Theo nhóm nghiên cứu về quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm, hiện có ba nghịch lý đang tồn tại.
Bất cập
Thứ nhất, số lượng tuyển sinh tỷ lệ nghịch với nhu cầu và mất cân đối giữa các địa bàn. Một số địa phương đã có trường đại học sư phạm do Bộ GD&ĐT quản lý đóng trên địa bàn, có khả năng đáp ứng nhu cầu giáo viên tất cả bậc học, nhưng vẫn duy trì sự tồn tại của trường cao đẳng sư phạm do địa phương quản lý.
Thậm chí, có địa phương còn "khai sinh" loại hình trường này sau cả thời điểm ra đời của trường đại học (ĐH) nói trên.
Ngoài ra, nhiều địa phương có trường cao đẳng (CĐ) sư phạm và vẫn giao chỉ tiêu tuyển sinh đều đặn hàng năm, nhưng trong thông báo tuyển GV các bậc phổ thông thì chỉ tuyển những đối tượng có bằng tốt nghiệp ĐH. Như vậy, có tình trạng địa phương không có nhu cầu giáo viên hệ CĐ nhưng vẫn duy trì loại hình đào tạo này.
Thừa giáo viên do không kiểm soát được quy mô tuyển sinh và nhu cầu sử dụng. Ảnh: Nghiêm Huê/Tiền Phong. |
Thứ hai, hiện có quá nhiều trường đào tạo giáo viên (GV) với 114 cơ sở đào tạo trên cả nước. Không chỉ nhiều mà sự phân bố các trường sư phạm còn quá dàn trải về địa lý trên khắp cả nước.
Trong khi đó, các địa phương hiện vẫn thực hiện tinh giản biên chế GV (từ nay đến năm 2021 giảm 10%), nên vài năm tới nhu cầu nhân lực ngành sư phạm sẽ tiếp tục giảm.
Thế nhưng, hàng trăm cơ sở đào tạo sư phạm vẫn tiếp tục tuyển sinh, dù 2 năm nay chỉ tiêu tuyển sinh sư phạm bắt đầu được siết lại. Tuy nhiên, từ năm 2013 đến nay, chỉ tiêu tuyển sinh ngành sư phạm luôn cao hơn mục tiêu đề ra.
Mặt khác, dù số lượng SV được tuyển trước đây quá nhiều (dự báo số SV ra trường các năm 2018, 2019 chưa có việc làm ngay là hơn 40.000) nhưng không thể dừng hẳn tuyển sinh của cả trăm trường có đào tạo GV, mà Bộ GD &ĐT vẫn giao cho các trường một lượng chỉ tiêu nhất định. Nếu vẫn để tồn tại số lượng trường nhiều như vậy thì tất yếu sẽ tiếp diễn tình trạng cung vượt quá cầu.
Thứ ba, số lượng các trường sư phạm ở Việt Nam chủ yếu thuộc hệ thống công lập. Trong điều kiện khó khăn của nền kinh tế - xã hội và ngay cả những nước phát triển cũng khó đủ tiềm lực trang trải cho một hệ thống cồng kềnh như vậy. Việc đầu tư kiểu dàn trải đã không tạo ra được sự bứt phá nào trong phát triển các cơ sở đào tạo sư phạm.
Không nhất thiết biến CĐ sư phạm thành vệ tinh
Theo dự thảo quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm, đến năm 2025, các trường CĐ đa ngành có chương trình đào tạo GV xây dựng lộ trình giảm chỉ tiêu đào tạo và chấm dứt nhiệm vụ đào tạo GV trước 2025. Đến năm 2030, ngoài các trường ĐH sư phạm trọng điểm, các cơ sở đào tạo GV khác chuyển thành vệ tinh của các trường sư phạm trọng điểm, chủ chốt.
Tuy nhiên, Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam vừa công văn kiến nghị gửi Thủ tướng về việc sắp xếp mạng lưới các cơ sở sư phạm đào tạo GV cho giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông.
Theo bản kiến nghị này, hiệp hội cho rằng sinh viên sư phạm thất nghiệp là do quy mô tuyển sinh lớn. Với quy mô tuyển sinh trung bình khoảng 49.000 sinh viên/năm, nhiều năm qua, trong khi nhu cầu GV giảm thì số lượng giáo sinh ra trường vẫn không hề giảm, hậu quả là số người tốt nghiệp sư phạm thất nghiệp liên tục tăng.
Cùng với chủ trương "đại học hóa" đội ngũ GV phổ thông, đang có xu hướng tập trung giao nhiệm vụ đào tạo GV chỉ cho một số trường đại học sư phạm trọng điểm. Hiệp hội cho rằng đây là những chủ trương đúng nhưng cần có bước đi thích hợp. Theo ý kiến của hiệp hội, không nên để các trường CĐ sư phạm trở thành vệ tinh của trường ĐH sư phạm trọng điểm.
Hiệp hội đề xuất trước mắt nên giữ nguyên hệ thống các cơ sở sư phạm như hiện nay. Các trường CĐ sư phạm thực hiện đào tạo và bồi dưỡng GV chủ yếu theo địa chỉ.
Về lâu dài, các cơ sở sư phạm nên từng bước chuyển thành trường giáo dục trong các ĐH đa lĩnh vực hoặc khoa sư phạm trong các trường ĐH địa phương, nhằm có sự ổn định trong hoạt động và huy động được sức mạnh tổng hợp của toàn hệ thống giáo dục ĐH trong đào tạo GV khi xuất hiện nhu cầu lớn.
Theo ông Lê Viết Khuyến, Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam, trong lịch sử, chúng ta vẫn tồn tại tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ. Ông lo ngại nếu quy hoạch như thế khi xảy ra tình trạng thiếu GV không biết các trường sẽ đáp ứng như thế nào.
Hơn nữa, nếu Bộ GD&ĐT nắm được nhu cầu tuyển dụng như ngành công an, quân đội thì chắc chắn sẽ không xảy ra tình trạng thừa GV như hiện nay.