Sáng 24/9, phiên xét xử bị cáo Trương Mỹ Lan và các đồng phạm tiếp tục phần xét hỏi của các luật sư với nhóm "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Trả lời câu hỏi của luật sư về việc giữ vai trò gì ở Ngân hàng SCB, bà Trương Mỹ Lan khẳng định không tham gia vào hoạt động của ngân hàng này.
Bị cáo Lan khai năm 2012 được Ngân hàng Nhà nước mời vào tái cơ cấu Ngân hàng SCB, nhưng bà không tham gia quản lý hay điều hành mà chỉ giữ vai trò cố vấn và cho mượn tài sản. Cũng theo bà Lan, mọi hoạt động do chính cán bộ, nhân viên của Ngân hàng SCB điều hành và Ngân hàng Nhà nước chịu trách nhiệm.
Bị cáo Trương Mỹ Lan. Ảnh: TC. |
Liên quan tới việc phát hành trái phiếu của Công ty An Đông, bà Lan tiếp tục khẳng định mình cho Ngân hàng SCB mượn pháp nhân công ty này. Lý do cho mượn, theo bà Lan, là vì thời điểm đó Ngân hàng SCB hết sức khó khăn.
"Nếu không cho mượn, ngân hàng sẽ sụp đổ, kéo theo đó là tài sản, tiền bạc của bản thân tôi và sui gia, dòng tộc, bạn bè sẽ mất hết.
Khi các em hỏi mượn công ty để phát hành trái phiếu, tôi hỏi phát hành cái này là như thế nào thì Đinh Văn Thành (cựu Chủ tịch HĐQT Ngân hàng SCB) nói 'Chị yên tâm, tất cả tụi em đều công khai hết'. Vì vậy, tôi mới tin tưởng cho mượn. Bị cáo rất ân hận vì đã cho mượn công ty, khiến mấy chục người phải vào tù như thế này”, bà Lan trình bày.
Trả lời câu hỏi của luật sư về việc sử dụng như thế nào số tiền thu được từ phát hành trái phiếu, bị cáo Lan cho biết kết luận điều tra thể hiện trong vòng 1,5 năm, để tồn tại, Ngân hàng SCB phải sử dụng hết 61.000 tỷ đồng. Trong khi đó, việc phát hành trái phiếu chỉ có 11.000 tỷ đồng. Toàn bộ 50.000 tỷ đồng còn lại là tiền của bị cáo, bạn bè và bà con dòng họ.
Bị cáo Lan cũng trình bày hiện có một số tổ chức tín dụng tiếp nhận 17.000 tỷ đồng từ nguồn gốc trái phiếu. Do đó, bà mong HĐXX thu hồi số tiền đó để trả lại cho các trái chủ. Nếu giữa Ngân hàng SCB và các bên có liên quan tranh chấp, bà Lan sẵn sàng đứng ra chịu trách nhiệm.
Bổ sung lời bà Lan, luật sư cho hay cáo trạng và kết luận điều tra xác định bị cáo Lan và gia đình đã nộp 356 tỷ đồng để khắc phục hậu quả.
“Trong 2 năm nay, bị cáo bi thương như thế này nhưng gia đình vẫn bòn mót từng đồng để khắc phục hậu quả. Tài sản nào liên quan đến bị cáo hoặc gia đình, bị cáo xin tình nguyện khắc phục, còn tài sản của các bị cáo khác mong HĐXX xem xét trả vì họ khổ lắm rồi”, bị cáo Lan bày tỏ sự ăn năn khi khiến nhiều trái chủ mất hết tiền bạc, tài sản.
Các bị cáo tại tòa. Ảnh: TC. |
Liên quan tới tòa nhà Capital ở 29 Liễu Giai (Hà Nội), bà Lan trình bày tòa nhà này có giá khoảng 1 tỷ USD và đang được thế chấp cho các tổ chức tín dụng nước ngoài để vay 250 triệu USD. Tuy nhiên, hiện nay có đối tác chỉ trả 350 triệu USD, nếu bán rồi đem trả nợ thì chỉ còn lại 100 triệu USD chưa kể các loại thuế phí. Vì vậy, bị cáo Lan đang muốn tìm kiếm người mua trả giá cao hơn. Toàn bộ số tiền bán được, bị cáo sẽ dùng để khắc phục hậu quả.
Đối với dự án 6A ở Bình Chánh (TP.HCM) hiện chưa hoàn tất pháp lý và có giá trị khoảng 30.000-40.000 tỷ đồng, bà Lan cho biết nếu bây giờ có ai mua với giá từ 15.000-20.000 tỷ đồng cũng muốn bán để lấy tiền khắc phục cho các trái chủ.
“Mong HĐXX đề nghị Ngân hàng SCB trả lại dự án này để tôi bán cho người khác”, bà Lan bày tỏ mong muốn.
Đồng thời tại phiên tòa, bị cáo Lan bất ngờ đề nghị đem "siêu dự án" Amigo với khu đất tứ giác Nguyễn Huệ - Hồ Tùng Mậu - Huỳnh Thúc Kháng - Ngô Đức Kế (phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM) đem bán, lấy tiền khắc phục hậu quả.
Theo bà Lan, dự án này đã được nhà nước đồng ý chủ trương đầu tư từ năm 2007 và đã được triển khai đền bù gần 30 năm nay, giờ chỉ còn vướng mắc một chút về pháp lý.
Sách về Pháp luật
Cuốn sách "Công tác thi hành án hình sự thuộc trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã" giới thiệu phạm vi nghiên cứu về 3 vấn đề: Thi hành án treo, thi hành hình phạt cải tạo không giam giữ và áp dụng biện pháp tái hòa nhập cộng đồng tại địa phương. Cuốn sách đánh giá toàn diện cơ sở pháp lý về thi hành án hình sự, trọng tâm là về hình phạt và trách nhiệm của UBND cấp xã.