Bác sĩ ngoại khoa hằng ngày phẫu thuật cho bệnh nhân, lúc nào cũng rạch da, cắt cân xẻ cơ, cắt đốt kẹp cột trên cơ thể bệnh nhân, một con người. Ngày nào cũng vậy cứ thế cứ thế, không biết bao nhiều lần bác sĩ ngoại khoa dù thuộc bất cứ chuyên khoa nào, ngoại tiêu hóa, thần kinh, chỉnh hình hay tiết niệu.v.v…. thì không ít lần các phẫu thuật viên phải trải qua những tình huống hết sức kinh hoàng, không biết bao nhiêu lần chảy máu không cầm, bác sĩ hồi hộp lo sợ, mồ hội trán chảy, tim đập trong lồng ngực, máu me đầy người sau cuộc phẫu thuật. Thật là cái nghề bạo lực!
Ở ngoài đường thấy máu me của con người thấy đã sợ, thấy vết máu của người bị tai nạn giao thông đã sợ, sợ lắm. Nhưng trong bệnh viện bác sĩ phẫu thuật thấy nó hằng ngày. Có người còn nói bác sĩ phẫu thuật “nghiền” mùi máu, “nghiền” mùi dao điện đốt vào mô xịt khói, có thể đúng lắm chứ chẳng chơi.
Nhưng có một nhận định gây tranh cãi, đó là phần lớn các phẫu thuật viên hay bác sĩ ngoại khoa nào muốn giỏi phải có “máu lạnh”. Phải bình tĩnh trong cuộc phẫu thuật là đúng, và người giỏi thì luôn luôn có sự bình tĩnh cần thiết để xử trí những biến cố trong cuộc mổ một cách tối ưu. Có phải sự bình tĩnh là có máu lạnh không?
Khi có biến chứng, tai biến trong phẫu thuật người bác sĩ thường rất lo sợ mất ăn mất ngủ. Bên cạnh đó lại có những người rất thản nhiên coi không có gì. Có người mới mổ hôm qua, mổ chương trình, tức là trước mổ bệnh nhân còn “phây phây”, sau mổ một ngày thì tử vong, thế mà có người còn giữ bình tĩnh được. Trái với mọi người suy nghĩ, đáng lý ra ông bác sĩ phẫu thuật phải buồn, phải ân hận thì tình huống hoàn toàn ngược lại, người ấy xem nhưng không có chuyện gì. Đây có phải là hình ảnh của mộ phẫu thuật viên tài năng, một người luôn luôn giữ bình tĩnh, luôn luôn xem mọi chuyện như …. không có chuyện gì!!!
Nếu có lập luận là bác sĩ ngoại khoa phải là người có “máu lạnh” mới có thể giỏi được thì thật sự mình rất sợ cái lập luận ấy. Ngày nào đó, nếu điều ấy đúng, thì một bác sĩ ngoại khoa sẽ trở thành một robot, trái tim băng giá, và đỉnh cao là có khi nào thành một Dracula không.
Mình không tin điều ấy.
Mình mong mỏi có thể thấy được ở đàn anh hoặc đồng nghiệp của mình khi họ có sai sót gì thì họ nên buồn, nên ân hận, để người khác còn chia sẻ với người đó, đó là nỗi buồn dễ thương, phù hợp. Còn hơn thấy những khuôn mặt lạnh lùng, thậm chí còn vui một cách khó hiểu khi họ có biến chứng ngay cả nặng nề nhất là bệnh nhân tử vong, phải chăng đây là một dạng của bệnh vô cảm mức độ nặng?