Theo PGS.TS.BS cao cấp Cao Tiến Đức - Chủ nhiệm bộ môn Tâm thần và Tâm lý y học, Bệnh viện 103, hành động được cho là dại dột của nữ sinh là một phản ứng tâm lý rất mạnh.
“Việc bị tung clip sex là chuyện tế nhị, gây sức ép tinh thần lớn với bất kỳ ai, huống hồ lại xảy ra với một đứa trẻ, cộng thêm sự chỉ trích vô tình từ cộng đồng mạng càng làm tăng sự đau đớn và xấu hổ. Chính những điều đó đã đẩy cô bé này vào hành vi tiêu cực”, PGS Đức phân tích.
Dưới góc nhìn chuyên môn, vị chuyên gia cho hay, đó là hành động bột phát của phản ứng stress tâm lý cấp, tức thời và cấp tính. Đáng lo ngại khi biểu hiện này rất hay xảy ra trong cuộc sống.
Theo PGS Cao Tiến Đức, stress cấp thường xảy ra khi cá nhân phải đối mặt với những tình huống tác động mạnh đến tinh thần như đột ngột mất việc, bị phản bội trong tình yêu, người thân đột ngột qua đời, bị hãm hiếp, làm nhục.... Đó là những tình huống gây sang chấn tâm lý rất mạnh và có thể dẫn đến hậu quả nặng nề, nặng nhất là tự tử như trên.
Ở thể bất động (sững sờ), ngay sau chấn thương tâm lý, bệnh nhân xảy ra tình trạng bất động đột ngột tại chỗ (giống kiểu “chết đứng như Từ Hải), không nói, không cử động mặc dù sự nguy hiểm rất gần. Mất khả năng phản ứng cảm xúc, mất khả năng đáp ứng với ngoại cảnh, mắt mở to nhìn vào một hướng, ý thức thu hẹp, rối loạn sự chú ý và định hướng. Cơn kéo dài từ vài phút đến nửa giờ, xen kẽ với các vận động ngắn như: bỏ chạy, tay chân quờ quạng, lục lọi,... sau đó lại lâm vào tình trạng bất động. Tình trạng trên kéo dài từ vài giờ đến 2-3 ngày, sau đó là giai đoạn hồi phục để lại tình trạng suy nhược và mất trí nhớ.
Với thể kích động, ngay sau chấn thương tâm lý, bệnh nhân lại xuất hiện sự hưng phấn vận động như vẫy tay, kêu la hoặc kích động mạnh, bỏ chạy, lao về phía nguy hiểm. Ý thức người bị bệnh bị thu hẹp, rối loạn định hướng và chú ý. Cơn kéo dài từ vài phút đến vài chục phút. Sau cơn để lại tình trạng suy nhược và mất nhớ.
Ngoài ra, bệnh nhân còn có các rối loạn thần kinh thực vật và cơ vòng kèm theo như vã mồ hôi, mạch nhanh, mặt đỏ bừng hoặc tái, mất tự chủ đại tiểu tiện.
Ở những cơ thể vốn đã kiệt sức và có các bệnh lý mạn tính sẽ làm sức khỏe càng tồi tệ hơn. Mức độ của phản ứng stress cấp ở những người bị chấn thương tâm lý mạnh phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của chấn thương cũng như ngưỡng chịu đựng sự rèn luyện, giáo dục nhân cách của từng người.
PGS Cao Tiến Đức phân tích, trong cuộc sống đời thường, hàng ngày khi con người gặp phải các trường hợp stress sau một sang chấn cơ thể hoặc thương tổn tâm lý rất mạnh vượt quá sức chịu đựng và không thể vượt qua khỏi dù chỉ là nhất thời thì có thể bị những phản ứng cấp xảy ra một cách dễ dàng làm ảnh hưởng đến tình trạng sức khỏe và tính mạng.
Vì vậy, vấn đề đặt ra là phải có kỹ năng để đương đầu với những stress gây tác động ảnh hưởng nhằm điều chỉnh, cân bằng trạng thái. Những yếu tố có ảnh hưởng đến việc này là vốn kinh nghiệm sống của cá nhân, khả năng thích nghi, khả năng bẩm sinh; có trí tuệ, nghị lực, bản lĩnh,…
Trường hợp đáng tiếc của nữ sinh trong vụ tung clip mới đây có một phần trách nhiệm của gia đình và xã hội. Người lớn (phụ huynh và nhà trường) bên cạnh việc quản lý, giáo dục cho con trẻ về những điều nên làm và không được phép làm, còn cần trang bị cho con những kỹ năng sống, cho dù có khó khăn, gian khổ thế nào cũng phải có ý thức bảo vệ mạng sống của mình, phải có nghị lực, ý chí để vượt qua.
Để có thể đương đầu được với những stress, phải cố gắng tìm mọi phương thức để đối đầu, tự bảo vệ cho chính bản thân mình. Nên tìm lối thoát tối ưu và cách giải quyết vấn đề ảnh hưởng phù hợp. Cần tự chủ, tự tin, bình tĩnh để xử trí công việc một cách hợp lý. Điều cần thiết là biết tự kiềm chế bản thân, tự động viên bản thân vượt qua nghịch cảnh. Nếu làm được điều này, khi gặp phải những stress xảy ra, con người có thể đối phó, đương đầu để ngăn ngừa các phản ứng cấp ảnh hưởng.