Gần đây, các bác sĩ liên tục tiếp nhận bệnh nhân ngộ độc cỏ Mỹ, lá Khat, cần sa, là các loại ma túy thế hệ mới.
Trung tâm Chống độc đang điều trị cho 4 bệnh nhân ngộ độc khí N2O bóng cười, bệnh nhân sử dụng ma tuý, chất kích thích. Theo các bác sĩ, thời gian gần đây, hầu như ngày nào Trung tâm Chống độc cũng tiếp nhận bệnh nhân ngộ độc ma tuý đến cấp cứu với nhiều loại ma tuý phức tạp.
BS Nguyễn Trung Nguyên cảnh báo hiện nay, có quá nhiều loại ma tuý, mỗi nhóm ma tuý lại gồm hàng chục chất khác nhau nên việc chẩn đoán, phát hiện rất khó khăn.
Các ca ngộ độc những loại ma túy mới (là ma túy tổng hợp) như: Amphetamin và các chất cùng loại, cỏ Mỹ, lá Khat, cần sa, ma túy dạng thấm (LSD) phần lớn là người trẻ, cả thanh niên, học sinh sinh viên. Có một đặc điểm chung của các ca ngộ độc ma túy thế hệ mới khi vào viện là hầu như đều bị ngộ độc nặng kèm ảo giác. Đa phần trường hợp này đều không hợp tác điều trị với nhân viên y tế, thậm chí có trường hợp còn mang theo dao.
Trước đây, các ca nhập viện vì ma túy đá chủ yếu là bệnh nhân loạn thần, ảo giác, kích thích, không ghi nhận tử vong, nhưng giờ bệnh nhân nặng hơn, hôn mê, co giật, loạn nhịp tim, huyết áp, đe dọa tính mạng. Tại khoa, ít nhất đã ghi nhận 2 ca tử vong vì ngộ độc cấp tính ma túy đá.
|
Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân tại Trung tâm Chống độc. Ảnh: Sức Khỏe Đời Sống. |
Mới đây, một bệnh nhân nam, 41 tuổi, sau khi hút thuốc lào tại quán nước vỉ hè, bỗng co giật, bất tỉnh, tăng tuyến nước bọt, tím tái được người dân xung quanh phát hiện đưa đến Trung tâm Chống độc với các biểu hiện điển hình của ngộ độc ma tuý cấp. Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân ngộ độc cỏ Mỹ.
Trường hợp khác, bệnh nhân ngộ độc cocain - loại ma tuý phổ biến ở vùng Nam Mỹ, Châu Mỹ - cho thấy thị trường ma tuý tại Việt Nam rất phức tạp. Bệnh nhân được đưa đến viện với biểu hiện kích thích, co giật, hôn mê, tụt huyết áp, hạ nhịp tim, tăng thân nhiệt. Có những người thêm biến chứng nặng phức tạp như suy đa phủ tạng, có rối loạn đông máu, suy thận, suy tim.
Nhiều loại ma túy mới "ẩn nấp" trong thuốc, trò chơi khó nhận biết
Theo BS Nguyên, ngộ độc ma tuý gây ra những tổn thương cơ tim, suy tim cấp, nhồi máu cơ tim nặng nề. Chất ma tuý cũng tấn công hệ thần kinh, biến người chơi ma tuý trở nên sa sút trí tuệ, kích thích, lơ mơ, lẫn lộn, tâm thần hoang tưởng, ảo giác, có những hành vi ý tưởng nguy hiểm cho bản thân và người xung quanh. Thậm chí, có bệnh nhân đã nhảy lầu vì bị các triệu chứng ảo giác, hoang tưởng.
Việc xuất hiện nhiều ca ngộ độc cấp tính loại ma túy đá amphetamin là một sự cảnh báo rất lớn cho những người sử dụng ma tuý. Bởi chất độc này tấn công trực tiếp tim mạch gây tổn thương tim, tấn công thận gây suy thận, tấn công hệ thần kinh.
|
Việc xuất hiện nhiều ca ngộ độc cấp tính loại ma túy đá amphetamin là một sự cảnh báo rất lớn cho những người sử dụng ma tuý. Ảnh: Sức Khỏe Đời Sống. |
Trong khi đó, các chất ma tuý mới quá đa dạng, nhiều chất, thay đổi liên tục nên các xét nghiệm chẩn đoán không chạy theo kịp. Có những bệnh nhân biểu hiện rõ nét nhưng xét nghiệm âm tính với ma tuý.
Chẳng hạn, cỏ Mỹ có đến hàng trăm hoạt chất, người ta có thể tuỳ tiện cho bất cứ chất nào đó và rất khó khăn để biết được là chất gì để xét nghiệm, các phương pháp xét nghiệm không bao phủ được hết - chuyên gia chống độc cho hay.
Trước thực trạng ngày càng có quá nhiều loại ma túy mới xuất hiện, núp bóng dưới nhiều loại thuốc, trò chơi mà không dễ nhận biết, BS Nguyên khuyến cáo các bậc phụ huynh luôn cần để mắt tới con trẻ, kịp thời phát hiện những bất thường, phòng nguy cơ con bị lừa, bị dụ dỗ dùng các chất gây nghiện nguy hiểm.
Liên tiếp thảm án thời gian gần đây mà hung thủ là người nghiện ma túy tổng hợp, gây án trong trạng thái bị ảo giác khiến xã hội rúng động. Theo các chuyên gia, nguyên nhân phát sinh có thể không phải do thù hằn, mâu thuẫn, mà chủ yếu là do ảo giác ngáo đá bộc phát. Khi thực hiện hành vi phạm tội, các đối tượng không hề biết mình đang làm gì, hồi tỉnh lại thì mọi chuyện đã quá muộn.
Theo báo cáo của Bộ Công an, cả nước có 222.582 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý, trong đó trên 67,5% số người đang sinh sống ngoài xã hội; 13,5% số người trong cơ sở cai nghiện bắt buộc; 19% số người đang trong trại tạm giam, tạm giữ, cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng.
Hậu quả khôn lường của "ngáo đá" trong thời gian qua là một hồi chuông cảnh tỉnh cho các bạn trẻ, xã hội cũng đang “oằn mình” gánh những hậu quả của "ngáo đá" mang lại.
Theo Lê Nguyên/ Sức Khỏe Đời Sống