Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, từ đầu năm đến nay, toàn thành phố ghi nhận có 48.458 ca mắc sốt xuất huyết, tăng 124% so với cùng kỳ năm 2018. Trung bình mỗi tuần có khoảng 1.800 ca mắc mới. Tính đến tháng 9, toàn thành phố ghi nhận 9 ca tử vong do sốt xuất huyết, gồm 2 trẻ em và 7 người lớn.
Sở Y tế TP.HCM nhận định mùa dịch sốt xuất huyết năm nay đến sớm hơn do thời tiết thay đổi phức tạp. Trong đó, những trường hợp tử vong đều do tự điều trị ở nhà, chỉ đến cơ sở khám chữa bệnh khi đã muộn. Một số trường hợp có tiền sử bệnh mạn tính, thể trạng béo phì.
Nhiều người lầm tưởng sốt xuất huyết với các triệu chứng bệnh thông thường dẫn đến bệnh trở nặng. Ảnh: BH. |
BSCKII Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, TP.HCM, cho biết bệnh sốt xuất huyết do virus nên thường có hiện tượng sốt đi sốt lại và diễn tiến bất thường. Do đó, nhiều bà mẹ khi thấy con hết sốt thường chủ quan, không tiếp tục theo dõi.
“Trẻ hết sốt nhưng vẫn còn biểu hiện bất thường như tay chân lạnh, đau bụng, nôn ói nhiều, cần theo dõi để đưa trẻ nhập viện cấp cứu kịp thời. Nếu chậm trễ, có thể dẫn đến các biến chứng như sốc sốt xuất huyết, suy hô hấp, rối loạn đông máu, tổn thương gan và có thể gây tử vong”, bác sĩ Tiến cảnh báo.
Dấu hiệu sốt xuất huyết thường gặp là đột ngột sốt cao, uống thuốc sốt hạ nhưng sau đó sốt trở lại. Hai ngày đầu có thể kèm theo một số triệu chứng khác như đau đầu, biếng ăn, mệt mỏi, nhức mỏi cơ giống như các triệu chứng cảm cúm. Sau đó có thể có một số dấu hiệu như biểu hiện xuất huyết ở da, chảy máu mũi hoặc chảy máu răng, ói ra máu, đi tiêu phân đen.
Nên nhập viện sớm ở một số cơ địa đặc biệt như trẻ nhũ nhi, béo phì, mắc bệnh mạn tính như tim mạch, thận, suyễn…Tuyệt đối không sử dụng thuốc hạ sốt liên tục vì có thể gây ảnh hưởng làm tổn thương gan nặng nề, xuất huyết tiêu hóa.
Khi có biểu hiện sốt cao, bệnh nhân cần đi khám để được chẩn đoán xem có bị sốt xuất huyết không. Trường hợp nhẹ có thể chăm sóc, điều trị, theo dõi, hạ sốt lau mát trẻ tại nhà.
Biểu hiện trên da của người bệnh sốt xuất huyết. Ảnh: BH. |
Khi sốt liên tục trên 2 ngày với các biểu hiện nặng thì phải nhập viện để tránh diễn biến xấu. Đặc biệt, với những trường hợp xuất hiện dấu hiệu cảnh báo nặng hiệu cảnh báo nặng như bứt rứt, lăn lộn, chảy máu cam máu răng, tay chân lạnh, ói ra máu… thì cần nhập viện cấp cứu dù là trong đêm, không nên đợi đến sáng. Nếu để chậm có thể sốc sâu, bất phục hồi, thậm chí dẫn đến tử vong.
Hiện chưa có vắc xin phòng ngừa sốt xuất huyết. Để phòng bệnh, người dân cần tích cực chủ động diệt muỗi, lăng quăng. Không để các vật dụng chứa nước có thể sinh muỗi trong nhà, chú ý treo mùng khi ngủ, kể cả ngủ vào ban ngày.