Trước thông tin dồn dập về nhiều đồng nghiệp đang bị người thân của bệnh nhân hành hung, phần lớn các y bác sĩ vẫn tin rằng dùng vũ lực để đối đầu với những người đang trông chờ vào sự cứu chữa của mình chỉ làm sự việc trở nên “tồi tệ và đau lòng” hơn.
3
h sáng tại khoa Cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy, bữa tối của kíp trực được chuẩn bị từ khoảng 8 tiếng trước phần lớn còn nguyên.
Những suất cơm nguội ngắt đựng trong hộp xốp, nhiều ổ bánh mì nằm gọn trong bịch nylon treo lủng lẳng trên các cánh cửa tủ, vài hộp sữa cắm sẵn ống hút trên bàn trực ban. Chưa có bác sĩ, y tá nào ngừng tay ăn uống. Nhiều người tranh thủ lúc rảnh tay cúi xuống uống ngụm sữa, rồi lại cắm cúi ghi chép.
Đã nửa đêm, bệnh nhân bắt đầu giảm, nhưng các ca được đưa tới đều nguy cấp. Thỉnh thoảng, tiếng còi xe cấp cứu lại hú vang dội, mang theo băng ca đầy máu, những mạng người đang bấp bênh trong giờ phút sinh tử, hay tiếng khóc thổn thức nức nở của người nhà bệnh nhân.
Là bệnh viện tuyến cuối cùng của Bộ Y tế tại phía Nam, phần lớn ca bệnh tới đây đều là những trường hợp nặng. Nhiều người gần như vô thức, có người rơi vào mê man, không ít người đã tím tái, không còn mạch, sự sống chỉ còn tính bằng giây.
Các nhân viên y tế nếu không phải chẩn đoán, chữa trị hay mổ cấp cứu thì xử lý giấy tờ, nhập hồ sơ bệnh án, phân loại đưa bệnh nhân về các chuyên khoa. Mọi hoạt động phải tiến hành thật nhanh, nếu không bệnh nhân cấp cứu mới tới sẽ không có chỗ nằm.
“Không biết bệnh nhân sẽ đến vào lúc nào. Lắm đêm tai nạn xảy ra, một tốp được chuyển đến rất đông, kíp trực không nhanh tay là quá tải ngay”, bác sĩ Trương Thế Hiệp, Phó trưởng khoa Cấp cứu, nói với Zing.vn.
Tiếng gõ máy tính, giở giấy tờ, thì thầm hội chẩn, ra lệnh của các bác sĩ … vang lên khắp nơi. Các giường bệnh nằm san sát, chỉ chừa ra một lối đi duy nhất để di chuyển bệnh nhân. Cứ một ca bệnh được chuyển về chuyên khoa là một băng ca khác từ phòng chờ được đưa vào. Không có khoảng trống nào bị lãng phí.
K
hi Zing.vn ngỏ ý muốn trải qua một đêm tại khoa Cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy, các bác sĩ ở đây gợi ý hãy tới từ 18h, vì đó là thời điểm khoa tiếp đón nhiều bệnh nhân nhất: Các ca bệnh chuyển từ tuyến dưới lên, các bệnh nhân nguy cấp chuyển từ viện khác tới, các trường hợp tai nạn giao thông nghiêm trọng…
Một tối cuối tháng 4, từ khoảng 18h-4h sáng, khoa Cấp cứu mở cửa đón trên dưới 150 lượt xe cứu thương. Tuy nhiên, đây không phải là con số của ngày cao điểm. Theo chia sẻ, có những thời điểm các bác sĩ nơi đây đón tới 400 bệnh nhân/ngày, thường rơi vào cuối tuần, ngày lễ Tết, hoặc những hôm có sự kiện đặc biệt, như đội tuyển bóng đá Việt Nam chiến thắng.
Theo số liệu được cung cấp, trong thời gian này, có hai kíp bác sĩ trực, khoảng 15 người. Thêm nhân viên y tế, đoàn thanh niên hỗ trợ, tổng cộng 35 người chia nhau vận hành các bước hỗ trợ và can thiệp ban đầu tới người bị nạn, thương tích, bệnh cấp tính. Nhiệm vụ khẩn cấp của ê kíp là cứu sống nạn nhân hoặc ngăn không cho tình trạng bệnh nhân xấu đi trước khi họ được chuyển tới các bác sĩ chuyên khoa.
Phòng chờ của khoa Cấp cứu, nơi bệnh nhân được đưa tới đầu tiên, chỉ rộng khoảng 35 m2. Mùi thuốc khử trùng, mùi người, mùi máu, mùi riêng của bệnh viện, thậm chí cả mùi chất thải hòa quyện vào nhau.
Tiếng rên rỉ vì đau đớn của bệnh nhân, tiếng than khóc của người nhà, tiếng cút kít từ bánh xe băng ca ma sát xuống nền gạch đá, tiếng y bác sĩ gọi hỗ trợ, tiếng máy móc dồn dập… là những âm thanh quen thuộc nơi đây.
Các nhân viên y tế bên cạnh việc chăm sóc, phân loại bệnh nhân còn phải liên tục trấn an người nhà, mời họ ra ngoài để bác sĩ làm việc. Ê kíp trực ngoài công tác chuyên môn còn phải kiêm thêm nhiệm vụ trấn an tâm lý người nhà bệnh nhân. Cả khoa chỉ có khoảng 4-5 nhân viên bảo vệ. Họ không đủ đông để ngăn người nhà cứ chực lao vào theo những chiếc băng ca.
Trong khi guồng máy tại khoa Cấp cứu liên tục quay như vậy, đối với các nhân viên y tế, việc hàng loạt sự vụ người nhà bệnh nhân tấn công y tá, bác sĩ đang diễn ra với tần suất ngày một nghiêm trọng hơn lại trở thành một phần tất yếu.
“Gần như ngày nào cũng có xung đột căng thẳng giữa người nhà bệnh nhân với các nhân viên y tế. Có khi chỉ trách móc, nhưng lắm lúc họ la mắng, chửi thề. Nhiều trường hợp kinh khủng hơn thì sẵn sàng đe dọa, tấn công bác sĩ”, bác sĩ Ngô Lê Đại nói với Zing.vn trong vài phút ngơi tay hiếm hoi.
Bác sĩ Đại kể mới 2 ngày trước, một người chồng đưa vợ nghi bị sỏi thận vào cấp cứu. Khi các y bác sĩ đang chẩn đoán, người này liên tục chửi mắng, to tiếng. Khoa phải viện đến lực lượng bảo vệ. Người này sau khi được mời ra khỏi phạm vi của khoa vẫn chửi bới vọng từ bên ngoài vào.
“Nhưng không vì người nhà làm sai mà chúng tôi bỏ mặc bệnh nhân của mình”, bác sĩ Đại nói, rồi nhanh chóng quay trở lại xử lý gần 30 băng ca cấp cứu đang chờ.
Nói về việc các nhân viên y tế thường không lên tiếng khi mình bị bạo hành, bác sĩ Lê Hồng Nhân, Trưởng khoa Phẫu thuật Thần kinh, Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội), giải thích trừ những trường hợp vượt quá giới hạn, không ai muốn nói về việc bị hành hung bởi chính những người mình đang cứu chữa hoặc người nhà của họ.
“Thậm chí, nhiều bác sĩ đã coi những sự cố như thế trở thành một phần của công việc và không cảm thấy lạ nữa. Dù bất an, nhưng họ bắt buộc phải chung sống với nó”, bác sĩ Nhân nói.
K
hoảng 23h ngày 13/4, Bệnh viện Xanh Pôn (Hà Nội) tiếp nhận một bệnh nhi hơn 7 tuổi có vết thương chảy máu ở vùng thái dương, được người thân đưa vào. Trong lúc bác sĩ trực là Hồng Chiến ngồi trao đổi về hướng xử lý vết thương, người nhà bé trai hỏi liên tục rồi bất ngờ đứng dậy, xông tới đấm vào mặt khiến bác sĩ Chiến không kịp phản ứng.
Một nhân viên cùng khoa chạy vào can ngăn liền bị người đàn ông này chửi mắng, định tấn công. Chỉ khi lực lượng bảo vệ và Công an phường Điện Biên có mặt, người này mới chịu dừng. Bệnh nhi sau đó được khâu vùng thái dương bị thương và điều trị kịp thời.
Vụ việc đã gây chấn động dư luận cả nước. Và đây đã là vụ hành hung bác sĩ thứ 6 chỉ trong 5 tháng đầu năm 2018.
Tối ngày 19/5, khi tiếp nhận ca trực trong phòng cấp cứu Bệnh viện đa khoa TP Pleiku, bác sĩ Nguyễn Đăng Hà bị mẹ của một bệnh nhi chửi bới. Trước đó, người mẹ này yêu cầu bác sĩ Hà khám bệnh cho con mình. Do bệnh viện đang có nhiều bệnh nhân, bác sĩ Hà giải thích và yêu cầu chờ. Sau đó, bác sĩ Hà đi qua phòng khác để khám bệnh.
Đến khoảng 9h cùng ngày, khi quay trở lại phòng cấp cứu, bác sĩ Hà bị bố của bệnh nhi lao vào hành hung. Người đàn ông này liên tục tát vào mặt và đạp vào mạng sườn bác sĩ Hà. Chỉ khi người dân chứng kiến xông vào can ngăn, đối tượng trên mới dừng lại và đưa mẹ con bệnh nhi ra về.
Ngày 8/4, bác sĩ Nguyễn Đình Phi ở khoa Nhi Bệnh viện đa khoa Hà Tĩnh và sinh viên thực tập Trần Nhật Giáp bị bố bệnh nhi đánh ngay trong quá trình thăm khám cho trẻ. Bác sĩ Phi bị chấn thương vùng mũi, sinh viên Giáp bất tỉnh.
Ngày 31/3, Bệnh viện đa khoa Bắc Cạn tiếp nhận nữ bệnh nhân 35 tuổi. Khi đang được điều trị thì bệnh nhân than bị đau và tê tay. Chồng bệnh nhân đã đi theo bác sĩ và điều dưỡng, sau đó bất ngờ dúi đầu họ vào tường.
Ngày 25/2, một nhóm 5 người chửi bới, đuổi đánh các nhân viên y tế, đập vỡ cửa kính ở Bệnh viện đa khoa Bố Trạch, Quảng Bình, sau khi bệnh viện này tiếp nhận hai nạn nhân bị chấn thương nặng sau tai nạn giao thông. Hai nạn nhân này được các bác sĩ cấp cứu ngay nhưng đã tử vong.
Ngày 20/2, hai bác sĩ Phạm Hải Ninh và Hoàng Đức Trung ở Bệnh viện Sản Nhi Yên Bái bị chồng sản phụ đánh. Lý do sau đó được cho biết người chồng sản phụ khi leo lên tường để chụp ảnh ca mổ đã bị ra hiệu ngăn lại. Một trong hai bác sĩ bị rách da đầu, khâu 20 mũi.
Theo thống kê của Cục Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế, từ năm 2010 đến 2017, các vụ việc bạo hành chủ yếu xảy ra ở các bệnh viện tuyến tỉnh (chiếm 60%), tiếp đến là bệnh viện tuyến Trung ương (chiếm 20%). Có đến 90% số vụ việc xảy ra trong khuôn viên bệnh viện; đối tượng bị tấn công chủ yếu là bác sĩ (70%).
Liên tục những vụ việc hành hung bác sĩ xảy ra đã gióng lên hồi chuông báo động về vấn nạn đội ngũ bác sĩ, nhân viên y tế không được đảm bảo an ninh, an toàn trong chính môi trường làm việc của mình.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến và các Đại biểu Quốc hội đã liên tục kêu gọi các biện pháp cải thiện tình hình, trong đó bao gồm việc cắm chốt cảnh sát tại các bệnh viện và dạy võ cho các y bác sĩ để họ có thể tự vệ trước những người nhà bệnh nhân quá khích.
Trả lời báo chí vào ngày 17/4, Bộ trưởng Nguyễn Thi Kim Tiến đề xuất: “Giải pháp cụ thể thiết thực nhất là các đơn vị y tế, Sở Y tế với công an các tỉnh kí cam kết phối hợp lập đường dây nóng. Từ đó, cán bộ nhân viên y tế có thể gọi bất cứ lúc nào tới lực lượng cơ động, 113. Tôi cũng mong muốn công an cơ động và có đường dây nóng đi tuần tra, cắm chốt ngay tại những nơi cấp cứu, căng thẳng tại các bệnh viện ở địa bàn lớn nói chung”.
Tuy nhiên, những người trong cuộc và các chuyên gia đều cho rằng đó không phải là những biện pháp căn cơ để có thể giải quyết triệt để vấn đề trong thời gian dài.
Việc sắp đặt lực lượng công an trong bệnh viện là không nên, theo bác sĩ Đại. Ông nhận định: “Người bệnh vào đây đã đủ căng thẳng, nhìn thêm những gương mặt hình sự, có khi bệnh lại nặng thêm. Giải pháp tốt nhất là các y bác sĩ cố gắng giải thích một cách đơn giản, dễ hiểu bằng giọng điệu nhẹ nhàng nhất cho người bệnh và thân nhân. Còn phía bệnh nhân thì cố gắng tin tưởng vào những người đang chữa trị cho mình”.
Bác sĩ Đại cho hay không thể dùng vũ lực để đối đầu với những người đang trông chờ vào sự cứu chữa của mình. Ông kết luận: “Cách tốt nhất là tìm giải pháp tinh thần để đồng cảm, chia sẻ giữa hai bên. Chưa kể nếu người nhà sốt ruột, bác sĩ lại nóng tính, hai bên cùng ‘có võ’ thì chưa biết sẽ dẫn đến chuyện gì. Đừng biến bệnh viện thành võ đài. Bác sĩ - người bệnh tấn công lẫn nhau là hình ảnh vô cùng tồi tệ và đau lòng”.
C
ách đây vài năm, để đối phó với vấn nạn hành hung bác sĩ, Trung Quốc cũng đã cậy đến giải pháp cắm chốt cảnh sát tại các bệnh viện. Tuy nhiên, bác sĩ Yanzhong Huang, chuyên viên về y tế toàn cầu của Hội đồng Quan hệ Quốc tế (New York), nhận định với Zing.vn: “Giải pháp đó chỉ mang tính đối phó và không xử lý triệt để vấn đề về lâu dài. Vấn nạn hành hung bác sĩ không xuất phát từ chuyện cảnh sát có túc trực ở bệnh viện để bảo vệ đội ngũ y tế hay không”.
Theo bác sĩ Huang, vấn đề cốt lõi nằm ở chỗ cần nâng cao tỉ lệ bác sĩ chăm sóc người dân cũng như rút ngắn bất bình đẳng trong ngành y tế. Ông Huang nói: “Khi mà người dân phải xếp hàng rất lâu để chờ đến lượt mình nhưng lại được dành thời gian quá ít ỏi khi tiếp xúc với bác sĩ, ức chế và bất mãn là điều tất yếu. Đó là mầm mống của những căng thẳng, xung đột về sau”.
Theo số liệu chính thức, hết năm 2016 Việt Nam có khoảng 8 bác sĩ/10.000 dân, vẫn chưa đạt mục tiêu đặt ra là 9-10 bác sĩ/10.000 dân. Tỉ lệ này dù cao hơn một số nước trong khu vực như Thái Lan hay Indonesia nhưng vẫn đang kém xa Singapore (23/10.000), Trung Quốc (36/10.000), Australia (35/10.000), Mỹ (26/10.000).
Bên lề một cuộc họp Quốc hội từ năm 2013, Bộ trưởng Tiến đã khẳng định: Giải quyết quá tải bệnh viện phải là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, ngành y tế không thể một mình làm nổi.
“Bộ Y tế không có tiền xây bệnh viện, không có tiền mua trang thiết bị, trong khi ngân sách thì bị cắt giảm, giá dịch vụ y tế thì suốt 17 năm không cho tăng”, bà Tiến nói vào thời điểm đó.
Báo cáo công bố năm 2017 của Oxfam chỉ rõ: Bất bình đẳng về khả năng tiếp cận y tế ở Việt Nam cũng tạo rào cản đối với các nhóm thiệt thòi. Các hộ nghèo được bảo hiểm y tế ít hơn, khiến họ phải chi trả tự túc.
Về bảo hiểm y tế, các hộ nghèo được cấp miễn phí thẻ bảo hiểm y tế theo chính sách hỗ trợ của chính phủ; tuy nhiên các chi phí khám chữa bệnh, vật tư y tế và thuốc nằm ngoài danh mục được bảo hiểm, cùng với chi phí ăn ở và đi lại đang là gánh nặng vô cùng lớn đối với các hộ nghèo khi gặp rủi ro đau ốm và bệnh tật.
Theo bác sĩ Huang, vấn nạn hành hung bác sĩ không loại trừ bất cứ một nền y tế nào, dù tiên tiến đến đâu. Bởi lẽ, bệnh nhân và người nhà nào cũng dễ có tâm lý nóng nảy, hung hăng khi muốn điều trị bệnh tình trong thời gian sớm nhất có thể.
Tuy nhiên, nếu như ở Mỹ, mặc dù nhiều người nghèo không được bảo hiểm y tế, nhưng quy định ở đây buộc các bệnh viện không được từ chối tiếp nhận bệnh nhân. Điều này giúp hạn chế phần nào sự ức chế và bất mãn từ phía bệnh nhân và người nhà của họ.
Ngoài ra, ở Trung Quốc và Việt Nam, yếu tố văn hoá cũng là nguyên dân dẫn đến tình trạng này, theo bác sĩ Huang. Ông nhận định: “Hầu hết mọi người khi đến khám đều có kỳ vọng là bác sĩ có thể trị và chữa được tất cả bệnh tình. Trong khi thực tế hoàn toàn không như vậy”.
Cùng quan điểm này, bác sĩ Lê Hồng Nhân (Bệnh viện Việt Đức) cho biết: “Khám chữa bệnh là quá trình điều trị, kéo dài nhiều giai đoạn, với sự tham gia của nhiều yếu tố. Việc xảy ra tử vong phải có kết luận, xác minh, nhưng nhiều người võ đoán do lỗi bác sĩ, sẵn sàng kích động chửi bới, hành hung bác sĩ. Một bệnh nhân ra đi, ai cũng nặng lòng nhưng không nói ra. Cái chết ở bên cạnh mình mọi lúc. Có lúc quay đi quay lại bệnh nhân đã tử vong. Nếu thần kinh, tâm lý không vững vàng thì không trụ nổi”.
Bác sĩ Huang kết luận: “Vấn đề này mang tính hệ thống nên cần những giải pháp căn cơ, triệt để và kiên trì. Trung Quốc đã tiến hành cải tổ hệ thống y tế từ năm 2009, tuy nhiên vẫn chưa đạt được nhiều tiến triển như mong muốn. Suy cho cùng, xung đột kéo dài giữa bác sĩ, bệnh nhân và người nhà chỉ cho thấy: Họ cũng chỉ là nạn nhân của một hệ thống y tế còn nhiều khiếm khuyết”.
Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, 115 hay Nhi đồng 1 và 2, hộp thư góp ý và số điện thoại đường dây nóng của Sở Y tế được đặt ở trước cửa phòng khám, phòng hành chính. Mỗi bệnh viện có đến 3-4 hộp thư; nhưng có cái bụi đã phủ thành lớp dày.
Người nhà bệnh nhân đa phần vẫn chưa một lần chạm đến. Họ cũng không hiểu rõ về cơ chế giải quyết khiếu nại khi gặp chuyện cũng như không tin tưởng ý kiến đóng góp của mình sẽ được xử lý rốt ráo.
Chị Liên (mẹ một bệnh nhi ở Bệnh viện Nhi đồng 2) chỉ tay bâng quơ về một hướng khi được hỏi về nơi đặt hộp thư góp ý của bệnh viện. Chị cho biết khi tới bệnh viện có thắc mắc gì thì hỏi thẳng bác sĩ chứ cũng chưa từng nghĩ sẽ dùng đến hộp thư hay gọi điện. “Đôi lúc cũng có chuyện không hài lòng với cách phục vụ của nhân viên y tế, nhưng tôi không nghĩ là sẽ đóng góp ý kiến vì mất thời gian mà chưa chắc có hiệu quả”, chị Liên nói.
Ông Phan Đình Bi nằm điều trị ở Bệnh viện Ung Bướu gần 1 năm. Dù đã trông thấy nơi đặt hộp thư góp ý nhưng ông chưa một lần nghĩ có lúc mình sẽ phải sử dụng nó. Ông Bi nói: “Chuyện nhỏ nhịn chút cũng được chứ thời gian đâu mà viết góp ý. Với lại những thứ này chắc chỉ để đó cho có thôi, không có chuyện người ta kiểm tra rồi trả lời cho mình đâu”.
Ở khoa Cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy, có một chiếc nút đỏ để nhân viên y tế bấm gọi khi có những sự việc vượt ngoài tầm kiểm soát. Chiếc nút rất nhỏ, nằm bên cạnh máy photocopy và ở vị trí khá cao, ít ai nhìn thấy. Khi được hỏi, các y tá, bác sĩ cũng phải hỏi nhau, sau vài lượt mới nhớ ra vị trí của chiếc nút có khả năng bảo vệ họ nhiều nhất này.
Cũng ở gần đó là hộp thư góp ý dành cho người nhà bệnh nhân. Tuy nhiên, không nhiều người rõ những bức thư này viết gì. Y tá Yến Ngọc giải thích: “Biết là có thư cảm ơn, thư trách móc, thư đe dọa đôi khi cũng có. Nhưng mình không có thời gian nào mà đọc nó cả”.
Giữa những tranh cãi trên mạng xã hội về việc ai mới là người có lỗi trong vụ việc mới đây ở Bệnh viện Xanh Pôn, bác sĩ Hồng Chiến, người bị hành hung, trả lời phỏng vấn trên truyền hình: “Lỗi sai hay đúng là việc của cơ quan điều tra, việc của pháp luật. Mình cũng không thể bảo được là mình đúng hay là sai. Mình nói không ai tin cả. Điều đáng tiếc là camera ở khoa không có tiếng. Giữa dư luận xã hội này không biết tin ai cả. Người ta không tin bác sĩ. Người ta tin những người khác hơn là người cứu chữa bệnh cho mình”.
Bác sĩ Chiến kết luận: “Khi người nhà đến gặp mình và xin lỗi, điều mình vẫn nói với họ là chúng tôi vẫn sẽ khâu cho cháu dù bố cháu có đánh tôi đi chăng nữa. Mình muốn cho xã hội này thấy là dù bác sĩ có bị chèn ép ra sao đi nữa thì họ vẫn sẽ phục vụ những người đánh họ”.
Tại khoa Cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy, guồng máy vẫn chạy bất tận vào bất cứ thời điểm nào. Khi được hỏi liệu có nghĩ tới khả năng bỏ nghề trong bối cảnh các vụ tấn công y bác sĩ diễn ra liên tiếp, 13/15 bác sĩ, y tá có mặt trong ca trực khẳng định vẫn sẽ tiếp tục bám trụ với nghề.
Cũng có người cho biết có thể sẽ nghĩ tới việc thay đổi công việc nếu sự việc tương tự xảy ra với mình. Nhưng tất cả đều nhấn mạnh: “Đánh đổi bằng sự nghiệp là đánh đổi đau đớn nhất”.
Bác sĩ Nhân (Bệnh viện Việt Đức), người đã có gần 30 năm gắn với dao mổ, ánh đèn phòng cấp cứu, những đêm giao thừa tại Khoa Cấp cứu tổng kết công việc của mình trong năm 2017: Cả năm chỉ nhớ tới chương trình Táo quân 2018. Đó là vì hình ảnh Táo Y tế khi đi khám chữa bệnh chính là tình trạng của các nhân viên y tế hiện nay: Đi chân đất để chạy thoát thật nhanh nếu chẳng may bị tấn công.
Ông nói: "Mong năm sau nhà đài đừng dùng hình ảnh ấy nữa. Dù đúng nhưng buồn lắm".