Từ trại tạm giam của Bộ Công an, bà Trương Mỹ Lan gửi đơn đề nghị xác định lại giá trị tài sản phù hợp với giá trị thị trường tới Ban chỉ đạo liên ngành TW về tổ chức thi hành án, thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án liên quan đến Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.
Luật sư Giang Hồng Thanh cho hay, theo nội dung đơn đề ngày 8/5 của bà Trương Mỹ Lan được ông đánh máy ghi nhận ý kiến và được Trại tạm giam xác nhận nhân thân, bà Lan thể hiện thái độ phấn khởi, vui mừng khi biết có ban chỉ đạo liên ngành.
Bên cạnh đó, bà Lan xin Ban chỉ đạo đặc biệt quan tâm tới việc định giá tài sản phù hợp với giá thị trường, qua đó tăng giá trị thu hồi cho nhà nước, ngăn chặn lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ. Bà Trương Mỹ Lan xác định khối tài sản của mình hiện đang do Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) quản lý có tổng giá trị trên dưới 1 triệu tỷ đồng.
Căn cứ để bà Lan đưa ra số liệu này là dựa vào sự chênh lệch giữa định giá của Công ty TNHH Thẩm định giá Hoàng Quân với định giá của Công ty CP giám định và thẩm định tài sản Việt Nam VAAE.
![]() |
Bà Trương Mỹ Lan. |
Theo trình bày trong đơn của bà Lan, chỉ tính riêng 4/726 mã tài sản được định giá đã có sự chênh lệch tới hơn 193 ngàn tỷ đồng (Hoàng Quân định giá hơn 75 ngàn tỷ, VAAE định giá hơn 269 ngàn tỷ). Bà Lan cũng lưu ý VAAE là một trong 19 công ty thẩm định giá có uy tín, có năng lực thuộc danh sách được Bộ Tài chính cung cấp cho NHNN Việt Nam, qua đó NHNN yêu cầu SCB phối hợp để thẩm định giá.
Ngoài ra bà Trương Mỹ Lan nhắc tới 440 mã tài sản của bà thế chấp vào SCB nhưng không được định giá, hiện bị coi giá trị bằng 0. Theo bà Lan trong số 440 mã tài sản này có cả những tài sản giá trị rất lớn như nhiều quyền sử dụng đất tại quận 1, quận 5 thành phố Hồ Chí Minh…
Một căn cứ nữa để bà Lan đánh giá khối tài sản khổng lồ của mình, là dựa vào bảng giá đất mới trên địa bàn TP HCM theo Quyết định số 79/2024/QĐ-UBND do UBND TP HCM ban hành vào ngày 21/10/2024.
Đối chiếu với bảng giá đất này, bà Lan cho rằng tất cả các dự án, tài sản là quyền sử dụng đất của bà đều tăng giá trị từ 3 – 5 lần. Ví dụ Cao ốc Chợ Vải số 922 Nguyễn Trãi theo giá đất cũ là hơn 48 triệu/m2, giá đất mới hơn 218 triệu/m2 (tăng 4,5 lần); Quyền sử dụng đất tại số 147Bis Nguyễn Tất Thành theo giá đất cũ hơn 34 triệu, giá đất mới hơn 197 triệu (tăng 5,7 lần)…
Bà Lan mong muốn việc định giá, xử lý tài sản để thi hành án sẽ được thực hiện một cách khách quan, minh bạch để khắc phục toàn bộ hậu quả cho nhà nước. Điều này cũng sẽ tránh được các vụ án phát sinh trong tương lai liên quan đến những việc làm tiêu cực trong quá trình thi hành án, định giá tài sản.
Cuối đơn, bà Trương Mỹ Lan xin được tham gia vào quá trình xử lý tài sản với mục tiêu cao nhất là mang lại giá trị lớn nhất cho nhà nước.
Luật sư Giang Hồng Thanh cho biết, đơn của bà Lan đã được gửi tới các lãnh đạo và các Cơ quan có thẩm quyền qua đường Bưu điện.
Trước đó, bà Trương Mỹ Lan bị TAND các cấp xét xử trong hai vụ án. Ở vụ án giai đoạn một, bà Lan nhận án tử hình về tội Tham ô tài sản. Tại giai đoạn hai của vụ án, Chủ tịch Vạn Thịnh Phát bị tuyên phạt án tù chung thân, sau đó được giảm xuống còn 20 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Tuy nhiên tổng hợp hình phạt của các bản án, bà Trương Mỹ Lan vẫn phải chịu mức án chung là tử hình và phải bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả hơn 700 ngàn tỷ đồng cho cả hai giai đoạn.