Vụ việc diễn ra ở Bệnh viện Ninewells, Dundee, Scotland. Bác sĩ Vaishnavy Laxman, 41 tuổi, bị cáo buộc đã bỏ qua khuyến cáo từ bác sĩ phụ khoa rằng nên để sản phụ 30 tuổi sinh mổ do thai ở ngôi ngược và sinh non. Thay vào đó, nữ bác sĩ này vẫn thực hiện ca sinh thường và bảo người mẹ rặn trong lúc kéo chân bé ra.
Điều này khiến phần thân thai nhi rời ra và đầu kẹt lại trong bụng mẹ. Sau đó, người mẹ phải trải qua phẫu thuật để lấy phần đầu ra, ghép với phần thân của bé để mẹ em có thể ôm em và nói lời từ biệt.
Vụ việc này xảy ra ở bệnh viện Ninewells, Dundee, Scotland. Ảnh: The Sun. |
Trong buổi điều trần trước tòa ở Manchester, Anh, người mẹ, được gọi là bệnh nhân A., do không tiết lộ danh tính - nói với bác sĩ Laxman: “Tôi không tha thứ cho bà, không tha thứ” khi bác sĩ cúi đầu nhìn xuống. Bệnh nhân A. cho biết đây là lần đầu cô sinh con và đã được đảm bảo rằng cô sẽ sinh mổ nếu ngôi thai ngược.
Cô cho biết hoàn toàn không được thông báo về điều sẽ xảy ra kế tiếp, trước khi được bảo rặn. Cô nói: “Thuốc giảm đau duy nhất tôi được cho là thuốc xịt lên lưỡi. Tôi được bảo nó sẽ giúp cổ tử cung mở ra, nhưng tôi không được cung cấp khí giảm đau và oxy - tôi đã rất đau đớn. Các bác sĩ cho tay vào trong người tôi, ấn bụng tôi và sau đó kéo tôi xuống”.
Bác sĩ Laxman phủ nhận các cáo buộc liên quan tới cái chết của bé trai. Ảnh: The Sun. |
Theo người mẹ, bác sĩ Laxman đã xin lỗi sau khi nói cho cô biết rằng con trai cô đã chết. Do không biết chuyện đã xảy ra, cô bảo bác sĩ: “Không sao, chuyện như thế vẫn xảy ra, tôi tha thứ cho bà”. Cô nói thêm: “Sau đó bà ấy đi ra, tôi bắt đầu gào thét khi biết tường tận sự việc, tôi chỉ biết khóc. Tôi thực sự đau đớn khi biết tổn thương con mình phải chịu đựng. Tôi sẽ không bao giờ dùng từ “chết yểu”, con không chết yểu mà đã bị đứt đầu”.
Nữ hộ sinh Mona Chard mô tả sự việc “là điều ám ảnh khó quên và Bệnh nhân A. đã rất đau khổ”.
Luật sư của Hội đồng Đa khoa, ông Charles Garside, cho biết bác sĩ Laxman đã ra quyết định sai lầm: “Họ không nên chọn cách để bệnh nhân đẻ thường trong tình huống đó. Trẻ sơ sinh rất mong manh, nhưng em bé sinh non này còn mong manh hơn thế, việc bị kéo và xoay có thể gây tổn hại lớn”.
Bác sĩ Laxman phủ nhận các cáo buộc với mình trong cái chết của bé trai. Luật sư của bà, ông Gerard Boyle, nói với người mẹ: “Bác sĩ Laxman muốn tôi nói rằng bà ấy thực sự rất tiếc và đau lòng vì sự việc xảy ra với con của cô. Bà ấy biết không từ ngữ nào có thể xoa dịu nỗi đau của cô, nhưng bà ấy hi vọng cô biết rằng bà ấy đã cố gắng hết sức để nhanh chóng đỡ đẻ cho cô và hoàn toàn có ý tốt”.
Khi thai ở ngôi ngược hay ngôi mông, điều này đồng nghĩa với việc chân của thai nhi ở phía cổ tử cung, thay vì đầu và vai như thông thường. Nếu các phương pháp giúp thai quay đầu không hiệu quả, trước khi sinh sản phụ sẽ được tư vấn lựa chọn sinh thường hoặc sinh mổ chỉ định.
Nếu chọn sinh thường, bệnh nhân sẽ được chăm sóc bởi một đội chuyên gia, những người được đào tạo chuyên sâu về đỡ trẻ ngôi ngược. Sản phụ được khuyên nên sinh ở các bệnh viện lớn, do 40% số ca sinh thường ngôi ngược cuối cùng cần phẫu thuật khẩn cấp. Phương pháp này ít nguy hiểm cho mẹ, nhưng có một phần trăm nhỏ trẻ có thể tử vong trong quá trình sinh.
Theo Cao đẳng Sản phụ khoa Hoàng gia (RCOG), sinh thường không được khuyên chọn nếu thai nhi có kích cỡ lớn hoặc nhỏ hơn bình thường, nếu cổ trẻ ngẩng lên cao hay nếu chân trẻ ở dưới mông. Thông thường, nếu trẻ đã sát ngày dự sinh, sản phụ sẽ được tư vấn sinh thường.
Nếu ngôi trẻ không thuận vào cuối thời kỳ mang thai, bạn sẽ được đưa ra lựa chọn sinh mổ. Nghiên cứu của RCOG cho thấy sinh mổ chỉ định an toàn cho con hơn sinh thường trong trường hợp ngôi ngược. Tuy nhiên, phương pháp này có độ rủi ro cho mẹ cao hơn một chút.