Thể loại: Giật gân, kinh dị
Đạo diễn: Trần Hữu Tấn
Diễn viên: Trịnh Tài, Duy Phương, Bích Hằng, Hữu Tiến, Minh Hy
Zing.vn đánh giá: 6/10
Lấy bối cảnh miền Tây những năm 1990, chuyện phim Bắc Kim Thang bắt đầu khi Thiện Tâm (Trịnh Tài) - cậu con trai trưởng của một gia đình giàu có - trở về nhà sau 6 tháng hôn mê vì tai nạn trên Sài Gòn. Anh bắt đầu nhận ra sự khác lạ trong nhà khi ông nội lâm bệnh nặng, còn cô em họ Hai Lầm (Minh Hy) thì bị đuổi đi vì chửa hoang.
Trong khi đó, cha (Duy Phương) và mẹ (Bích Hằng), cũng như chú Út (Hữu Tiến), lại không hề quan tâm đến tung tích Hai Lầm. Họ chỉ nhất mực lo hối thúc con trai lấy giấy tờ nhà đất của ông nội. Không những thế, Thiện Tâm liên tục nhìn thấy nhiều hình ảnh kinh dị về cô em gái.
Anh quyết điều tra về tung tích của Hai Lầm, và những bí mật đen tối về nơi được gọi là tổ ấm bắt đầu dần hé lộ.
Kinh dị vừa phải, đào sâu tâm lý
Ngay từ những phút đầu tiên, Bắc Kim Thang ghi điểm nhờ bối cảnh miền Tây sông nước hoang sơ. Bộ phim không chỉ đem đến nhiều khung hình đẹp mắt, mà còn mang bầu không khí u ám nhờ những cánh đồng không một bóng người.
Căn biệt thự cũ kỹ và rộng lớn của gia đình Thiện Tâm cũng làm tốt vai trò hù dọa nhờ những căn phòng chật hẹp, nhiều ngõ ngách, hay tiếng cửa mở cót két giữa đêm tối.
Tuy nhiên, đạo diễn Nguyễn Hữu Tấn chưa thể tận dụng tốt ưu điểm trên để đẩy mạnh yếu tố kinh dị. Tác phẩm thực tế vẫn sử dụng những chiêu trò jump-scare quen thuộc. Những phân cảnh ấy cũng không quá rùng rợn hay tạo ra cảm giác ám ảnh, mà chủ yếu chỉ gây giật mình nhờ hiệu ứng âm thanh.
Bắc Kim Thang thực tế nặng về tâm lý hơn kinh dị. |
Bộ phim đồng thời còn lạm dụng phần nhạc nền để hù dọa người xem, nên những ai đã quen thuộc với thể loại kinh dị có thể dễ dàng đoán ra bóng ma có chuẩn bị xuất hiện hay làm gì tiếp theo hay không.
Bù lại, Bắc Kim Thang dẫn dắt tâm lý nhân vật khá tốt nhờ cốt truyện mạch lạc, nhiều nút thắt. Từ việc Hai Lầm biến mất cho đến căn bệnh của ông nội và thái độ của cha mẹ Thiện Tâm, hay hành vi kỳ lạ của người làm trong nhà, tác phẩm từng bước hé lộ nhiều sự thật kinh hoàng đan xen.
Những cảnh hồi tưởng của Thiện Tâm về mối quan hệ trong quá khứ giữa anh, Hai Lầm và các thành viên khác trong gia đình xuất hiện xuyên suốt và được lồng ghép khéo léo. Bộ phim vì thế không bị rời rạc, còn mấu chốt cuối cùng dễ khiến người xem liên tưởng đến bộ phim nổi tiếng A Tale of Two Sisters (2003).
Ý nghĩa nhân văn khi lên án thói “trọng nam khinh nữ”
Tuy không sở hữu những gương mặt “trai xinh, gái đẹp” ăn khách, nhưng yếu tố diễn xuất trong Bắc Kim Thang vẫn ghi điểm nhờ một số cái tên như Duy Phương, Bích Hằng, Hữu Tiến, Trung Dân… Ẩn sau bộ mặt đạo mạo, danh giá và hay nói đạo lý của một gia tộc giàu có, họ hóa thân thành những kẻ suy đồi khi rượu chè, gái gú, cờ bạc…
Khi đụng đến tiền bạc, bản chất xấu xa và đáng sợ của những người cha, người chú mới bộc lộ. Dàn diễn viên gạo cội đã mang đến nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau với sự thay đổi tính cách nhân vật rõ rệt. Hai gương mặt trẻ là Minh Hy, Trịnh Tài cũng tỏ ra tròn vai nhờ kinh nghiệm diễn xuất trên sân khấu kịch.
Dàn diễn viên bộ phim làm rất tốt nhiệm vụ của mình. |
Bắc Kim Thang đồng thời chứa đựng ý nghĩa nhân văn khi muốn lên án thói trọng nam khinh nữ. Dù đều là con cháu, vị thế của Hai Lầm không khác gì kẻ hầu người hạ cho Thiện Tâm. Cô bé không được học hành và phải làm hết công việc nhà. Không những thế, Hai Lầm còn bị ghẻ lạnh bởi ông nội, rồi phải nhường hết mọi món ngon, sự ưu ái cho anh trai.
Mỗi khi có chuyện không hay xảy ra, nữ nhân vật nghiễm nhiên là người bị trách phạt, dù đó là lỗi của ai đi nữa. Đến cả chú Út cũng bị gia đình xem thường chỉ vì sinh con gái và phải giải sầu thông qua rượu, rồi trút giận lên Hai Lầm. Đây là một hiện trạng còn tồn tại đến ngày nay và có khi đáng sợ hơn cả ma quỷ tâm linh.
Nhìn chung, Bắc Kim Thang còn tồn tại không ít khuyết điểm. Song, không thể phủ nhận những nỗ lực của ê-kíp, đặc biệt trong khâu biên kịch, nếu so sánh phim với nhiều tác phẩm cùng dòng của điện ảnh Việt trong thời gian qua,
Phim đang được trình chiếu tại các rạp trên toàn quốc.