-
VKS truy vấn bà Thảo về số tiền 2.100 tỷ
Trong phiên tòa sáng, VKS đặt câu hỏi cho bà Thảo về việc 2.100 tỷ có phải do hoạt động kinh doanh mà có không? Đại diện bà Thảo nói: “Tôi không khẳng định tài sản riêng của bà Thảo nhưng không phải là tài sản chung của vợ chồng”.
Người này cho rằng số tiền 2.100 tỷ không nhất thiết phải là tài sản chung hay riêng mà có thể tài sản của người khác. Khi VKS tiếp tục đề nghị làm rõ, phía bà Thảo cho rằng câu hỏi từ cơ quan công tố không khách quan. Đại diện bà Thảo cho rằng khi người khởi kiện không đưa ra được căn cứ chứng minh thì bà không có nghĩa vụ phải làm rõ. VKS cho rằng nếu nguyên đơn không chứng minh đó là tài sản riêng thì theo pháp luật, có cơ sở chứng minh là tài sản chung. Đề nghị nguyên đơn chứng minh căn cứ để chứng minh số tiền này. -
Luật sư của ông Vũ: Không có nghĩa vụ chứng minh 2.100 tỷ là tài sản chung
"Số tiền 2.100 tỷ, về nguyên tắc tài sản do vợ chồng tạo lập trong thời kỳ hôn nhân là tài sản chung. Ai đó cho rằng không phải là tài sản chung thì phải chứng minh đó là tài sản riêng hoặc vay mượn được sự đồng ý của cả hai", luật sư bảo vệ cho ông Vũ trình bày. Luật sư chỉ ra tài sản chung vợ chồng đứng dưới tên bà Thảo. Về nguyên tắc tài sản đứng tên vợ chồng thì là tài sản chung nên không có nghĩa vụ phải chứng minh đó là tài sản chung nữa. -
Số tiền phản tố từ 2.100 tỷ đồng xuống còn hơn 1.670 tỷ
Chiều 27/3, TAND TP.HCM tiếp tục phân xử vụ ly hôn giữa bà Lê Hoàng Diệp Thảo và ông Đặng Lê Nguyên Vũ.
Trong phiên tòa sáng nay, đại diện phía Eximbank bất ngờ thông báo số vàng trong tài khoản đứng tên bà Thảo là 10.000 chỉ chứ không phải là 10.000 lượng như thông tin Tòa xác minh.
Từ đây, phía ông Vũ tính toán lại số tiền phản tố từ hơn 2.100 tỷ đồng xuống còn hơn 1.670 tỷ.
-
-
Ông Vũ xuất hiện sớm ở tòa
Theo ghi nhận của phóng viên, ông Đặng Lê Nguyên Vũ đến tòa lúc 13h30. Khán phòng phòng xử buổi chiều chật kín người.
Như thường lệ, phóng viên vây quanh phỏng vấn "vua cà phê". Ông Vũ nhiệt tình trả lời các câu hỏi về Trung Nguyên, về quá trình khởi nghiệp. Tuy nhiên, ông tỏ thái độ không vui khi nhận được các câu hỏi liên quan đến bà Thảo, tài sản.
Đến 14h05, bà Thảo cùng luật sư, người đại diện vẫn chưa đến tòa.
-
Viện kiểm sát: Tòa sai sót về thủ tục tố tụng
Đại diện viện kiểm sát cho biết ngày 25/2, cơ quan này đã có ý kiến phát biểu về quan hệ hôn nhân, con chung và cấp dưỡng, chia bất động sản nên không nhắc lại. Về việc tuân thủ quy định pháp luật, kiểm sát viên cho rằng thẩm phán có một số vi phạm như phiên họp giao nộp chứng cứ hòa giải, sau khi có xác minh tài khoản, thẩm phán không mở phiên hòa giải. Yêu cầu chia tiền, vàng là yêu cầu mới phát sinh tại tòa. Bị đơn rút nhưng chủ tọa không đình chỉ nên phải cho 2 bên trình bày ý kiến về yêu cầu phản tố này.
Về thủ tục tống đạt quyết định đưa vụ án ra xét xử và triệu tập người liên quan, tòa đã không triệu tập trực tiếp người đại diện của ngân hàng.
Như đã nêu, về thủ tục tố tụng còn sai sót khi chưa mở phiên tòa hòa giải, công khai chứng cứ liên quan yêu cầu phản tố. Viện kiểm sát có công văn đề nghị tòa khắc phục nhưng đến nay tòa chưa thực hiện. Do đó, viện kiểm sát đề nghị HĐXX khắc phục các vi phạm nêu trên để có cơ sở giải quyết vụ án khách quan, toàn diện, đúng quy định pháp luật.
Trước đó, viện kiểm sát đề nghị tòa công nhận sự thỏa thuận của hai bên. Cụ thể, cả hai thống nhất giao cho bà Thảo nuôi 4 người con. Ông Vũ có nghĩa vụ cấp dưỡng 10 tỷ/năm cho các con tính từ năm 2013 đến khi học xong đại học.
Theo thỏa thuận về bất động sản, bà Thảo nhận 7 bất động sản đang quản lý, ông Vũ nhận 6 bất động sản. Riêng bà Thảo được sở hữu căn nhà ở Tú Xương (quận 3).
Về cổ phần tại các công ty, ông Vũ và bà Thảo vẫn tranh cãi tỷ lệ chia. Ông Vũ đề nghị chia 7:3, trong khi bà Thảo yêu cầu được chia 51% tại Công ty CP đầu tư Trung Nguyên. Viện kiểm sát đề nghị HĐXX xem xét chia tỷ lệ phù hợp quyền lợi các bên và không ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của các công ty.
-
Tòa đang đọc phán quyết vụ ly hôn vợ chồng 'vua cà phê' Trung Nguyên
Trước khi đưa ra phán quyết, lúc 14h40, HĐXX thông báo sẽ nghị án.
Trả lời câu hỏi của phóng viên khi HĐXX nghị án, ông Vũ nhắc lại những điều đã trình bày nhiều lần trước đó. Ông cho rằng số tiền 10.000 chỉ hay 10.000 lượng không còn quan trọng. Ông không muốn nói nhiều về chuyện tiền bạc.
-
Tỷ lệ cổ phần của ông Vũ và bà Thảo tại các công ty trong Tập đoàn Trung Nguyên ra sao?
Về vấn đề con cái, bà Thảo đề nghị để bà nuôi 4 đứa con và ông Vũ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho các con. Ông Vũ vẫn muốn nuôi các con và bày tỏ không cần bà Thảo phải chu cấp nhưng ông tôn trọng ý kiến chúng nên sẽ chu cấp 10 tỷ/năm cho các con.
Về tài sản chung tạo lập là cổ phần tại các công ty trong Tập đoàn Trung Nguyên. Cụ thể, Công ty CP Tập đoàn Trung Nguyên, ông Vũ đứng tên số cổ phần chiếm 20% vốn điều lệ, bà Thảo 10%. Công ty CP Đầu tư Trung Nguyên (Trung Nguyên Investment), ông Vũ đứng tên chiếm 60%, bà Thảo 30%. Công ty CP Cà phê Trung Nguyên, ông Vũ 10%, bà Thảo 5%. Công ty CP Trung Nguyên Franchise, ông Vũ 10%, bà Thảo 5%. Công ty TNHH Đầu tư du lịch Đặng Lê, mỗi người đứng tên cổ phần 15%; Công ty CP Hòa tan Trung, ông Vũ chiếm 10%, Thảo 5%; Công ty TNHH Vũ Nguyên Đắk Nông, ông Vũ đứng tên trên cổ phần chiếm 30%.
Chủ tọa phiên tòa đang tuyên án. Ảnh: Lê Quân. Về tài sản chung gồm tổng tiền gửi tiết kiệm là hơn 2.471 tỷ; 26 bất động sản ở trong nước và nước ngoài do bà Thảo đứng tên hoặc nhờ người khác đứng tên hộ; các công ty bà Thảo thành lập từ tiền chung của 2 vợ chồng gồm 4 công ty.
Về bất động sản bao gồm 13 bất động sản, bà Thảo đề nghị cho ông Vũ sở hữu 12 bất động sản, bà Thảo sở hữu căn nhà ở Tú Xương (quận 3). Về cổ phần tại các công ty, bà Thảo đề nghị cho bà sở hữu 51%, ông Vũ 39% trong Công ty CP Đầu tư Trung Nguyên; bà Thảo 15% tại Công ty CP Tập đoàn Trung Nguyên và mỗi người 7,5% cổ phần trong Công ty CP Cà phê Hòa tan Trung Nguyên. Với số cổ phần tại 4 công ty còn lại, nguyên đơn đồng ý cho ông Vũ sở hữu toàn bộ.
-
Vì sao ông Vũ đòi chia tài sản theo tỷ lệ 70-30?
Ban quản trị ban đầu có ông Vũ, sau thêm ông Mơ (cha ông Vũ).Ông Vũ cho rằng Trung Nguyên là linh hồn của ông, do ông và gia đình thành lập với mong muốn đưa Trung Nguyên vươn ra toàn cầu. Năm 1998, ông Vũ và bà Thảo kết hôn. Năm 1999, ông Vũ thành lập hợp tác xã với tên gọi Xí nghiệp Trung Nguyên Cà phê, vốn điều lệ 145 triệu đồng. Năm 2002, ông Vũ thành lập Công ty TNHH Cà phê Trung Nguyên với 2 thành viên là ông Vũ và ông Mơ. Năm 2006, ông đăng ký thành lập Công ty CP Trung Nguyên nay đổi tên là Công ty CP Tập đoàn Trung Nguyên. Một năm sau, Công ty CP Cà phê Hòa tan Trung Nguyên và Công ty CP Cà phê Trung Nguyên được thành lập. Công ty CP Cà phê Trung Nguyên được chuyển đổi từ Công ty TNHH Cà phê Trung Nguyên. Đến năm 2009, ông đăng ký thành lập Công ty CP Đầu tư Trung Nguyên. Và giai đoạn 2010-2011, ông thành lập Công ty TNHH Đặng Lê và Công ty CP Trung Nguyên Franchise. Từ dẫn chứng trên, ông Vũ cho rằng kể từ khi Trung Nguyên thành lập đến nay, ông nắm toàn bộ vai trò điều hành Trung Nguyên. Do đó, ông cho rằng chia tỷ lệ 7:3 là phù hợp. Ngoài ra, ông đề nghị được mua lại cổ phần của bà Thảo.
-
Bác khiếu nại về thẩm định giá của bà Thảo
HĐXX nhận thấy, trong quá trình tố tụng, tòa áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời nhằm đảm bảo hoạt động bình thường của các doanh nghiệp và quyền lợi ích hợp pháp của hai bên. Đến nay cần hủy bỏ các biện pháp này.
Quá trình giải quyết vụ án, tòa nhận được khiếu nại của các bên về định giá tài sản và kiểm toán. Tòa đã thành lập hội đồng định giá và ủy thác cho tòa địa phương nơi có trụ sở công ty định giá. Nhưng theo Sở Tài chính TP.HCM, tòa cần xác định các cơ quan chuyên môn trước khi định giá. Do đương sự có quyền thỏa thuận lựa chọn tổ chức thẩm định giá nên các bên có quyền tự chọn, rồi cung cấp kết quả cho tòa án.
Do có khó khăn trong tài sản hữu hình và vô hình nên tòa tiến hành như sau: Yêu cầu các đương sự đề xuất mỗi bên 2 đơn vị thẩm định giá. Sau khi làm việc, tòa đưa ra 5 công ty để các bên lựa chọn. Sau khi tòa yêu cầu các bên cung cấp tài liệu về danh mục động sản, bất động sản… để cung cấp cho tổ chức thẩm định giá, phía bà Thảo muốn có thời gian nghiên cứu chứng thư.
Những buổi làm việc tiếp đó, hai bên không thống nhất về tỷ lệ chia tài sản và bà Thảo nói chứng thư thẩm định giá không đúng. Tòa yêu cầu nguyên đơn đưa ra căn cứ nhưng bà Thảo không có ý kiến. Do đó, về định giá, tòa vẫn thực hiện việc định giá công khai, minh bạch, đúng pháp luật. Tòa cũng thực hiện xem xét thẩm định giá tại chỗ đối với các công ty của Trung Nguyên, có các đương sự tham gia.
Tòa đã ra văn bản không chấp nhận khiếu nại của đương sự về giá trị thẩm định giá nên coi như việc giải quyết khiếu nại của bà Thảo đã được giải quyết.
Ngoài ra bà Thảo có đơn khiếu nại các quyết định cung cấp chứng cứ liên quan yêu cầu 2 bên đương sự, TAND TP.HCM căn cứ vào luật ra quyết định không chấp nhận khiếu nại của bà Thảo.
-
Tòa nói về yêu cầu giám định tâm thần đối với ông Vũ
Về yêu cầu giám định tâm thần của bà Thảo với ông Vũ, đại diện ông Vũ cung cấp cho tòa kết luận giám định thể hiện ông Vũ không có biểu hiện rối loạn tâm thần. Quyết định giải quyết khiếu nại của TAND quận 3 chấp nhận khiếu nại của ông Vũ, hủy biện pháp khẩn cấp tạm thời, đình chỉ giải quyết yêu cầu dân sự yêu cầu tuyên ông Vũ mất năng lực hành vi dân sự. Do đó, tòa không có cơ sở để giải quyết giám định theo yêu cầu của bà Thảo.
Về Công ty Trung Nguyên Sigapore, vụ án này đang được tòa án nước sở tại giải quyết. Yêu cầu của đại diện Trung Nguyên đề nghị tách thành vụ án khác, tòa thấy hợp lý. Tuy nhiên, bà Thảo có đơn khiếu nại yêu cầu hủy quyết định tách vụ án, Chánh án TAND TP.HCM sau đó ra quyết định hủy quyết định tách vụ án.
Sau đó, chị ông Vũ khiếu nại và Chánh án TAND Tối cao một lần nữa thay đổi quan điểm, giữ nguyên việc tách công ty này thành vụ án khác.
Với quan điểm của VKS, tòa chỉ ra việc giao hồ sơ cho cơ quan công tố là đúng quy định của pháp luật. VKS cho rằng đưa hồ sơ chưa đủ 15 ngày là không có căn cứ. Tòa cho rằng việc tống đạt quyết định đưa vụ án ra xét xử dù có thiếu sót không tống đạt cho luật sư nhưng đến xét xử các luật sư đều có mặt, các đương sự đều không vắng mặt nên tòa xét xử là có căn cứ.
Về yêu cầu của VKS đề nghị làm rõ các bất động sản có liên quan đến người thứ 3 hay không, việc này tòa chỉ ra 2 bên thống nhất gồm 13 bất động sản do bà Thảo, ông Vũ quản lý hoặc cho các bên thuê. Việc đưa các đơn vị này vào tham gia là không cần thiết. Mặt khác, hai bên đề nghị tự giải quyết riêng.
-
Tòa phản bác viện kiểm sát về cáo buộc vi phạm tố tụng
Về yêu cầu phản tố của ông Vũ, ngày 18/7/2016, phía ông Vũ yêu cầu chia tài sản chung gồm bất động sản, tiền VNĐ, ngoại tệ các loại, vàng và cổ phần ở các doanh nghiệp ngoài Tập đoàn Trung Nguyên mà bà Lê Hoàng Diệp Thảo đang đứng tên góp vốn bằng tài sản chung của hai vợ chồng. Tổng trị giá ước tính khoảng hơn 3.589 tỷ đồng. Ông Vũ yêu cầu được chia 70% trong số này, tương đương 2.512 tỷ.
Trên cơ sở này, ngày 9/9/2016, TAND TP.HCM thụ lý yêu cầu phản tố của ông Vũ. Đến 10/7/2017, ông Vũ tiếp tục có đơn yêu cầu tách vụ án đối với phần tài sản chung trong vụ án ly hôn (bao gồm tiền, vàng, bất động sản) để giải quyết bằng một vụ án khác. Ngày 14/9/2017, ông Vũ tiếp tục có đơn gửi TAND TP.HCM với nội dung "xin rút một phần đơn yêu cầu phản tố” ngày 18/7/2016 liên quan đến tài sản là các bất động sản, tiền gửi VNĐ, ngoại tệ các loại, vàng và tiền trong tài khoản do bà Thảo đứng tên ở các ngân hàng.
Tuy nhiên, sau đó TAND TP.HCM ban hành quyết định tách vụ án đối với số cổ phần tại Công ty Trung Nguyên Singapore chứ không tách yêu cầu liên quan tài sản tiền, vàng tại 3 ngân hàng. Tại biên bản hòa giải, tòa cung cấp thông tin xác minh tài khoản của các ngân hàng cung cấp, các bên xem xét và đã ký. VKS cho rằng tòa không hòa giải đối chất, vi phạm là không có cơ sở pháp luật. HĐXX xét thấy việc tòa chấp nhận việc thay đổi bổ sung yêu cầu khởi kiện của đương sự là không vượt quá yêu cầu khởi kiện ban đầu.
VKS cho rằng không đủ căn cứ đưa yêu cầu này ra xét xử là vi phạm quyền nghĩa vụ của các đương sự nhưng tòa nhận thấy việc đưa số tiền phản tố vào xét xử là phù hợp pháp luật.
-
Bà Thảo được nuôi các con
HĐXX đánh giá hai bên mâu thuẫn trầm trọng. Việc bà Thảo, ông Vũ cùng đề nghị tòa chấp nhận cho ly hôn là hoàn toàn hợp lý.
Do đó, HĐXX đồng ý với sự thỏa thuận của hai bên. Theo đó, 4 đứa con sẽ do bà Thảo nuôi. Ông Vũ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho các con 10 tỷ đồng/năm tính từ năm 2013 cho đến khi học xong đại học.
-
Ông Vũ góp vốn nhiều hơn bà Thảo
Về tỷ lệ cổ phần tại các công ty, ông Vũ đứng tên số cổ phần chiếm 20% vốn điều lệ, bà Thảo 10%Công ty CP Tập đoàn Trung Nguyên. Đối với Công ty CP Đầu tư Trung Nguyên (Trung Nguyên Investment), ông Vũ chiếm 60%, còn bà Thảo 30% cổ phần.
Tại 3 công ty CP Cà phê Trung Nguyên, Công ty CP Hòa tan Trung và Công ty CP Trung Nguyên Franchise, tỷ lệ sở hữu cổ phần của ông Vũ, bà Thảo lần lượt là 10% và 5%. Ngoài ra, mỗi người còn đứng tên 15 cổ phần Công ty TNHH Đầu tư du lịch Đặng Lê. Còn tại Công ty TNHH Vũ Nguyên Đắk Nông, ông Vũ đứng tên 30% cổ phần. (Công ty Trung Nguyên Singapore đã tách thành vụ án khác).
Theo nguyên tắc, tài sản chia đôi khi ly hôn nhưng có tính đến các yếu tố hoàn cảnh của gia đình, của vợ, chồng, công sức đóng góp của vợ chồng trong việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Ông Vũ và gia đình đã sáng tạo ra cà phê Trung Nguyên nhờ vào tiền bán nhà bố mẹ và tiền vay mượn. Giấy phép kinh doanh cấp cho ông Vũ và ông Mơ (cha ông Vũ). Những năm sau đó thay đổi tên gọi và bổ sung ngành nghề kinh doanh.
Vậy về mặt đóng góp là thuộc về ông Vũ và gia đình, điều này phù hợp với những trình bày của ông Vũ tại tòa. Tòa nhận định khi thành lập doanh nghiệp, số lượng vốn góp của ông Vũ bao giờ cũng nhiều hơn bà Thảo. Đây là điều cốt lõi xác định công sức đóng góp của hai bên. Bà Thảo nuôi các cháu ăn học và thường xuyên ở nước ngoài chăm các con. Một mình ông Vũ quản lý Trung Nguyên, ông là ông chủ Trung Nguyên và mang về lợi nhuận cao.
-
Giao cổ phần của bà Thảo cho ông Vũ quản lý
Tòa nhận thấy bà Thảo có tham gia tuyên truyền cổ vũ cho King’s Coffe, cạnh tranh với G7 của Trung Nguyên. Nên việc ông Vũ cho rằng bà Thảo vi phạm luật cạnh tranh là có căn cứ. Nhưng xét bà Thảo có năng lực kinh doanh, vừa nuôi con vừa mở mang thành lập công ty ở nước ngoài. Việc này phải ghi nhận công sức của bà Thảo trong việc thành lập công ty ở Singapore là lớn.
Nhưng tranh chấp này, ông Vũ đã rút và sẽ xem xét trong vụ án khác. Khi đó vai trò, công sức bà Thảo sẽ được xem xét hợp lý. Việc bà Thảo cho rằng ông Vũ mải mê thiền định mà không quan tâm đến công ty, tòa nhận thấy căn cứ vào báo cáo kiểm toán, tổng lợi nhuận sau thuế của Tập đoàn Trung Nguyên đều duy trì phát triển ở 650 tỷ đồng trở lên. Mặc dù kiện cáo ảnh hưởng nhưng công ty vẫn phát triển. Nên tòa xét thấy phải chia cho ông Vũ nhiều hơn nhưng vẫn phải đảm bảo cho công sức bà Thảo.
Do đó, Tòa nhận thấy cần phải chia cho ông Vũ 60%, bà Thảo 40%.
Từ 2015 đến nay, 2 bên xảy ra hàng loạt vụ kiện ảnh hưởng danh dự thương hiệu Trung Nguyên và hoạt động của các công ty ở Trung Nguyên.
Tòa nhận định cần thiết giao cổ phần bà Thảo và ông Vũ trong Tập đoàn Trung Nguyên cho ông Vũ quản lý theo Luật Hôn nhân Gia đình. Ông Vũ thanh toán lại bằng tiền cho bà Thảo; tạo điều kiện cho bà Thảo đầu tư vào thương hiệu cà phê mới. Có như vậy mới giúp các đương sự có cuộc sống mới. -
1.700 tỷ đứng tên bà Thảo là tài sản chung
Về tài sản là tiền, vàng, tòa nhận thấy trong trường hợp không có căn cứ chứng minh tài sản đang có tranh chấp là tài sản riêng mỗi bên thì tài sản đang tranh chấp là tài sản chung. Do đó, về nguyên tắc, khoản tiền trong tài khoản bà Thảo gửi được tính lãi và bà Thảo đã được hưởng. Ông Vũ không yêu cầu tính lãi là có lợi cho bà Thảo.
Bà Thảo sở hữu số tiền bà đang quản lý là hơn 1.700 tỷ, ông Vũ được sở hữu cổ phần tại công ty trị giá hơn 5.600 tỷ. Tổng cộng tài sản chung vợ chồng trừ bất động sản là hơn 7.000 tỷ. Nếu chia ông Vũ 60% tài sản thì sẽ tương đương 4.000 tỷ, bà Thảo 40% tương đương hơn 3.000 tỷ. Khối tài sản bà Thảo đang được sở hữu là hơn 3.600 tỷ, ông Vũ hơn 4.800 tỷ. Khấu trừ, ông Vũ phải thanh toán chênh lệch hơn 1.200 tỷ.Do vậy yêu cầu của bà Thảo về việc chia nhiều hơn ở các công ty là không có cơ sở nên không được chấp nhận. Về án phí ly hôn, bà Thảo phải chịu 300.000 đồng tiền khởi kiện và 33 tỷ đồng án phí tài sản. Còn ông Vũ phải nộp 48 tỷ án phí tài sản.
-
Bà Lê Hoàng Diệp Thảo: "Bản án quá bất công"
Từ những lẽ trên, tòa công nhận thuận tình ly hôn giữa ông Vũ và bà Thảo; giao bà Thảo nuôi các con chung và chấp nhận sự tự nguyện của ông Vũ cấp dưỡng các cháu 10 tỷ/năm tính từ 2013. Ông Vũ có quyền chăm sóc, giáo dục con chưa thành niên; ông Vũ có quyền yêu cầu Tòa án thay đổi người nuôi con nếu có đủ điều kiện.
Ngoài ra tòa giao ông Vũ tất cả cổ phần trong các công ty của Tập đoàn Trung Nguyên tương ứng các tỷ lệ cổ phần đã nêu.
Ông Vũ có quyền yêu cầu Sở Kế hoạch Đầu tư thay đổi giấy phép kinh doanh theo quy định và được quản lý tài sản đất và gắn liền với đất tương đương 6 bất động sản trị giá 350 tỷ Về phía bà Thảo được giao tiền, vàng, bất động sản đang quản lý, quyền sử dụng đất và gắn liền với đất gồm 7 bất động sản trị giá 375 tỷ; tài sản quy ra tiền tương đương hơn 1.700 tỷ. Và ô ng Vũ có trách nhiệm thanh toán phần chênh lệch 1.200 tỷ cho bà Thảo. Theo bản án, tòa đình chỉ các yêu cầu khác đối với các công ty phát sinh với tư cách cổ đông, thành viên công ty; hủy các biện pháp khẩn cấp tạm thời; tách quan hệ liên quan Trung Nguyên Singapore thành vụ kiện khác. Sau khi tòa tuyên án, trả lời Zing.vn, bà Thảo nói: "Một bản án quá bất công với mẹ con chúng tôi". Còn ông Vũ từ chối trả lời báo chí.
Bà Lê Hoàng Diệp Thảo: 'Bản án quá bất công với mẹ con tôi'
Sau phán quyết vụ ly hôn, bà Thảo chia sẻ với Zing.vn: "Một bản án quá bất công với mẹ con chúng tôi". Trong khi đó, ông Đặng Lê Nguyên Vũ đã từ chối trả lời báo chí.