Trước đó ngày 2/10, bệnh nhi T. nhập viện với các triệu chứng đau bụng, ói, tiêu chảy ra máu, phân nhầy.
Sau khi khám và chụp phim, các bác sĩ nghi em T. bị tắc ruột nên phẫu thuật nội soi. Khi tiến hành phẫu thuật, các bác sĩ phát hiện đoạn gần cuối ruột non có một khối hình bầu dục khiến đoạn ruột phía trên ùn tắc, phía dưới khối teo, xẹp.
Bã ổi được lấy ra khỏi ruột của bệnh nhi T. - Ảnh: A.L. |
Tuy nhiên qua thiết bị nội soi không biết khối u là gì, do đó phải mổ. Khi sờ vào khối u lộn nhộn như thức ăn. Các bác sĩ xẻ ruột lấy dị vật ra và rất ngạc nhiên khi bên trong khối u toàn là hột ổi. Kính thước bã ổi khoảng 5x10 cm.
Sau khi lấy toàn bộ dị vật ra, thông suốt, vệ sinh ổ bụng, kíp trực đã khâu lại vết mổ cho bệnh nhi. Năm ngày sau khi mổ, em T. có biểu hiện thông ruột và bắt đầu được cho ăn lại. Hiện em T. đã bình phục và xuất viện.
Theo bác sĩ Vũ Công Tầm - trưởng khoa phẫu thuật gây mê - hồi sức Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, bệnh nhi T. được đưa vào viện điều trị sớm nên chưa xuất hiện biến chứng.
Đây là một ca bệnh đầu tiên mà bệnh viện này ghi nhận bị tắc ruột do hột ổi, đặc biệt đối với trẻ em.
Thông thường bệnh tắc ruột do bã thức ăn xuất hiện nhiều ở người già do hệ tiêu hóa yếu, sức nhai giảm, khi ăn những thức ăn khó tiêu như hồng, hột chuối hột, rau già nhiều xơ, trái cây chát chưa chín… kết hợp với đạm khiến thức ăn quắn lại gây tắc ruột. Còn đối với các bệnh nhi thì rất hiếm gặp.
Qua đây cũng cảnh giác đến người dân nên tập thói quen nhai kỹ, cẩn trọng với những thức ăn khó tiêu để tránh mắc bệnh tắc ruột.