Bác sĩ Zhang Dingyu, 57 tuổi, biết mình không còn nhiều thời gian. Căn bệnh xơ cứng teo cơ bên trái (ALS) sẽ sớm khiến ông mất dần sức lực ở các cơ, cuối cùng bị liệt, không thể nói, di chuyển, nuốt, thở. Gần đây, đôi chân ông đã suy yếu. Có lúc, ông phải nắm chặt, men theo tay vịn khi lên xuống cầu thang.
Nhưng, là giám đốc Bệnh viện Kim Ngân Đàm, Vũ Hán, một trong những "chiến trường chính" của cuộc chiến chống virus corona, ông Zhang cùng hàng trăm đồng nghiệp vẫn ở tiền tuyến chống lại virus corona, nỗ lực cứu bệnh nhân.
“Với tôi, ALS giống như thanh gươm lơ lửng trên đầu. Tôi muốn đóng góp toàn bộ sức lực còn lại, chạy đua với thời gian cứu chữa người bệnh”, vị bác sĩ 57 tuổi chia sẻ.
Bác sĩ Zhang nỗ lực chống dịch virus corona, dù ông đang chống chọi căn bệnh nan y. Ảnh: Tân Hoa Xã. |
Nỗ lực không ngừng cứu người nhiễm virus corona
Ngày 29/12/2019, Vũ Hán - đô thị với hơn 10 triệu dân, thủ phủ tỉnh Hồ Bắc - có 7 ca nhiễm virus corona được chuyển đến bệnh viện Kim Ngân Đàm. Bệnh viện ngay lập tức lập khu riêng để điều trị cho họ.
Bác sĩ Zhang và đồng nghiệp cảnh giác cao độ khi các bệnh viện trong thành phố tiếp tục tiếp nhận các ca mắc viêm phổi không rõ nguyên nhân.
Tuy nhiên, tình huống nghiêm trọng hơn ông tưởng. Sang ngày thứ hai, ông quyết định điều thêm nguồn lực y tế và tách khu chữa trị riêng cho số lượng bệnh nhân ngày càng tăng.
Kim Ngân Đàm từng chỉ là bệnh viện nhỏ ở Vũ Hán nay tiếng chuông vang lên không ngừng. Cảm giác cấp bách khiến bác sĩ Zhang nóng tính hơn thường ngày. Ông yêu cầu bác sĩ, y tá báo cáo tình trạng người bệnh nhanh chóng, chính xác.
“Nếu không, ông ấy sẽ mắng. Nhưng nhờ hành động kiên quyết, táo bạo của ông, nhân viên trong bệnh viện luôn tìm đến ông khi gặp khó khăn vì bác sĩ Zhang luôn đưa ra giải pháp”, Zhang Li, một trưởng khoa tại bệnh viện Kim Ngân Đàm, chia sẻ.
Ngày 23/1, Trung Quốc đóng cửa Vũ Hán trong nỗ lực lớn để ngăn chặn dịch viêm phổi do virus corona lan rộng.
Là một trong những bệnh viện của Vũ Hán được chỉ định tiếp nhận bệnh nhân nhiễm virus corona, Kim Ngân Đàm chủ yếu nhận những ca nguy kịch. Đến 10h ngày 2/2, bệnh viện nhận 581 bệnh nhân, hơn 200 người trong số đó trong tình trạng nguy kịch.
Giám đốc bệnh viện Kim Ngân Đàm ở Vũ Hán làm việc liên tục, nhiều hôm ngủ chưa đến hai tiếng, trong đợt dịch virus corona bùng phát. Ảnh: Tân Hoa Xã. |
“Không ai theo kịp ông trong cuộc chiến chống virus corona”
Bác sĩ Zhang không bao giờ tiết lộ tình hình bệnh tật của mình với đồng nghiệp kể từ khi ông mắc chứng ALS năm 2018. Ông nói dối rằng vừa phẫu thuật đầu gối. Tuy nhiên, ngày càng nhiều người phát hiện ông đi đứng rất lạ khi lên xuống cầu thang. Cuối cùng, ông thừa nhận tình hình thực tế khi người khác truy vấn.
“Lúc mới biết mình mắc bệnh nan y, tôi rất sợ. Tôi yêu đời, nhưng thử tưởng xem, ngày nào đó, bỗng dưng bạn được thông báo mình không sống được bao lâu”, ông Zhang tâm sự.
Ông nghiên cứu các tài liệu về ALS. “Có thể, tôi chỉ sống thêm 5-10 năm nữa. Ai biết được. Đó là lý do tôi đặc biệt quý trọng từng phút, đi dạo, ngâm mình trong ánh nắng hoặc làm việc cùng đồng nghiệp”, ông nói.
Nhiều người hốt hoảng khi biết tin. Jia Chunmin, y tá trưởng của bệnh viện, không thể tin nổi.
“Ông ấy đi lại rất nhanh”, bà nói và nhớ lại lần giám đốc yêu cầu mình đến khu mới trong vòng 5 phút. Cúp máy, bà chạy vội đến nhưng đã thấy ông đứng đó dù văn phòng của ông còn xa hơn. “Không ai có thể bắt kịp ông trong cuộc chiến chống virus corona".
Đi ngủ lúc 1h và thức dậy khi mới 6h trở thành nhịp sinh hoạt hàng ngày của bác sĩ Zhang. Nhiều hôm, ông ngủ chưa đến hai giờ trước khi thức dậy giữa tiếng chuông cấp cứu.
Sau khi làm việc suốt 22 ngày, ông Zhang nhận tin dữ vợ nhiễm virus corona khi làm việc tại một bệnh viện khác ở Vũ Hán. 3 ngày sau khi bà nhập viện, ông mới có thời gian đến thăm và chỉ ở lại cùng vợ trong 30 phút.
Vợ ông cũng làm việc trong ngành y và từng bị nhiễm corona trong khi cứu chữa người nhiễm virus này. Ảnh: Tân Hoa Xã. |
“Tôi thấy tội lỗi. Có thể, tôi là một bác sĩ tốt nhưng không phải là người chống tốt. Chúng tôi kết hôn 28 năm. Tôi rất sợ mất bà ấy”, ông tâm sự.
May mắn, sau khi được điều trị, vợ ông đã khỏi bệnh.
Đó không phải lần đầu tiên bác sĩ Zhang ra "tiền tuyến" trong 33 năm qua.
Năm 2008, ông dẫn đội ngũ y bác sĩ từ Hồ Bắc đến giúp các bệnh nhân ở Tứ Xuyên sau trận động đất kinh hoàng. Ông từng tham gia đội bác sĩ Trung Quốc cứu trợ Algeria. Năm 2011, ông làm việc tại bệnh viện ở Pakistan để giúp đỡ người dân nơi đây.
Sau cuộc phỏng vấn với Tân Hoa Xã giữa đợt dịch virus corona, bác sĩ Zhang Dingyu quay người, lặng lẽ lê bước về khu cách ly, chậm mà chắc, với hy vọng góp sức đánh thắng dịch bệnh khi ông vẫn còn có thể di chuyển.