Ngày 9/4, cả thế giới xôn xao khi nhân viên của hãng hàng không United Airlines kéo hành khách David Đào ra khỏi máy bay để nhường chỗ cho thành viên dự bị của phi hành đoàn. Hành động này của United Airlines bị dư luận lên án mạnh mẽ.
Báo chí Mỹ cho biết hành khách David Đào là bác sĩ nội khoa người Mỹ gốc Việt. Theo chia sẻ của nghệ sĩ Thúy Hoan trên Tuổi Trẻ thì ông chính là bác sĩ - nhạc sĩ Đào Duy Anh.
Ông thuộc thế hệ học trò của bà ở trường Âm nhạc Quốc gia Việt Nam tại Sài Gòn giai đoạn trước năm 1975.
Bác sĩ, nhạc sĩ David Dao. Ảnh: Daily Mail |
Theo nhà văn Lê Văn Nghĩa, tác giả cuốn Mùa hè năm Petrus thì bác sĩ Đào là học trò của nhạc sĩ Nguyễn Hữu Ba. Ông là một trong những thành viên của ban nhạc Bách Việt mà nhà văn đã viết trong cuốn Mùa hè năm Petrus.
Ông Đào Duy Anh là người sáng lập nhóm nhạc Bách Việt vào năm 1971 sau khi đoạt giải Văn học nghệ thuật với ca khúc Ta tắm ao ta. Các thành viên của nhóm Bách Việt ngày đầu là những sinh viên y khoa, nha khoa, dược khoa, kỹ sư… nhưng có học nhạc tại trường Quốc gia âm nhạc và kịch nghệ Sài Gòn.
Đây là nhóm nhạc được thành lập với chủ trương sáng tác và biểu diễn các ca khúc được viết trên nền tảng là chất liệu ca dao, dân ca ba miền của Việt Nam. Cũng vì lẽ ấy mà nhóm này lấy hình ảnh trống đồng Đông Sơn làm biểu tượng của nhóm.
Ca sĩ Phương Trang - em gái nghệ sĩ Hoài Linh - khẳng định: "Nhạc sĩ Đào Duy Anh là người đã có những bài hát dân ca rất hay và được khán giả khắp nơi yêu thích như Tát nước đầu đình, Cầu tre quê hương, Hương đạo ca...".
Nhóm Bách Việt sử dụng các nhạc cụ dân tộc để sáng tác và biểu diễn. Theo đó, nhạc sĩ Nguyễn Đình Nghĩa là cây sáo lừng lẫy một thời của nhóm, còn nhạc sĩ Đào Duy Anh là người thạo ngón đàn tranh và đàn cò.
Năm 1975, ông sang Mỹ định cư và dạy tại trường đại học Universy of Washsington. Tại đây, ông tiếp tục thành lập ban nhạc Bách Việt 3 và trình diễn khắp các bang ở Mỹ.
Năm 2014, về thăm Việt Nam, nhạc sĩ Đào Duy Anh đã cùng các đồng nghiệp trong ban nhạc Bách Việt 1, 2 thực hiện album 45 Kỷ niệm và Tiếng vọng xưa.