Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bà Tôn Nữ Thị Ninh: Trường quốc tế đừng 'chiều' giáo viên nước ngoài

Nhà ngoại giao Tôn Nữ Thị Ninh khuyên các trường không nên chiều giáo viên nước ngoài, mà cần đóng vai trò như nhà đàm phán văn hóa để trường quốc tế duy trì được văn hóa Việt.

Bà Tôn Nữ Thị Ninh chia sẻ quan điểm về giáo dục văn hóa truyền thống ở trường quốc tế. Ảnh: Embassy Education - VietSuccsess.

"Con đi học 5-7 tiếng ở trường chỉ nói tiếng Anh, về nhà lại nói tiếng Anh với bố mẹ, vậy thì giữ gìn bản sắc của người Việt kiểu gì?"

Đây là vấn đề được các chuyên gia giáo dục đặt ra khi thảo luận về chủ đề Giáo dục vượt trội - Nâng niu bản sắc. Trong bối cảnh hội nhập toàn cầu, các mô hình trường quốc tế và song ngữ quốc tế nở rộ. Khi đó, việc dung hòa giữa chương trình quốc tế với bản sắc văn hóa Việt đặt ra nhiều thách thức không nhỏ cho các nhà quản lý giáo dục, giáo viên và cả cha mẹ học sinh.

Thảo luận về chủ đề này, chuyên gia tư vấn giáo dục - TS Nguyễn Chí Hiếu và nhà ngoại giao Tôn Nữ Thị Ninh, nguyên Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Liên minh Châu Âu và Bỉ, đã chia sẻ góc nhìn từ chính trải nghiệm thực tế và chuyên môn, từ đó đưa ra một số giải pháp cho các trường quốc tế.

Rào cản của trường quốc tế

Gắn bó nhiều năm với các mô hình trường quốc tế, TS Nguyễn Chí Hiếu cho biết khoảng 70% công việc của ông trong 5 năm qua tập trung vào phân khúc này. Từ trải nghiệm thực tế, ông nhận ra rằng để hai hệ thống quốc tế - Việt Nam “hòa hợp” với nhau, cần vượt qua không ít rào cản.

Theo ông, thách thức đầu tiên đến từ sự thiếu đồng bộ giữa hai đội ngũ quốc tế và Việt Nam. Ngay cả việc tích hợp các chương trình giảng dạy theo chuẩn quốc tế và chuẩn quốc gia - vốn là phần hữu hình và dễ đo lường nhất - cũng đã không dễ dàng.

Thử thách lớn hơn chính là các giá trị vô hình như văn hóa, tư tưởng, hay bản sắc. Theo ông Hiếu, xã hội phương Tây thường đề cao cái tôi cá nhân, trong khi văn hóa Á Đông - điển hình là Việt Nam - lại đặt nặng tính cộng đồng. Trong một sự kiện giáo dục, bài toán thường đặt ra là: Đề cao cá nhân học sinh đến mức nào và tạo cơ hội cho tinh thần tập thể đến đâu.

“Đến cả việc chọn nội dung nào giữ lại, nội dung nào bỏ đi đã là một cuộc tranh luận. Chưa nói đến những thứ vô hình như văn hóa, triết lý giáo dục, thì khoảng cách giữa hai bên còn lớn hơn", TS Hiếu nói.

Trong khi đó, nhà ngoại giao Tôn Nữ Thị Ninh khẳng định sự hiện diện của các trường quốc tế, các chương trình quốc tế tại Việt Nam là xu hướng trong thời kỳ hội nhập. Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ là làm sao để giữ được các giá trị Việt trong môi trường học tập toàn cầu.

Theo bà, thách thức này có phần xuất phát từ chính đội ngũ giáo viên nước ngoài. Bà cho rằng nhiều "giáo viên Tây" đến Việt Nam giảng dạy với tâm thế "mang thế giới vào lớp học", nhưng lại không quan tâm hoặc không thấy cần thiết phải hiểu về đất nước sở tại.

Sự thiếu tôn trọng văn hóa bản địa, theo bà Ninh, cũng có thể bắt đầu từ những điều tưởng như rất nhỏ. Hiện nay, vẫn còn nhiều giáo viên nước ngoài ở Việt Nam giữ tâm lý như thế. Các giáo viên này được trả lương cao nhưng không cố gắng học cách phát âm tên Việt, hay rộng hơn là không hiểu về bản sắc đất nước nơi họ đang giảng dạy.

hoc phi truong quoc te anh 1

TS Hiếu cho rằng cái khó của trường quốc tế là việc tích hợp các chương trình giảng dạy theo chuẩn quốc tế và chuẩn quốc gia. Ảnh: Embassy Education - VietSuccsess.

Giáo viên nước ngoài cần học văn hóa Việt

Từ vấn đề nêu trên, bà Tôn Nữ Thị Ninh khuyên các trường không nên chiều giáo viên nước ngoài, mà cần đóng vai trò như những nhà đàm phán văn hóa.

Theo đó, khi tuyển dụng, nhà trường cần đặt ra tiêu chí không chỉ là bằng cấp hay kinh nghiệm, mà yêu cầu rõ ràng về khả năng thích nghi và sẵn sàng học hỏi văn hóa bản địa. Thái độ học tập của người thầy rất quan trọng.

"Những người lập ra trường quốc tế không nên 'chiều' thầy cô nước ngoài. Chúng ta cần bắt buộc họ, khi tới Việt Nam dạy học và làm việc, phải bỏ thì giờ tìm hiểu và học về văn hoá và đặc trưng của Việt Nam. Phải đặt ra được điều kiện thì tâm thế của chúng ta mới không bị lép vế. Theo tôi, đã đến lúc Việt Nam nên thôi 'làm đàn em'", bà Ninh nhấn mạnh.

Trong khi đó, TS Nguyễn Chí Hiếu cho rằng tất cả nằm ở điểm giao thoa giữa các hệ giá trị và tư tưởng. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh một nguyên tắc quan trọng là "hãy quay về điều rất con người, một con người thật sự cần gì để trở thành ‘người’, chứ không chỉ là học sinh giỏi".

Trong nền tảng đó, ông Hiếu cho rằng Việt Nam có những giá trị riêng không thể bỏ được. Ông lấy ví dụ chương trình giáo dục phổ thông 2018 nhấn mạnh phẩm chất đầu tiên được nêu là “yêu nước” - giá trị đặc trưng của dân tộc. Cùng với đó là các giá trị chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm và nhân ái.

“Nếu tôi dạy ở một trường Việt Nam, đừng bao giờ bắt tôi lấy đi những thứ thuộc về Việt Nam trong trường học. Những ngày lễ như 20/11, Tết Nguyên đán… đều phải được duy trì vì học sinh vẫn lớn lên và vận hành trong xã hội Việt Nam. Có những điều có thể thỏa hiệp, nhưng có những điều nhất định không thể", ông Hiếu kết luận.

Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc những cuốn sách nuôi dạy trẻ trong thời đại 4.0.

Cuốn sách Nuôi con 4.0 - Làm thế nào để trẻ không bị nghiện thiết bị công nghệ? của TS Shimi Kang (nhà khoa học, tâm lý học, chuyên gia giáo dục, tác giả của nhiều tựa sách bán chạy) được đánh giá là hữu ích cho các phụ huynh có con em nghiện sử dụng thiết bị điện tử.

TS Shimi Kang đưa ra hàng loạt dẫn chứng và phân tích khoa học về cách thức tác động của thiết bị công nghệ đến bộ não đang trong giai đoạn phát triển của trẻ. Sau đó, bà chỉ ra những tác động tiêu cực đến sức khỏe, hành vi và tính cách của trẻ.

Đại diện thế hệ trẻ phát biểu tại đại lễ 30/4 là ai?

Huỳnh Mạnh Phương, Bí thư Đoàn trường Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TP.HCM) đại diện thế hệ trẻ phát biểu trong đại lễ kỷ niệm 50 năm ngày thống nhất đất nước.

Thái An

Bạn có thể quan tâm