Trẻ mắc tay chân miệng thường lành tính nếu biết cách chăm sóc và điều trị. Tuy nhiên, nhiều sai lầm trong việc dùng thuốc trị chân tay miệng khiến trẻ bệnh thêm trầm trọng.
Thuốc kháng sinh chữa bách bệnh
Với tâm lý cho rằng kháng sinh có thể chữa được tay chân miệng, nhiều bậc cha mẹ tự ý cho con uống. Tuy nhiên, kháng sinh chỉ dùng trong trường hợp nhiễm khuẩn. Trong khi đó, tay chân miệng là một bệnh do virus đường ruột gây ra (thường là Coxsackie virus A16 và Enterovirus 71 (EV71).
Do đó, dùng kháng sinh khi mắc tay chân miệng không những không trị được bệnh mà có thể gây ra các tác dụng phụ ảnh hưởng đến sức khỏe, nghiêm trọng hơn là làm tăng nguy cơ kháng thuốc kháng sinh của vi khuẩn.
Trẻ mắc tay chân miệng thường xuất hiện các nốt phỏng nước ở bàn tay, bàn chân, miệng. |
Dùng thuốc bôi kháng virus trị tay chân miệng
Nhiều người cho rằng đây là bệnh do virus gây ra nên đã cho con bôi thuốc kháng virus acyclovir với mong muốn thuốc này giúp ngăn chặn sự phát triển, lây lan của virus và giúp cơ thể chống lại nhiễm trùng.
Trên thực tế, thuốc acyclovir được dùng trong điều trị thủy đậu, zona thần kinh, herpes sinh dục… Ngoài ra, thuốc cũng được sử dụng trong một vài trường hợp bệnh lý khác khi có chỉ định của bác sĩ. Tuy nhiên, các nghiên cứu cho thấy, acyclovir hoàn toàn không có hiệu quả trong điều trị virus gây bệnh tay chân miệng.
Tuyệt đối không lạm dụng thuốc bôi ngoài da cho trẻ bị tay chân miệng. |
Lạm dụng thuốc bôi giảm đau
Khi thấy trẻ đau do các nốt tổn thương, các bậc cha mẹ thường tìm cách để giảm đau cho con. Một trong lựa chọn đó là các thuốc bôi giảm đau có thành phần gây tê tại chỗ (như benzocain, tetracain, lidocain...). Các thuốc này có thể dùng bôi trong miệng nhằm làm giảm đau tạm thời.
Tuy nhiên các hoạt chất này lại không có tác dụng tiêu diệt virus gây bệnh tay chân miệng. Không những thế, thuốc này còn có thể gây các phản ứng nguy hiểm cho cơ thể, nhất là với trẻ dưới 3 tuổi như: Phản ứng dị ứng, rối loạn nhịp tim, tê lưỡi, mờ mắt…
Theo phác đồ mới nhất của Bộ Y tế về hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh tay chân miệng, hiện nay chưa có thuốc điều trị tay chân miệng đặc hiệu, chỉ điều trị hỗ trợ (không dùng kháng sinh khi không có bội nhiễm). Do vậy, cần theo dõi sát, phát hiện sớm và điều trị biến chứng. Đồng thời, bảo đảm dinh dưỡng đầy đủ cho người bệnh, nâng cao thể trạng.
Bôi thuốc sát khuẩn khi các nốt tổn thương chưa vỡ
Với tâm lý lo lắng, nhiều người khi thấy con mắc tay chân miệng liền lập tức mua các loại thuốc bôi về dùng cho con. Tuy nhiên, thực tế, các nốt tổn thương trong bệnh tay chân miệng sẽ tự khỏi mà không để lại sẹo, thường rất ít khi bị vỡ. Chỉ bôi thuốc để phòng bội nhiễm khi các nốt tổn thương bị vỡ, có nguy cơ nhiễm trùng.
Dùng thuốc bôi chứa corticoid
Nhiều cha mẹ nghĩ dùng thuốc bôi kháng viêm mạnh có thể làm giảm mụn nước khi bị tay chân miệng. Tuy nhiên, đây là một sai lầm. Không dùng thuốc bôi kháng viêm mạnh chứa corticoid để trị tay chân miệng cho trẻ. Bởi các thuốc corticoid có thể gây suy giảm miễn dịch và làm bệnh thêm nghiêm trọng khiến bệnh khó điều trị hơn.
Dùng thuốc Đông y không rõ nguồn gốc
Nhiều người cho rằng đắp lá, bôi thuốc nam là an toàn, nên khi con bị tay chân miệng đã lựa chọn các loại thuốc này để dùng cho con. Tuy nhiên, thuốc nam, thuốc Đông y vẫn có thể gây ra những tác dụng phụ nguy hiểm như dị ứng da, ngộ độc chì…, nhất là những thuốc không rõ nguồn gốc, kích ứng da.
Do đó, tuyệt đối không dùng các loại thuốc đông y không rõ nguồn gốc để trị tay chân miệng cho trẻ.
Dựa trên các kết quả nghiên cứu khoa học, cuốn sách "Tâm hơn thuốc" của tác giả Lissa Rankin chỉ ra rằng biện pháp cải thiện tâm lý, suy nghĩ tích cực có thể phòng tránh bệnh tật và giải quyết một số vấn đề về sức khỏe của con người. Cuốn sách cho thấy sự sáng tạo, thư giãn, sống thật với chính mình... là những phương pháp đơn giản giúp giảm căng thẳng trong công việc và cải thiện tình trạng sức khỏe.