Zing.vn trích dịch bài chia sẻ đăng trên CNN của Prateek Harne - bác sĩ nội trú tại Bệnh viện Đại học Y khoa SUNY ở Syracuse, New York về những áp lực các nhân viên y tế tuyến đầu tại Mỹ phải chịu đựng khi chống dịch Covid-19.
"Tôi sợ lắm", một bệnh nhân nói với tôi. Khi đó, tim tôi cũng đang đập loạn xạ. Cô ấy không phải người duy nhất cảm thấy như vậy.
Khi tôi viết những chia sẻ này, đã có hơn 580.000 ca mắc Covid-19 trên toàn thế giới. Mỹ đã vượt Trung Quốc, trở thành nước có lượng bệnh nhân Covid-19 lớn nhất thế giới và con số đó vẫn tiếp tục tăng.
Tôi là bác sĩ nội trú làm việc tại Bệnh viện Đại học Y khoa SUNY, New York. Tôi đã chuẩn bị tinh thần đón nhận lượng bệnh nhân khổng lồ ở bệnh viện. Nhưng 2 tuần trước, khi phải thực sự đối mặt, tôi không còn được vững vàng như mình tưởng.
Là bác sĩ, chúng tôi được đào tạo để lắng nghe một cách bình tĩnh, hiểu và xác nhận sự lo lắng của bệnh nhân. Sau các cuộc nói chuyện, chúng tôi sẽ giúp họ bình tĩnh, an tâm hơn và giải quyết vấn đề của họ.
Bác sĩ Prateek Harne. |
Trong quá trình làm việc, đôi khi lại xuất hiện những trường hợp khiến tôi không thể nào quên.
Một trong số đó là cuộc gặp gỡ đầu tiên của tôi với bệnh nhân mắc Covid-19. Cô ấy nhập viện 3 ngày trước đó, là bệnh nhân tôi được yêu cầu phụ trách. Khi đứng trong phòng bệnh của cô, trái tim tôi đập loạn xạ. Tôi cảm thấy sợ.
Trong hơi thở nặng nề, cô kể cho tôi rằng mọi người trong bệnh viện đã đối xử với cô tốt như thế nào. Tôi cảm ơn cô, nói với cô rằng chúng tôi sẽ đặt nội khí quản để giúp cô thở dễ dàng hơn. Trả lời tôi, cô ấy nói đang rất sợ. Tôi cầm tay cô và trấn an, nói cô cần can đảm lên để chống chọi.
Cô ấy nhờ tôi gọi cho chồng, người đang phải tự cách ly tại nhà sau khi xét nghiệm dương tính với virus corona, nhắn rằng cô yêu anh rất nhiều. Sau khi tôi gọi, người chồng cũng nhờ tôi gửi lời nhắn tương tự.
4 ngày sau, cô qua đời vì suy hô hấp nặng dù đã được điều trị tận tình. Khi biết tin, tôi đi từ lo lắng đến sợ hãi rồi bị khuất phục. Những cảm xúc ấy đến từ 3 nguyên nhân: Sự khó lường trong chuyển biến của bệnh, khả năng lây lan cao và hơn cả là không thể làm giảm bớt sự đau khổ cho bệnh nhân.
Kể từ đó, mỗi lần vào phòng bệnh nhân Covid-19, tôi lại thấy sợ hãi, sợ mình có thể lây cho các bệnh nhân khác, cho đồng nghiệp hay người thân của mình.
Tính đến 29/3, Mỹ có 122.666 ca mắc Covid-19, 2.488 người đã tử vong. Ảnh: AFP/Getty. |
Những nhân viên y tế như chúng tôi thường chủ quan hay thậm chí quên mất những thương tổn mà công việc này có thể đem lại.
Nếu gặp chúng tôi ở hành lang, bạn có thể tạm thời quên mất rằng chúng ta đang trong cuộc chiến với đại dịch. Chúng tôi bước vào công việc với nụ cười, sự điềm tĩnh.
Vào những ngày nghỉ, tôi hay chia sẻ, làm sáng tỏ những lầm tưởng về chủng virus này cho gia đình, bạn bè. Những người như chúng tôi thường mô tả bản thân là không hề nao núng trước đại dịch, dù trong thâm tâm biết rằng mình cũng đang sợ hãi. Chúng tôi không thể bộc lộ điều đó, vì nếu làm vậy sẽ chỉ khiến mọi người hoảng sợ hơn mà thôi.
Tuy nhiên, những cảm xúc, nỗi sợ mà chúng tôi cố gắng phớt lờ ấy cứ vô tình dồn nén lại, đôi khi dẫn đến sự hỗn loạn và cuối cùng là kiệt sức.
Nhưng cũng trong thời điểm này, có nhiều điều ấm áp kéo chúng ta gần lại với nhau. Từ việc hát ngoài ban công để cổ vũ nhân viên y tế và thể hiện tinh thần đoàn kết; quyên góp cho bệnh viện để san sẻ với y bác sĩ; ở nhà, tự cách ly... mỗi người đều đang thực hiện phần việc của mình.
Có nhiều điều đáng lo ngại trong bối cảnh số ca mắc Covid-19 ngày càng tăng: Khả năng lây lan cao, chưa có thuốc điều trị, khan hiếm dụng cụ bảo hộ y tế, ảnh hưởng đến nền kinh tế, tình trạng thất nghiệp tăng... Nhưng nếu mỗi người chúng ta thực hiện tốt phần việc của mình mỗi ngày, thì tôi tin chúng ta sẽ sớm nhìn thấy ánh sáng ở cuối đường hầm.
Tôi là một người lính trong trận chiến này, tôi đang chiến đấu hết sức và tôi muốn bạn cũng vậy. Hãy hít thở và tiếp tục chiến đấu.