Bộ Y tế mới đây đã thông tin về việc biến chủng BA.5 của Omicron xuất hiện tại Việt Nam. Qua một số đánh giá nhỏ lẻ ban đầu, biến chủng này cùng BA.4 cho thấy có khả năng lây lan nhanh hơn BA.1 và BA.2 trước đó.
Có thể tạo đợt sóng dịch nhỏ
Trao đổi với Zing, PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế Công cộng, Đại học Y Dược TP.HCM, tái khẳng định biến chủng phụ BA.5 thuộc biến chủng Omicron.
Do đó, chúng có một số đặc điểm tương tự các biến chủng phụ khác của Omicron là có khả năng lây lan cao. Tuy nhiên, khả năng để BA.5 làm tăng số người mắc phải nhập viện và tử vong là ít hơn nhiều so với biến chủng Delta.
“Một điểm khiến nhiều người quan tâm đến biến chủng này là biến chủng phụ BA.5 có thể gây bệnh ở người từng nhiễm các biến chủng Omicron trước đó”, vị chuyên gia cho hay.
Với tốc độ lây lan nhanh, biến chủng phụ BA.5 của Omicron có thể tạo ra một làn sóng dịch nhỏ ở Việt Nam. Ảnh minh họa: jinzhou_lin. |
Đây cũng là nguyên nhân khiến BA.5 vẫn có thể gây ra tình trạng tăng số ca bệnh ở những quốc gia hay cộng đồng từng trải qua đợt bùng phát dịch Covid-19 do biến chủng BA.1, BA.2.
Ông thông tin: “Các nhà khoa học ước lượng rằng khi có sự xâm nhập của biến chủng phụ BA.5, nó sẽ lây nhiễm cho khoảng từ 5 đến 30% dân số tùy theo tỷ lệ tiêm chủng vaccine phòng Covid-19”.
Do ở Việt Nam, tỷ lệ tiêm vaccine hiện khá cao, PGS Dũng ước lượng tỷ lệ nhiễm biến chủng phụ này sẽ thấp hơn 5%.
“Như vậy, BA.5 xuất hiện ở Việt Nam sẽ làm tăng số ca mắc Covid-19 và tạo ra một làn sóng dịch nhưng chưa phải là bùng phát dịch. Làn sóng dịch này cũng sẽ nhỏ hơn so với làn sóng dịch trước đây”, PGS Dũng dự đoán.
Cảnh giác nhưng không nên quá lo lắng
Nhận định về mức độ nguy hiểm của biến chủng phụ BA.5, PGS Đỗ Văn Dũng cho biết thế giới đã có 2 nghiên cứu về sự gia tăng số ca mắc Covid-19 nhiễm biến chủng này ở Nam Phi và Bồ Đào Nha.
“Kết quả cho thấy BA.5 có khả năng lây lan cao nhưng khả năng gây bệnh nặng thấp, không chỉ so với biến chủng Delta”, vị chuyên gia nói.
Cụ thể, ở Nam Phi, tỷ lệ tử vong do biến chủng BA.5 còn thấp hơn tỷ lệ tử vong do biến chủng BA.1. Mặc dù đây có thể là kết quả của việc miễn dịch ở người dân đã cao hơn so với trước đó.
Cũng tương tự các biến chủng phụ Omicron trước, BA.5 có khả năng né tránh vaccine một phần. Tuy nhiên, vaccine vẫn giữ được hiệu quả giảm diễn biến nặng và tử vong đối với người nhiễm BA.5.
Vì vậy, PGS Dũng khuyến cáo người dân cần đi tiêm chủng vaccine khi có chỉ định. Người cao tuổi hoặc người có bệnh nền cần tiêm mũi 4 (mũi nhắc lại thứ 2) khi đã qua 4 tháng kể từ ngày tiêm mũi 3.
Một học sinh tại Hà Nội được tiêm vaccine phòng Covid-19. Ảnh: Thạch Thảo. |
“Nhiều người có suy nghĩ là nếu đã nhiễm Omicron rồi sẽ có miễn dịch tốt hơn nên không cần tiêm mũi 4. Điều này là không đúng vì các nghiên cứu cho thấy nếu nhiễm Omicron BA.1, trong trường hợp chưa tiêm chủng, lượng kháng thể trung hòa tạo ra rất kém. Mặt khác, nếu nhiễm Omicron BA.1 sau khi đã tiêm chủng, kháng thể sẽ bảo vệ cơ thể trước biến chủng Delta và Omicron BA.1 nhưng không bảo vệ được với Omicron BA.4 và BA.5”, ông cho hay.
Điều này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiêm các mũi nhắc lại vaccine Covid-19 nhằm đối phó với làn sóng dịch do biến chủng BA.5 gây ra.
Theo PGS Đỗ Văn Dũng, biến chủng phụ BA.5 có thể sẽ tạo ra làn sóng dịch nhỏ ở Việt Nam nhưng không làm tăng nhiều số ca diễn biến nặng và tử vong. Do đó, người dân cần cảnh giác nhưng không nên quá lo lắng với biến chủng phụ này.
“Chúng ta cũng cần nhớ rằng BA.5 không phải là biến chủng cuối cùng”, vị chuyên gia nhấn mạnh.
Ông khuyến cáo người dân cần tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp với hoàn cảnh và sinh hoạt cũng như tiêm chủng vaccine theo lịch tiêm được ngành y tế chỉ định.
Liên quan vấn đề này, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), cho rằng dù các biến chủng mới xuất hiện, các biện pháp phòng bệnh Covid-19 vẫn không thay đổi.
“SARS-CoV-2 vẫn là virus lây lan qua hình thức giọt bắn. Do đó, việc dự phòng cá nhân và vaccine là vấn đề quan trọng”, ông nói.
Tuy nhiên, vị chuyên gia nhấn mạnh các biện pháp dự phòng cá nhân trong bối cảnh hiện nay cần linh hoạt hơn.
Cụ thể, ông lấy ví dụ việc đeo khẩu trang trong môi trường kín, với người đang mắc bệnh, có triệu chứng hô hấp, tiếp xúc với nhóm nguy cơ cao vẫn rất cần thiết.
Ngược lại, việc bắt buộc người dân ra đường tập thể dục vẫn đeo khẩu trang cần linh hoạt hơn. Người dân cũng có thể chuyển đổi từ khẩu trang y tế sang khẩu trang vải dùng nhiều lần, từ đó hạn chế tác hại đối với môi trường,
“Giải pháp về việc tiêm vaccine cũng vẫn hữu hiệu khi chúng ta so sánh 2 đợt dịch ở 2 miền thời gian qua. Số lượng ca mắc phải nhập viện, diễn biến nặng và tử vong ở giai đoạn sau, tại miền Bắc, thấp hơn nhiều dù biến chủng có thay đổi”, PGS Phu nói thêm.
Với ngành y tế, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng cho rằng phải thường xuyên đánh giá sức chống đỡ của mình đến mức nào, từ đó đưa ra những phương án kịp thời, tránh quá tải.