Tại hội thảo Kỷ niệm 10 năm ngày Tránh thai thế giới (26/9), GS.BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng, Chủ tịch Hội nội tiết sinh sản và vô sinh TP.HCM, đã chia sẻ về câu chuyện cái chết của bệnh nhân Phan Hồng (18 tuổi, ở huyện Hóc Môn).
Ngày đó, trong một ca trực khi bác sĩ Phượng còn lại việc tại Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM), bà tiếp nhận Phan Hồng trong tình trạng vỡ tử cung, băng huyết sau khi tiến hành nạo phá thai. Dù đã tìm mọi cách, bác sĩ Phượng vẫn không thể giành lại sự sống cho cô gái mới tròn 18 tuổi. Sự ra đi của bệnh nhân trẻ khiến bà đau lòng và luôn ám ảnh.
Bác sĩ Phượng nhớ lại: "Gia đình của Hồng chia sẻ em có thai ngoài ý muốn nên đến một phòng khám tư ở TP.HCM để phá thai".
Bà vẫn tiếc nuối, giá như ai đó chỉ cho Hồng cách tránh thai, có lẽ cô đã không có con ngoài ý muốn và mất mạng sau khi đến phòng khám tư để phá bỏ.
Giáo sư, bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng kể về cái chết của cô gái khi nạo phá thai ở phòng khám tư. Ảnh: V.T. |
Giáo sư Phượng cho biết bà đã tiếp xúc với nhiều nữ công nhân ở các khu công nghiệp chế xuất tại TP.HCM. Nhiều người chỉ mới 17-18 tuổi tâm sự với bác sĩ, vì đồng lương eo hẹp nên chỉ cần có người cho họ 200.000-500.000 đồng là đồng ý quan hệ. Điều đó dẫn đến hệ lụy là nhiều người phải làm mẹ ngoài ý muốn, không dám đi khám thai, thậm chí nạo phá thai tại các cơ sở "chui".
Phó chủ tịch Hội Phụ sản Việt Nam cho biết mỗi năm thế giới có 208 triệu ca mang thai và 41% trong số đó là mang thai ngoài ý muốn, và một nửa trong số này sẽ phá thai. Ước tính 33 triệu ca mang thai ngoài ý muốn mỗi năm do ngừa thai thất bại hoặc sử dụng biện pháp tránh thai không đúng cách, 11% ca sinh con rơi vào các bà mẹ trẻ trong độ tuổi 18-19, tương đương với khoảng 16 triệu ca mang thai ở độ tuổi vị thành niên mỗi năm.
Theo báo cáo của Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, Bộ Y Tế, tại Việt Nam, mỗi năm cả nước có khoảng 250.000-300.000 ca phá thai. Tổ chức Y tế thế giới xếp Việt Nam vào danh sách một trong năm nước có tỷ lệ phá thai cao trên thế giới và là nước có tỷ lệ phá thai cao nhất châu Á.
Tại hai bệnh viện phụ sản lớn nhất phía Nam là Bệnh viện Từ Dũ và Bệnh viện Hùng Vương mỗi ngày các bác sĩ tiếp nhận từ 60-80 ca đến nạo phá thai.
Bác sĩ Nguyễn Thị Bích Ty, Phó khoa Kế hoạch hóa gia đình, Bệnh viện Từ Dũ, cho biết: "Năm 2016, bệnh viện tiếp nhận 27.154 ca phá thai, riêng 6 tháng đầu năm 2017, con số này là 14.159 ca. Phá thai ở trẻ vị thành niên chiếm hơn 1.000 trường hợp".
Tiến sĩ, bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương, thông tin năm 2016 bệnh viện này có 15.129 ca đến nạo phá thai, trong đó, độ tuổi từ 18-25 là 3.922 ca. 6 tháng đầu năm 2017, 7.143 phụ nữ đến phá thai, độ tuổi từ 18-25 chiếm 1.646 ca.