Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ba ngày học sinh nghỉ rét: Cha mẹ cãi nhau, trường lo lắng

Trong khi cuộc sống nhiều gia đình bị ảnh hưởng vì con nghỉ học tránh rét kỷ lục, các trường học ở Hà Nội lo lắng cho sức khỏe học sinh, cũng như điều chỉnh việc dạy học.

Hôm nay đã là ngày thứ ba hai con (học mầm non và tiểu học) nghỉ ở nhà vì giá lạnh, gia đình chị Ngọc Hà (quận Long Biên, Hà Nội) vẫn chưa tìm được người trông con. Cũng vì chuyện này mà vợ chồng chị giận nhau, không khí gia đình căng thẳng.

Cha mẹ cãi nhau

Sau khi nhận được tin nhắn của nhà trường hôm 24/1, thông báo các con có thể nghỉ dài ngày khi nhiệt độ dưới 10 độ C, chị Hà đã gọi điện về quê nhờ bà ngoại trông con giúp. Bà ốm, không thể lên Hà Nội, nên chị Hà tính phương án thuê người giúp việc nhưng chưa tìm được.

“Tôi đề xuất phương án vợ chồng thay nhau nghỉ phép trông con, nhưng anh ấy bảo không được nên tôi phải nghỉ ở nhà. dù công việc cuối năm bận. Cũng vì chuyện này mà vợ chồng giận nhau mấy hôm nay”, nữ phụ huynh chia sẻ.

Một em bé mặc áo ấm ngủ trên xe trong khi mẹ đưa đến trường.

Ảnh: Hải An.

Cũng giống chị Hà, cuộc sống của nhiều gia đình bị ảnh hưởng khi không có người trông con nghỉ học. “Sau khi tranh cãi, vợ chồng tôi thống nhất mỗi người đưa một đứa lên cơ quan. Tôi biết cho các cháu đến chỗ làm việc rất bất tiện, nhưng cũng không còn cách nào khác”, chị Bùi Hoa (quận Cầu Giấy) nói.

Còn chị Hải Dung (quận Ba Đình) may mắn hơn khi gửi được con cho bác hàng xóm. Khi nghe chị tâm sự vợ chồng to tiếng vì chuyện con nghỉ học, bác hàng xóm đã nhận trông giúp mấy hôm. Sáng, nữ phụ huynh chuẩn bị đồ ăn, quần áo ấm đưa con đi gửi, trưa tranh thủ chạy về cho con ăn rồi lại vội vã lên cơ quan. “Cũng may là có bác giúp đỡ, không vợ chồng tôi chưa biết làm thế nào”, chị Dung nói.

Theo quy định của Sở GD&ĐT, những ngày nghỉ học, các trường vẫn nhận trông học sinh, nếu cha mẹ có nhu cầu. Các em sẽ được học trong phòng ấm, có cơm, canh nóng.

Cãi nhau mãi mà không thống nhất được người trông con, vợ chồng tôi đành chấp nhận gửi cháu ở trường, dù mưa rét, đi lại vất vả. Vào lớp thấy nhiệt độ trong phòng rất ấm, các con chỉ mặc áo len mỏng cũng không sợ lạnh nên tôi yên tâm hơn", chị Ngọc Trâm (quận Cầu Giấy) kể.

Tuy nhiên, cũng có người không yên tâm khi gửi con ngày lạnh. Họ đưa con đến trường gửi một lúc rồi quay lại đón về.

Dân mạng tranh luận

Câu chuyện căng thẳng vì học sinh nghỉ học ngày rét còn lan ra cả mạng xã hội. Có nên cho học sinh nghỉ học khi dưới 10 độ C là chủ đề tranh cãi, thu hút sự quan tâm của nhiều người mấy ngày qua.

Một số ý kiến cho rằng, cha mẹ nuông chiều và làm hư con mới cho nghỉ học. So sánh với học sinh Nhật Bản, Hàn Quốc và một số nước khác, những người này cho rằng, các em vẫn đi học bình thường dưới thời tiết 2 – 5 độ C.

“Bọn trẻ vẫn phải đến trường. Chúng phải học cách vận động làm nóng người để rèn luyện sức khoẻ, cao hơn nữa là ý chí vượt qua khó khăn, thích nghi với hoàn cảnh sống”, một người viết.

Cùng với đó, những hình ảnh học sinh cởi trần lăn lộn trên tuyết trắng, vui đùa dưới trời giá lạnh trong các bài tập vận động (đối lập bảng thông báo nghỉ học ở Việt Nam) cũng xuất hiện trên mạng xã hội.

Người dùng Facebook Duong Cong Tho Duong dẫn ý kiến cha mẹ Nhật: Đi học dưới thời tiết như vậy, dĩ nhiên con sẽ bị ốm. Mục đích của trẻ con đi học là để bị cảm lạnh và bị ốm. Sau khi trải qua được thử thách đầu đời này, các em sẽ có sức đề kháng hơn hẳn những bạn đồng trang lứa từ các quốc gia khác.

Tuy nhiên, phản biện những ý kiến này, một số người cho rằng, việc cho trẻ nghỉ học là đúng vì điều kiện thời tiết của Việt Nam khác với Nhật Bản, Hàn Quốc.

Ngày 22/1, Sở GD&ĐT Hà Nội có công văn thông báo học sinh mầm non, tiểu học được nghỉ khi nhiệt độ từ 10 độ C trở xuống. Dưới 7 độ C, học sinh THCS nghỉ học.

Công văn cũng nêu rõ, "trường hợp học sinh vẫn đến trường, nhà trường phải bố trí cho các cháu vào một phòng để giữ ấm và quản lý cho đến khi phụ huynh đón về (không được để học sinh đứng ngoài cổng trường vì nghỉ rét)".

“Ở Nhật, lớp học có máy sưởi, độ ẩm không cao và họ quen với khí hậu đó rồi. Ở Việt Nam, điều kiện không được thế. Mùa này, người khỏe cũng ốm chứ chưa nói người thường...”, tài khoản Linh Nhi viết.

Cũng theo người này, vấn đề không nằm ở nhiệt độ. “Gia đình mình đã trải qua cái lạnh -5 độ C ở Nhật hết sức bình thường, mặc vừa đủ ấm là được. Còn ở Việt Nam, rét 10 độ C là chuyện khác. Nó khó chịu, chân tay cứng đờ, kinh khủng hơn âm mấy độ ở các nước Nhật, Hàn nhiều. Nguyên nhân là độ ẩm không khí ở ta quá cao (nhiệt đới gió mùa) nên mới có chuyện rét không chịu được như thế”.

Những phụ huynh khác cũng cho rằng, ở Hàn Quốc, cơ sở vật chất của trường học hơn hẳn Việt Nam. Lớp học có hệ thống sưởi, có xe buýt đưa đón học sinh, hoặc phụ huynh đưa con bằng ôtô. Vì thế, các em hoàn toàn có thể đến trường trong ngày giá rét. 

Nhà trường lo lắng

Chia sẻ với phụ huynh câu chuyện học sinh nghỉ học kéo dài, phía nhà trường cũng lo lắng làm sao chăm sóc các em tốt (nếu vẫn đi học) trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, cũng như ảnh hưởng chương trình dạy và học (nếu nghỉ kéo dài).

Bà Đỗ Thị Vẻ, Hiệu trưởng Trường tiểu học Nghĩa Đô (quận Cầu Giấy) cho biết, mặc dù học sinh nghỉ học trong 3 ngày qua nhưng 100% cán bộ giáo viên, nhân viên bếp ăn vẫn thường trực tại trường vào buổi sáng để phục vụ những phụ huynh có nhu cầu gửi con.

“Số ít học sinh đến trường sẽ được dồn vào một lớp, có điều hòa sưởi ấm và bữa trưa nóng, đầy đủ dinh dưỡng cho các con”, bà Vẻ cho biết.

Trao đổi với Zing.vn, ông Nguyễn Văn Quý, Phó trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GD&ĐT Hà Nội, cho biết, 3 ngày qua, toàn bộ 711 trường tiểu học trên địa bàn Hà Nội đều thông báo nghỉ học tránh rét. Một số trường có hệ thống liên lạc với phụ huynh qua email hoặc điện thoại, giúp cha mẹ chủ động nắm rõ lịch nghỉ học. Tuy nhiên, cũng có một số trường cơ sở vật chất còn hạn chế nên chỉ thông báo chung tại trường.

Trước tình hình học sinh có thể nghỉ dài ngày, ông Quý cho biết, các trường sẽ phải chủ động sắp xếp chương trình học bù, đảm bảo hạn kết thúc năm học là 25/5/2016. Mỗi trường tiểu học đều có 1 tuần cho các chương trình hoạt động ngoại khóa, quỹ thời gian này sẽ phải rút ngắn lại để dành thời gian học bù nếu việc nghỉ học tránh rét kéo dài.

Theo ông Phạm Ngọc Anh, Trưởng phòng GD&ĐT quận Cầu Giấy, quận chỉ đạo các trường thông báo lịch nghỉ học tránh rét cho phụ huynh qua sổ liên lạc điện tử. Tuy nhiên, nếu phụ huynh không biết vẫn đưa con đi học, các trường tiểu học vẫn bố trí giáo viên nhận và trông coi học sinh.

Ông Ngọc Anh cho hay, với tình hình các trường tiểu học nghỉ 3 ngày liên tiếp, quận sẽ chỉ đạo các trường bố trí thời gian dạy bù vào học kỳ 2.

Ông Trần Đình Bắc, Phó cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, cho biết: “Về góc độ y tế, tôi nghĩ thời tiết rét đậm rét hại đặc biệt nguy hiểm cho trẻ em, sẽ tăng nguy cơ nhiễm các bệnh lý về đường hô hấp, viêm phổi. Nếu nhiệt độ dưới 10 độ C, phụ huynh nên cho học sinh mầm non, tiểu học ở nhà, còn những độ tuổi lớn hơn có thể cân nhắc”.

Đầu đợt rét, Bộ Y tế đã có công văn khẩn cảnh báo: "Trước tình hình thời tiết trong những ngày tới tại các tỉnh miền Bắc và Bắc Trung Bộ nhiệt độ tiếp tục giảm, rét đậm, rét hại kéo dài, nhiều nơi nhiệt độ xuống dưới 0 độ C, rủi ro thiên tai cấp độ I có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới tình hình sức khỏe của nhân dân, đặc biệt là người già và trẻ em".

Vùng cao 0 độ C, học sinh quấn chăn đến lớp

Những ngày này, học sinh vùng cao phải chịu cái rét 0 độ C. Nhiều trường đã cho học sinh nghỉ học, nhưng các em nội trú vẫn phải ở điểm trường chống rét.

Nhiều trường cho học sinh nghỉ vì rét

Sáng 25/1, nhiệt độ các tỉnh miền Bắc đồng loạt giảm sâu dưới 10 độ C. Hiệu trưởng nhiều trường tiểu học tại Hà Nội và một số tỉnh thành chủ động cho học sinh nghỉ học tránh rét.


Ngọc Tân

Bạn có thể quan tâm