Câu chuyện việc làm là chủ đề muôn thửa của các tân cử nhân sau khi cầm tấm bằng tốt nghiệp ĐH, CĐ. Đặc biệt trong giai đoạn kinh tế khó khăn, "cung" nhiều hơn "cầu" như hiện nay, nhận được lời đồng ý tuyển dụng của một công ty là niềm mơ ước của rất nhiều ứng viên trẻ tuổi, chưa có kinh nghiệm. Vì vậy, việc từ chối các nhà tuyển dụng của một số bạn trẻ ngay lập tức trở thành tâm điểm chú ý của dư luận.
Đi xin việc cũng có nhiều tình huống dở khóc dở cười. Ảnh minh họa. |
"Công ty không biết trọng nhân tài"
Nộp đơn ứng tuyển vào vị trí nhân viên vật tư kế toán kho, một sinh viên tự nhận là của đại học Mở đã bị công ty từ chối vì lý do "khả năng chưa phù hợp với yêu cầu công việc". Ngay sau đó, sinh viên này viết bức thư hồi đáp nhà tuyển dụng với giọng điệu gai góc, khẳng định công ty không nhận mình tức là đã bỏ qua một nhân tài.
Trong email đáp trả, sinh viên này mở đầu: "Xin lỗi chị nhé, tôi thấy vị trí nhân viên kho của công ty chị chả có gì vượt quá khả năng chuyên môn của tôi mà chị bảo là chưa phù hợp với nhu cầu công ty".
Thậm chí, ứng viên này còn thể hiện thái độ: "Nói thẳng ra thì chị cũng đã từng trải qua cảnh ngộ như chúng tôi.Chị cũng hiểu được những sinh viên mới ra trường đi xin việc vất vả như thế nào. Nhưng tôi nghĩ chương trình học ngày xưa chắc cũng không phức tạp và đòi hỏi sinh viên phải cọ xát như bây giờ nên chị mới bảo tôi khả năng chưa phụ hợp vì thiếu kinh nghiệm".
Sau khi được đăng tải lên mạng, bức thư nhanh chóng thu hút sự quan tâm của các bạn trẻ. Nhiều người đồng tình với quan điểm của sinh viên này nhưng cũng không ít thành viên lên tiếng phản đối cách cư xử, thái độ của tân cử nhân. Nhiều người có kinh nghiệm cũng đã bày tỏ quan điểm làm thế nào để có một công việc tốt, giúp ích cho sinh viên mới ra trường.
Bắt lỗi chính tả nhà tuyển dụng
Cuối tháng 4/2014, một bức thư từ chối nhà tuyển dụng của một cô gái cũng khiến cộng đồng mạng xôn xao.
Chủ nhân của bức thư này là nữ phóng viên, có kinh nghiệm 4 năm. Sau khi đọc được tin tuyển dụng của một công ty truyền thông cho vị trí liên quan đến mảng phóng sự. Cho rằng sẽ học hỏi được nhiều điều hay, cô gái này đã chủ động viết email xin cộng tác với công ty này.
Thất vọng khi nhận lại email ngắn, sai lỗi chính tả từ nhà tuyển dụng, cô gái này phản hồi: “Tôi lịch sự viết lại với nội dung từ chối cuộc phỏng vấn cũng như cơ hội cộng tác, đồng thời cho biết mình cảm thấy không được tôn trọng đúng mực nên sau này người viết hãy chú trọng lỗi chính tả và danh xưng hơn”.
Nhận được email bắt lỗi của ứng viên, công ty này lập tức đáp trả: “Chúng tôi không thiếu người để tuyển dụng, nên đối với người như bạn sẽ không có lần sau đâu”. Cách ứng xử của nhà tuyển dụng khiến cô gái này cảm thấy “may mắn vì không phải kiểu thất nghiệp đi xin việc mà chỉ đang kiếm cơ hội học hỏi thêm”.
Cô cũng cho rằng: “Khi cần một công việc đi chăng nữa, đừng để nhà tuyển dụng nhìn nhận rằng họ đang “bố thí” cho bạn. Hãy để họ biết rằng bạn ở đây để giúp họ. Điều đó chỉ có được khi bạn được tôn trọng, và sự tôn trọng chỉ đến khi bạn biết cái gì đúng cái gì sai để đấu tranh cho nó”.
Ngay khi câu chuyện trên được chia sẻ, rất nhiều người đã tỏ ra khá đồng tình với ý kiến của người viết và cho rằng khi nhà tuyển muốn tuyển được người tài thì trước hết họ cần thể hiện được cái tầm và sự chín chắn trong giao tiếp của mình trước.
Tuyên bố "dưới 1000 USD không làm" của sinh viên Ngoại thương
Một câu chuyện đình đám liên quan đến việc tuyển dụng từng gây xôn xao dư luận đó là tuyên bố của một số sinh viên ĐH Ngoại thương (cơ sở 2) đăng trên diễn đàn nhà trường với nội dung “Học Ngoại thương ra trường lương dưới 1.000 USD thì không làm” vào tháng 9/2011.
Câu chuyện bắt đầu từ một tin tuyển dụng bình thường trên diễn đàn của đại học Ngoại thương cơ sở 2 với nội dung “Việc làm cho sinh viên năm cuối K46”, có đăng nội dung tuyển dụng của một công ty XNK với mức lương thử việc 3,3 triệu đồng/tháng.
Tuy nhiên, một số thành viên diễn đàn cho rằng mức lương này quá thấp, không xứng đáng với năng lực của sinh viên Ngoại thương. Nếu tốt nghiệp trường này chỉ đạt mức lương đó thì thà học “Nông lâm” hay các “trường cao đẳng dưới quê” còn hơn.
Thành viên Jaccica Jacky cũng thể hiện quan điểm của mình: “Lương thấp tè tè mà còn chảnh! Chị có học Ngoại thương không? Điều tra bảng lương của cử nhân Ngoại thương rồi hãy đăng nha chị, cái này dùng tuyển sinh viên làm thêm thì phù hợp hơn”.
Bạn Shlying còn thẳng thừng tuyên bố: “Sinh viên Ngoại thương mà có năng lực thực sự thì lương dưới 1.000 USD ko bao giờ làm. Học Ngoại thương mà làm bằng đó thà học Nông lâm!”.
Bắt đầu từ đây, cuộc tranh luận với hai luồng ý kiến trái chiều bùng nổ trên diễn đàn của trường. Một bên cho rằng tuyên bố kia chỉ là sự nông nổi của tuổi trẻ, một bên lại ủng hộ và đồng tình rằng đó chính là sự “tự tin khẳng định bản thân”.
Thậm chí, câu chuyện này còn được các chuyên gia, nhà tuyển dụng nhập cuộc bình luận, tranh cãi trên các phượng tiện thông tin, truyền thông.
Đa số ý kiến đều cho rằng phát ngôn thiếu suy nghĩ trên là của các sinh viên năm đầu, thiếu trải nghiệm cuộc sống và tự tin thái quá khi được học trong ngôi trường điểm tuyển sinh cao, chất lượng hàng đầu Việt Nam.