Bệnh viện Bãi Cháy, Quảng Ninh, đã tiếp nhận liên tiếp 3 bệnh nhân bị tai nạn lao động do máy cưa cắt vào tay. Ảnh: Cắt từ clip. |
Trường hợp thứ nhất là bệnh nhân Đ.V.S. (31 tuổi, trú tại xã Tân Lập, huyện Đầm Hà, Quảng Ninh) trong quá trình lao động bị cưa cắt vào bàn tay trái. Người này được gia đình đưa vào viện trong tình trạng vết thương mất ngón 3, 5, một phần ngón 2, 4.
Anh S. đã được các bác sĩ làm sạch vết thương, tạo mỏm cụt các ngón 2, 3, 4, 5.
Trường hợp thứ 2 là bệnh nhân L.Đ.K. (37 tuổi, trú tại xã Đồng tâm, Mỹ Đức, Hà Nội) bị cưa cắt vào bàn tay phải trong quá trình lao động. Người đàn ông này nhập viện trong tình trạng vết thương mu bàn tay phải kích thước 6 cm, bờ nham nhở, hạn chế vận động, đầu chi hồng ấm.
Các bác sĩ đã cắt lọc, nối gân duỗi, khâu phục hồi cơ dạng ngón 5 bàn tay phải cho bệnh nhân K.
Trường hợp thứ 3 là bệnh nhân P.V.C. (50 tuổi, trú tại phường Hà Khẩu, TP Hạ Long, Quảng Ninh) cũng bị máy cưa cắt vào bàn tay phải. Sau tai nạn, bệnh nhân bị chảy máu nhiều, hạn chế vận động ngón 1 và 2 được gia đình đưa vào viện điều trị.
Sau khi thăm khám và làm các xét nghiệm cận lâm sàng, chụp X-quang, bệnh nhân được chẩn đoán vết thương phức tạp bàn tay phải, đứt gân duỗi ngón 1, vỡ xương đốt 1 ngón 2, đầu xa đốt 1 ngón 1 và được xử trí cắt lọc, nối gân duỗi ngón 1 bàn tay phải, đặt nẹp bột.
Theo các bác sĩ, tai nạn lao động nhẹ có thể gây chấn thương xây xát da, nặng hơn khiến gãy chân, tay, không ít trường hợp phải cắt bỏ chi do chấn thương nặng, một số người bị liệt, mất khả năng vận động, sống thực vật. Điều này ảnh hưởng rất lớn tới không chỉ người lao động mà còn kéo theo là gia đình bởi họ thường là trụ cột, lao động chính.
Ngoài ra, những vết thương này lâu hồi phục hoặc không thể phục hồi sẽ khiến người bệnh phải gánh chịu suốt đời, trở thành gánh nặng của gia đình và xã hội.
Vì vậy, các bác sĩ khuyến cáo người dân cần cẩn trọng trong quá trình lao động, sản xuất; trang bị đầy đủ các phương tiện phòng hộ lao động cần thiết; kiểm tra kỹ các thiết bị, máy móc trước khi vận hành. Người dân nên tập trung vào công việc, vì chỉ cần lơ là, chủ quan, tai nạn lao động có thể đến bất cứ lúc nào.
Chữa lành bằng sách
Mục Sức khỏe giới thiệu một số cuốn sách về chủ đề sức khỏe tâm thần dành cho bạn đọc có quan tâm:
Chữa lành sau sang chấn: "Chữa lành sau sang chấn" là một cách tiếp cận sức khỏe tinh thần, thể chất và tâm linh gọi là tâm lý học toàn diện, nơi người tham gia cam kết thực hành mỗi ngày để tự giúp mình khỏe mạnh bằng cách phá vỡ các khuôn mẫu tiêu cực, chữa lành quá khứ.
Đại dương đen là tiếng nói sẻ chia với thế giới của người trầm cảm, đồng thời là lời kêu gọi xóa bỏ định kiến xã hội, để những con người ấy có cơ hội được sống hạnh phúc.