Theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội), khoa Cấp cứu của đơn vị này hiện điều trị 7 bệnh nhân nặng. Khoa Điều trị tích cực chăm sóc 5 bệnh nhân nguy kịch từng phải thở máy.
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Ảnh: Việt Hùng. |
Thường xuyên cập nhật phác đồ điều trị
Hiện, một số bệnh nhân đã có tiến triển tốt hơn, được cai máy thở, nhưng vẫn còn những trường hợp nặng, diễn biến phức tạp.
Theo bác sĩ Cấp, ở giai đoạn 1, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương điều trị 5 bệnh nhân từ Vũ Hán về. Bệnh nhân đều còn trẻ nên diễn biến tốt.
Giai đoạn này, số lượng bệnh nhân đông hơn. Ngoài ra, đợt này, nhiều bệnh nhân cao tuổi, có bệnh lý nền nên mức độ sẽ nặng hơn. "Thậm chí, có bệnh nhân 88 tuổi, tai biến mạch máu não nằm liệt gường, các bác sĩ gặp khó khăn hơn khi điều trị", bác sĩ Cấp cho hay.
Ông cũng cho biết phác đồ điều trị của Việt Nam thường xuyên thay đổi, cập nhật.
"Ban đầu, chúng ta xây dựng phác đồ số 1. Sau quá trình điều trị nhất định, cộng với sự tiến bộ, hiểu biết chung của toàn thế giới về bệnh lý này, chúng ta sửa đổi lần một, lần hai, thậm chí lần ba. Khi có nhiều hơn kết quả nghiên cứu từ các nước, chúng ta tiếp tục thay đổi ở những phiên bản sau để ngày càng hoàn thiện hơn", vị chuyên gia chia sẻ.
Có bệnh nhân điều trị một tháng mới được ra viện. Tuy nhiên, một số bệnh nhân chỉ vài ngày đã được công bố khỏi bệnh. Bác sĩ Cấp lý giải do khả năng đáp ứng điều trị của từng người. Bệnh nhân có sức đề kháng mạnh sẽ khỏi nhanh.
Trường hợp sức đề kháng yếu hơn rất lâu mới sạch được virus. Ngoài ra, một số ca được phát hiện sớm ngay từ đầu, thời gian điều trị sẽ lâu hơn. Có bệnh nhân khi phát hiện đã nhiễm virus khá lâu, vì vậy từ khi phát hiện đến hết bệnh có thời gian ngắn hơn.
Không áp đặt, nỗ lực cứu bệnh nhân
Bác sĩ Cấp cho hay người nước ngoài có lối sống khác so với người Việt nên sẽ gặp khó khăn nhất định trong quá trình điều trị.
Người nước ngoài có nhu cầu dinh dưỡng khác. Việc thỏa mãn được yêu cầu của những bệnh nhân này cũng không phải chuyện dễ dàng. Đặc biệt, trong hoàn cảnh cả nước đang thực hiện giãn cách xã hội, chuẩn bị được một bữa ăn đúng khẩu vị người ngoại quốc không dễ.
Hơn thế, một số bệnh nhân khi mới vào viện không hợp tác, từ chối cách thức điều trị của Việt Nam. "Chúng tôi luôn cố gắng thuyết phục họ, không áp đặt, tôn trọng người bệnh, làm đúng khả năng", bác sĩ Cấp nói.
Ông cũng thông tin tất cả loại thuốc diệt virus trong phác đồ của Bộ Y tế đang được nghiên cứu thêm. Bệnh nhân muốn tham gia nghiên cứu phải đủ yêu cầu không chống chỉ định với thuốc và đồng ý tham gia.
Vị chuyên gia cho rằng đây là thời gian vàng trong giai đoạn chống dịch. Ngoài việc các bác sĩ cố gắng điều trị cho các bệnh nhân, chống dịch thành công hay không cũng phụ thuộc rất nhiều vào ý thức của người dân.