Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bác sĩ điều trị F0: ‘Cố hy sinh hạnh phúc cá nhân để cứu người bệnh'

Trước tình hình số lượng F0 tăng nhanh, các y bác sĩ đã chấp nhận ở lại bệnh viện trực xuyên Tết nhằm đảm bảo sức khỏe cho bệnh nhân Covid-19.

“Ngay từ những ngày đầu tham gia phòng, chống dịch Covid-19, tôi và các nhân viên y tế đều xác định và cố gắng hy sinh hạnh phúc của bản thân, gia đình để tập trung 100% sức lực cho việc cứu bệnh nhân. Tết năm nay cũng không phải ngoại lệ”.

Đó là bộc bạch của bác sĩ Đồng Phú Khiêm, Phó trưởng Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, sau khi nhận được phân công nhiệm vụ trực Tết Nguyên đán năm nay.

Do tính chất lây nhiễm của virus, bác sĩ Khiêm cùng toàn bộ nhân viên y tế sẽ buộc phải ở lại đón Tết tại bệnh viện và không thể sum vầy với gia đình. Dù không giấu được nỗi buồn, các y bác sĩ đều xác định đây là nhiệm vụ và trách nhiệm bản thân phải hoàn thành.

Đồng nghiệp trở thành người nhà

Trong dịp Tết Nguyên đán 2022, bác sĩ Khiêm cho biết ban lãnh đạo bệnh viện tổ chức các hoạt động đón giao thừa cũng như chào mừng năm mới dành riêng cho nhân viên y tế phải ở lại trực.

“Các hoạt động này nhằm tạo cho nhân viên y tế không khí quây quần, ấm áp như đang được ở cùng gia đình trong dịp lễ đặc biệt của năm”, bác sĩ Khiêm chia sẻ.

bac si truc tet trong dich covid-19 anh 1

Các y bác sĩ tại khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, can thiệp cho bệnh nhân Covid-19. Ảnh: Việt Linh.

Thực tế, bác sĩ này cho biết 2 năm ở bệnh viện để điều trị cho các bệnh nhân Covid-19 đã khiến tất cả nhân viên y tế có được tinh thần rất đoàn kết. Tuy nhiên, thời gian Tết lại mang tới những cảm giác thực sự khác biệt.

Ông nói: “Trong suốt thời gian qua, tôi chưa bao giờ nhìn thấy được sự gắn kết chặt chẽ đến vậy trong mối quan hệ giữa các y bác sĩ, điều dưỡng. Các hoạt động trong dịp Tết Nguyên đán cũng là một trong những động lực lớn nhất giúp chúng tôi duy trì hoạt động của khoa ổn định và tốt như hiện nay”.

Theo bác sĩ Khiêm, trong Tết Nguyên đán 2022, ít nhất 60 bác sĩ, điều dưỡng của khoa Hồi sức tích cực phải ở lại để chăm sóc, theo dõi và điều trị cho các bệnh nhân Covid-19.

Gần như làm “thông ngày”

Tính đến thời điểm hiện tại, khoa Hồi sức tích cực của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương là một trong những đơn vị có tỷ lệ bệnh nhân Covid-19 nguy kịch được cứu lớn nhất ở Việt Nam, thậm chí xét trên phạm vi quốc tế.

Bác sĩ Đồng Phú Khiêm cho biết các nhân viên y tế tại đây luôn cố gắng duy trì sự sống cho các F0 ngay từ những ngày đầu dịch Covid-19 xâm nhập vào Việt Nam. Khoa đã giữ được sinh mạng cho khoảng 70% bệnh nhân Covid-19 rơi vào tình thế hiểm nghèo.

“Tại TP.HCM hay nhiều cơ sở y tế trên thế giới thời gian qua, ở điều kiện quá tải hệ thống khám, chữa bệnh, đôi khi trong khoảng 100 trường hợp nguy kịch, phải thở máy, đặt ống nội khí quản, các bác sĩ sẽ không cứu được 10 ca. Thậm chí ở một số khu vực hệ thống hồi sức chưa phát triển, tất cả bệnh nhân Covid-19 có yêu cầu đặt ống nội khí quản đều phải ‘buông’ tay”, bác sĩ Khiêm cho hay.

Để có được kết quả đó, các y bác sĩ đã phải đối mặt với áp lực rất lớn trước những ca bệnh diễn biến nặng, thậm chí “thập tử nhất sinh”.

bac si truc tet trong dich covid-19 anh 2

Lực lượng bên ngoài giao tiếp với y bác sĩ trong khu vực điều trị tại khoa Hồi sức tích cực. Ảnh: Việt Linh.

Bác sĩ Khiêm chia sẻ: “Áp lực lớn nhất khi điều trị cho những trường hợp này là trăn trở, suy nghĩ phải làm sao để tăng cơ hội cứu bệnh nhân. Bên cạnh đó là các áp lực từ phía gia đình, người thân của bệnh nhân, lãnh đạo bệnh viện,... Dẫu vậy, khi đã làm việc, mọi người đều phải cố gắng”.

Ngoài ra, với số lượng bệnh nhân tăng nhanh, các y bác sĩ của khoa Hồi sức tích cực cũng phải phân bổ thời gian và kiểm soát khối lượng công việc rất lớn.

Trong khi đó, thời gian nghỉ khi làm việc tại khoa cũng không giống với thời điểm chi viện cho các tỉnh thuộc khu vực phía Nam.

“Trong thời gian đi chi viện ở những nơi khác, chúng tôi có thể làm theo ca, ví dụ sau khoảng 6 giờ làm việc sẽ được nghỉ ngơi. Còn tại khoa Hồi sức tích cực hiện tại, các nhân viên y tế gần như phải làm việc thông từ ngày này sang ngày khác”, bác sĩ Khiêm cho biết.

Hiện khoa Hồi sức tích cực có 5 bác sĩ chính phụ trách ở 2 khu vực điều trị bệnh nhân Covid-19 diễn biến nặng. Từ đây, các bác sĩ sẽ chủ động phân chia thời gian trực. Thông thường, mỗi người sẽ có 2 ngày trực 24/24 để theo dõi sát tình trạng của bệnh nhân.

“Sau khi kết thúc thời gian trực, tôi cũng như các bác sĩ trong khoa sẽ tranh thủ nghỉ ngơi khoảng 1-2 giờ, sau đó tiếp tục ở cạnh bệnh nhân, chăm sóc, theo dõi để ứng phó kịp thời nếu không may xảy ra vấn đề bất thường”, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực chia sẻ.

Theo bác sĩ Khiêm, chính bởi cách làm việc phối hợp đó, mọi người đều hoàn thành tốt nhiệm vụ trong những hoàn cảnh, điều kiện áp lực lớn.

“Một trong những ấn tượng lớn nhất của tôi khi điều trị Covid-19 trong 2 năm qua là việc các y bác sĩ không phân biệt khoa phòng hay bệnh viện, đều góp sức hết mình trong việc cứu bệnh nhân”, ông tâm sự.

Bác sĩ Khiêm cũng lấy ví dụ về bác sĩ Tỏa, người đang theo học Bộ môn Truyền nhiễm tại Đại học Y Hà Nội nhưng khi tới khoa Hồi sức tích cực của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương hỗ trợ đã làm việc như nhân viên của khoa.

Ông kể: “Bác sĩ Tỏa tham gia tất cả công việc điều trị, lăn lộn ngày đêm ở bệnh viện như nhân viên chính thức. Tôi nghĩ đây chính là tinh thần của một bác sĩ thực sự. Nhờ đó, chúng tôi đã có đủ sức lực để duy trì đơn nguyên điều trị bệnh nhân Covid-19 diễn biến nặng trong thời gian dài như vừa qua”.

Bệnh nhân 65 tuổi ở TP.HCM tử vong do tự điều trị Covid-19 tại nhà

Bệnh nhân được đưa đến Bệnh viện điều trị Covid-19 quận 5 cấp cứu trong tình trạng da niêm tím tái, ngừng tim, ngừng thở.

Quốc Toàn

Bạn có thể quan tâm