Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bác sĩ gọi điện trong đêm, giúp F0 60 tuổi ở TP.HCM đi cấp cứu

"Tôi biết bệnh nhân Covid-19 rất hoang mang và lo lắng. Đặc biệt, những gia đình có thành viên chẳng may qua đời lại càng khủng hoảng tâm lý nhiều hơn".

Nửa đêm, bác sĩ Vũ Quang Thiện gọi điện cho một F0 cao tuổi mà anh nhận trách nhiệm theo dõi. Qua thông báo từ người nhà về triệu chứng và các chỉ số sức khỏe, bác sĩ Thiện chẩn đoán tình trạng của bệnh nhân nguy hiểm, cần nhập viện khẩn cấp.

Anh vội vàng liên hệ đến lực lượng cấp cứu 115, đồng thời yêu cầu gia đình chuẩn bị để cùng bệnh nhân vào viện. Trước đó, dù diễn tiến nặng, người bệnh vẫn muốn ở nhà cùng con và cháu nhỏ bất kể bác sĩ có thuyết phục ra sao.

"Bệnh nhân đã ngoài 60 tuổi, bà thấy nhà neo người nên không muốn đi bệnh viện. Nhưng đến hôm đó (khoảng giữa tháng 8 - PV), tôi thấy tình huống nguy cấp lắm rồi. Người con gái của bà phải tìm cách gửi con nhỏ cho người khác trông giúp rồi đưa mẹ đi cấp cứu", bác sĩ Thiện kể lại.

Hỗ trợ từ xa

Hơn một tháng qua, từ khi tham gia mạng lưới "Thầy thuốc đồng hành" giúp tư vấn y tế từ xa cho F0 tại TP.HCM, bác sĩ Thiện (sinh năm 1990) không hiếm gặp những tình huống tương tự.

bac si ho tro F0 tu xa anh 1

Bác sĩ Thiện là quản lý tại mạng lưới "Thầy thuốc đồng hành".

Anh có nhiệm vụ theo dõi những ca bệnh thuộc nguy cơ cao, dường như mỗi ngày đều phải đưa ra những quyết định khẩn cấp để cứu tính mạng bệnh nhân.

"Sau khi xác định tình trạng nguy cấp của bệnh nhân, tôi liên hệ với tổng đài của mạng lưới, phối hợp cùng các bộ phận hỗ trợ khác để có thể tìm xe đưa người bệnh nhập viện.

Từ khi tham gia nhiệm vụ này, tôi đã xác định tâm lý để liên tục hỗ trợ những ca bệnh nặng", bác sĩ Thiện chia sẻ cùng Zing.

Là bác sĩ phẫu thuật tại Bệnh viện Mắt Kỹ thuật cao Hà Nội, trong giai đoạn dịch bệnh, nhiệm vụ chuyên môn được giảm nhẹ, anh đã đăng ký để trở thành bác sĩ hỗ trợ từ xa cho những bệnh nhân Covid-19 tại TP.HCM. Đây cũng là cách anh đồng hành cùng những đồng nghiệp hiện phải quá tải công việc nơi tâm dịch.

Mỗi ngày, thông qua điện thoại, bác sĩ Thiện theo dõi và tư vấn sức khỏe cho khoảng 50-70 F0. Từ sáng đến tối, anh lựa chọn khung giờ phù hợp để gọi điện hỏi thăm người bệnh.

bac si ho tro F0 tu xa anh 2

Nam bác sĩ luôn cố gắng động viên tinh thần người bệnh.

"Alo, hôm nay cả gia đình thấy sao rồi ạ? Mọi người đều đang mắc bệnh, cố gắng ăn uống đầy đủ, tập thở và báo em khi có triệu chứng khó chịu nhé".

Đó là nội dung quen thuộc mỗi khi bác sĩ Thiện trò chuyện cùng bệnh nhân. Những cuộc gọi dài ngắn khác nhau nhưng luôn có những câu thăm hỏi và động viên như thế.

"Tôi biết những bệnh nhân Covid-19 đều rất hoang mang và lo lắng. Đặc biệt với những gia đình có thành viên đã chẳng may qua đời do bệnh, họ càng khủng hoảng tâm lý nhiều hơn.

Tôi cố gắng gọi điện được cho nhiều bệnh nhân nhất với hy vọng có thể giúp đỡ cho họ. Lúc cấp bách, họ không đủ bình tĩnh và thông tin để tự cứu lấy mình. Khi lực lượng y tế địa phương đã quá tải, chúng tôi như điểm tựa cuối cùng của họ", bác sĩ Thiện nói.

Vực dậy tinh thần

Với đặc thù nhiệm vụ tư vấn cho những bệnh nhân ở nguy cơ cao, bác sĩ Thiện đã phải lắng nghe không ít tin đau lòng. Có bệnh nhân vừa hôm qua anh mới trò chuyện và động viên, hôm sau đã trở nặng và không thể qua khỏi.

Nghe tin báo và lời cảm ơn từ thân nhân người bệnh qua điện thoại, hiếm khi nào tâm trạng anh tồi tệ đến thế.

"Khi đó, tôi biết tình trạng ông đã rất nặng rồi nhưng vẫn gọi cấp cứu, làm tất cả những gì có thể. Nhưng chỉ khoảng một tiếng sau khi tôi gọi điện lại, trả lời tôi chỉ còn là tiếng khóc nấc của thân nhân người bệnh: ‘Ông đã mất rồi, gia đình cảm ơn bác nhiều ạ’. Nghe câu cảm ơn từ họ mà tâm trạng tôi lại tệ quá", bác sĩ Thiện kể lại.

bac si ho tro F0 tu xa anh 3

Bác sĩ Thiện giữ tinh thần bình tĩnh để có thể hỗ trợ cho hàng chục ca bệnh mỗi ngày.

Tuy vậy, sau những cuộc gọi nhận tin dữ, bác sĩ Thiện không có nhiều thời gian để buồn bã. Anh phải lập tức gọi đến những người bệnh tiếp theo, cố gìn giữ tinh thần bình tĩnh để xử lý và tư vấn.

Bác sĩ Thiện chia sẻ đó là cách để anh có thể "giữ được nhiều bệnh nhân ở lại với mình".

"Bác sĩ suy sụp thì làm sao vực dậy được tinh thần cho bệnh nhân? Mỗi cuộc gọi cho họ, tôi đều cố gửi gắm tinh thần vui vẻ và lạc quan nhất. Mặc dù khi đêm xuống đặt lưng xuống giường, những tiếng khóc của thân nhân vẫn còn khiến tôi ám ảnh".

Trong số hàng trăm ca bệnh mà bác sĩ Thiện hỗ trợ điều trị, cũng có rất nhiều tin vui được nhắn nhủ mỗi ngày. Anh rất nhớ một gia đình ở TP.HCM có đến 15 người là F0. Các thành viên tự chăm sóc lẫn nhau, trong đó cụ ông trên 90 tuổi, có nhiều bệnh nền khiến anh lo lắng hơn cả.

Sau nhiều ngày theo dõi từ xa, bác sĩ Thiện nhận được cuộc gọi từ người bệnh báo tin cả nhà đã có kết quả xét nghiệm âm tính: "Chào bác, cả nhà hôm nay ăn khỏe lắm bác ơi".

“Những cuộc gọi như thế khiến tôi biết mọi chuyện đã tốt hơn, đó thực sự là doping lạc quan trong những ngày này. Giờ đây chỉ có sự kiên trì, yêu thương và sẻ chia với nhau, chúng ta mới có thể đi qua được đại dịch", anh nói.

Mạng lưới "Thầy thuốc đồng hành" do Trung ương Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam và Tổ thông tin Đáp ứng nhanh phòng chống Covid-19 thành lập với sự tham gia của 8000 bác sĩ, nhân viên y tế và tình nguyện viên tính cho đến thời điểm này.

Người dân trên địa bàn TP.HCM có thể gọi đến đường dây nóng 1022 nhánh 4 để nhận sự hỗ trợ. Tại Bình Dương, đầu số tiếp nhận thông tin là 0274 1022. Tại Hà Nội, người dân có thể gọi tới 024 1022 - nhánh 3 trong 3 khung giờ: 9:00 - 11:00, 15:00 - 17:00 và 19:00 - 21:00 để được đội ngũ bác sĩ chăm sóc và tư vấn.

Dược sĩ F0 giúp F0 chữa bệnh

Mỗi ngày, Thu Hương tư vấn từ xa cho 30-50 F0 tại TP.HCM. Cô hướng dẫn cách dùng thuốc, hỗ trợ liên hệ y tế địa phương và lắng nghe cả những câu chuyện buồn vui của người bệnh.

Thục Hạnh

Ảnh: NVCC

Bạn có thể quan tâm