại phẫu thuật vào loại phức tạp nhất: tách rời Việt và Đức.
Ca đại phẫu thuật được thực hiện bởi một ê kíp mổ gồm 70 y bác sĩ trưởng đầu ngành và bác sĩ giỏi nhất của các bệnh viện, trung tâm y học tại TP HCM được tập trung tại Bệnh viện phụ sản Từ Dũ (TP HCM).
Anh Nguyễn Đức khỏe mạnh khi tham gia các hoạt động tình nguyện. Ảnh: Infonet. |
Thành công ngoài mong đợi của ca mổ đã làm nên kỳ tích cho ngành y học Việt Nam khiến cả thế giới phải thán phục.
Nguyễn Đức với những phần cơ thể hoàn chỉnh nhất được anh Việt nhường cho, giờ đã là một thanh niên khỏe mạnh, được học hành bài bản. Hiện tại, anh công tác tại Làng Hòa Bình và lập gia đình, sinh con với một mái ấm gia đình rộn ràng tiếng trẻ thơ như bao người đàn ông bình thường khác.
Do di chứng của bệnh bại não và nhường phần lớn các bộ phận chung cho Đức nên khoảng thời gian sau đó, Việt sống đời thực vật tại Làng Hòa Bình (nằm trong Bệnh viện Từ Dũ). Ngày 6/10/2007 trong một cơn bệnh nặng, do di chứng của chất độc hóa học dioxin, Việt đã qua đời.
Cuộc phẫu thuật tách cặp song sinh đầu tiên ở BV Nhi Trung ương
Năm 1996, hai chị em Nguyễn Thị Phương Hà - Nguyễn Thị Phương Ninh sinh ra cũng trong trạng thái dính liền nhau tại Bãi Cháy, Hạ Long, Quảng Ninh. Vừa chào đời, hai bé phải vượt gần 200 cây số từ Quảng Ninh đến Bệnh viện Nhi Trung ương Hà Nội.
GS Nguyễn Thanh Liêm, Giám đốc bệnh viện Nhi Trung ương lúc bấy giờ, một trong những người tham gia kíp phẫu thuật năm đó cho hay: “Rất may, hai bé chỉ dính nhau phần mềm, phần da từ xương ức xuống rốn, không chung bất cứ bộ phận nào. Sau này, chúng tôi còn thực hiện nhiều ca phức tạp hơn".
Ca phẫu thuật tách rời diễn ra trong gần 6 giờ. “Đây là ca tách đầu tiên bệnh viện Nhi Trung ương thực hiện nên kinh nghiệm chưa có. Toàn bộ bác sĩ của bệnh viện đều được huy động. Ngay từ khâu chuẩn bị, gây mê đến đặt ống thở cho hai bé đều được bàn tính rất kỹ. Chỉ một sai sót nhỏ cũng sẽ để lại tâm lý không tốt cho những ca phẫu thuật sau này. Thật may mắn, ca phẫu thuật thành công tốt đẹp”, GS Liêm chia sẻ.
Hiện tại, hai chị em đều phát triển khỏe mạnh với các chỉ số bình thường. Thận bên trái của Hà ở vị trí thấp nhưng không ảnh hưởng đến chức năng.
Ca phẫu thuật đáng nhớ ở bệnh viện tỉnh lẻ
Đó là trường hợp của hai bé song sinh dính liền trải qua ca sinh thường một cách may mắn vào ngày 1/7/2013, ở xã Vinh Quang, TP Kon Tum. Đây là lần đầu tiên cặp song sinh dính liền chào đời không qua phẫu thuật và diễn ra ở một bệnh viện tỉnh lẻ vùng cao Tây Nguyên.
Mẹ của các bé là sản phụ Y Ổi 31 tuổi, do trước đấy không có dấu hiệu nào cho thấy các bé dính nhau nên bác sĩ chỉ định sinh thường. Bác sĩ sản khoa Hoàng Văn Trung là người đã đỡ đẻ thành công trường hợp hy hữu và nguy hiểm này.
Sau khi hai bé chào đời, các bác sĩ đã tiến hành ca phẫu thuật kéo dài gần 2 tiếng và tách thành công hai bé gái song sinh dính nhau này. Ê kíp phẫu thuật do 2 bác sĩ Trần Văn Hiền, Bệnh viện Đa khoa Kon Tum và Trần Thanh Trí, Bệnh viện Nhi Đồng 2, thực hiện.
Trao đổi với Zing.vn, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM) cho biết, kể từ ca phẫu thuật đầu tiên cho cặp song sinh Việt - Đức, đến nay số lượng các ca phẫu thuật tách các bé của cả nước không nhiều, chỉ dưới 20 ca.
Về mức độ thành công của các ca phẫu thuật, bác sĩ cho biết phụ thuộc rất lớn vào các bộ phần dính liền nhau. Nếu phần dính là xương và da thì việc can thiệp khá đơn giản, ngược lại các cặp tạng dính hoặc chung tạng thì cần cân nhắc rất nhiều.Thực tế, nhiều trường hợp buộc phải hy sinh một bé để cứu bé còn lại.