Bà Nguyễn Phương Hằng. |
Ngày 5/5, theo nguồn tin của Zing, sau khi tiếp nhận hồ sơ từ VKSND TP.HCM, TAND cùng cấp đã ra quyết định tạm giam thêm 60 ngày đối với bị can Nguyễn Phương Hằng (52 tuổi, Tổng giám đốc Công ty CP Đại Nam) để chuẩn bị cho việc xét xử.
TAND TP.HCM cũng đã phân công ông Bùi Đức Nam (thẩm phán tòa hình sự) thụ lý giải quyết vụ án.
Hôm 24/3/2022, Cơ quan điều tra Công an TP.HCM khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam bà Nguyễn Phương Hằng. Đây là lần thứ 5 cơ quan tố tụng ra lệnh tạm giam bà Nguyễn Phương Hằng. Trước đó, hồi tháng 6/2022, 8/2022, 11/2022 và 4/2023, VKSND TP.HCM có 4 lần ra lệnh tiếp tục tạm giam đối với bị can Nguyễn Phương Hằng để điều tra và hoàn tất các thủ tục tố tụng.
Trong vụ án này, bà Phương Hằng, ông Đặng Anh Quân (cựu giảng viên Đại học Luật TP HCM), Nguyễn Thị Mai Nhi (40 tuổi, trợ lý của bà Hằng), Lê Thị Thu Hà (31 tuổi, nhân viên Công ty Đại Nam) và Huỳnh Công Tân (29 tuổi, trưởng phòng Truyền thông Công ty Đại Nam) cùng bị truy tố về tội Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân theo Điều 331 Bộ luật Hình sự.
Bà Nguyễn Phương Hằng bị bắt hồi tháng 3/2022. Ảnh: Công an cung cấp. |
Theo cáo trạng, bà Nguyễn Phương Hằng thông qua các tài khoản mạng xã hội YouTube và TikTok, tổ chức nhiều buổi phát sóng trực tiếp (livestream) qua mạng Internet để xâm phạm bí mật đời tư, ảnh hưởng uy tín, danh dự của ông Võ Nguyễn Hoài Linh (nghệ sĩ Hoài Linh), bà Nguyễn Thị Mỹ Oanh (ca sĩ Vy Oanh), bà Đặng Thị Hàn Ni (nhà báo Hàn Ni), ông Nguyễn Đức Hiển (Phó tổng biên tập báo Pháp luật TP.HCM), bà Trần Thị Thủy Tiên (ca sĩ Thủy Tiên cùng chồng Lê Công Vinh, ông Huỳnh Minh Hưng (ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng), bà Đinh Thị Lan.
Bị can Nguyễn Phương Hằng đã lợi dụng sức ảnh hưởng của bản thân, sử dụng chức năng của mạng xã hội trên Internet, tổ chức nhiều buổi phát trực tiếp nội dung thông tin không kiểm chứng, liên quan đến đời tư của người khác, trong đó sử dụng những ngôn từ mang tính chất nhục mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm.
Quá trình điều tra, bị can Nguyễn Phương Hằng khai nhận các thông tin đã phát ngôn về các cá nhân trên là do đọc trên mạng Internet, báo chí và nằm mơ, chưa được kiểm chứng và không có căn cứ.
Đối với các cá nhân sử dụng kênh YouTube để chia sẻ thông tin liên quan đến Nguyễn Phương Hằng nhằm mục đích "câu like", tăng thu nhập, CQĐT Công an TP.HCM và các đơn vị chức năng liên quan đang xác minh, làm rõ để xử lý.
Công an TP.HCM xác định 3 bị can Nhi, Hà, Tân đã thực hiện các nhiệm vụ đăng tin trên mạng xã hội Facebook về tiêu đề, thời điểm, đường dẫn đến kênh YouTube, TikTok sẽ phát livestream; in các nội dung mà bị can Nguyễn Phương Hằng sẽ phát ngôn, đưa cho bị can Nguyễn Phương Hằng trước các buổi livestream; chuẩn bị, sử dụng các phương tiện, thiết bị điện tử để phục vụ livestream và phát livestream trên các tài khoản mạng xã hội của bị can Nguyễn Phương Hằng.
Ba bị can này còn tham gia dẫn chương trình trong các buổi livestream, thông báo số lượng người xem, đọc các bình luận trên livestream phát trực tiếp...
Đối với bị can Đặng Anh Quân, nhà chức trách xác định ông Quân đã trực tiếp tham gia nhiều buổi livestream cùng Nguyễn Phương Hằng. Trong các buổi livestream này, Đặng Anh Quân đã phát ngôn, bình luận, cùng tương tác với Nguyễn Phương Hằng về những nội dung xúc phạm nghiêm trọng danh dự, uy tín, nhân phẩm của nhiều cá nhân.
Để hiểu hơn về Bộ luật hình sự, trách nhiệm hình sự, 55 cặp tội danh dễ nhầm lẫn trong Bộ luật hình sự hay những quy định về xử phạt hành chính, khiếu nại, tố cáo… mời độc giả của Zing truy cập Tủ sách Pháp luật.
Bên cạnh đó, bạn đọc cũng có thể tìm hiểu các quy định về thuế thu nhập cá nhân, quy định về các khoản thưởng không phải chịu thuế hoặc Luật cư trú, Luật hộ tịch và các điều cần biết khác…