Zing trích dịch bài đăng trên New York Times, về câu chuyện của những y bác sĩ tuyến đầu tại tâm dịch New York. Khi những bệnh nhân biết mình sắp không qua khỏi, họ chỉ còn biết nhờ cậy vào lực lượng y tế để nói lời từ biệt với người thân, gia đình từ xa qua điện thoại, video call.
Bác sĩ Marrissa Nadeau, làm việc tại Bệnh viện Manhattan (New York, Mỹ) vẫn nhớ rõ một trường hợp nhập viện khi cô đang trong ca trực đêm.
Bệnh nhân là một người già cao tuổi đang trong tình trạng nguy kịch do sự tấn công của virus corona chủng mới.
Bằng chút tỉnh táo cuối cùng, bệnh nhân đề nghị các y bác sĩ không đặt nội khí quản hay sử dụng máy thở cho ông, dù đó là phương án duy nhất hiện tại có thể cứu người này sống sót.
Sau cùng, bác sĩ Nadeau giúp người đàn ông gọi điện thoại về cho người thân. Qua màn hình, bệnh nhân cho người nhà biết về lựa chọn của mình và nói lời tạm biệt sau cuối.
Bác sĩ Marrissa Nadeau làm việc tại bệnh viện trong thành phố New York. Ảnh: NY Times. |
Đó đã là lần thứ ba trong ca trực đêm, nữ bác sĩ giúp những bệnh nhân có tình trạng xấu, sắp ra đi vì Covid-19, nói chuyện lần cuối với người thân.
Hai người mắc virus khác cũng đã từ chối lắp đặt nội khí quản. Quyết định ấy đồng nghĩa với việc họ chấp nhận cái chết sẽ đến với mình.
Một trong những điều đau lòng khi đại dịch xảy đến, là bệnh nhân sắp ra đi chỉ có vài phút ngắn ngủi để chia tay gia đình. Dịch bệnh nguy hiểm khiến người thân không thể túc trực bên người bệnh và cũng chẳng có cơ hội gặp mặt lần cuối.
Các bác sĩ, những người ở bên người bệnh trong những phút cuối đời, sẽ thường rời đi để cho những phút giây chia tay diễn ra riêng tư.
Những khoảnh khắc thường ngập tràn nước mắt. Và chính những y bác sĩ cũng thấy đau khổ, bất lực theo.
Bệnh nhân ra đi trong đơn độc
“Tôi đã khóc nhiều lần trong ca trực”, Nadeau cho biết. Cô phải nhắn tin cho các đồng nghiệp sau đó để tìm kiếm sự an ủi.
“Các bạn có thể sẽ thấy tôi với đôi mắt sưng húp trong vài tuần tới. Nhiệm vụ của tôi là cứu người, vậy mà tôi đã không thể giữ được mạng sống cho họ”, cô viết.
Tác động của Covid-19 khiến những nghi thức tang lễ, chôn cất bệnh nhân cũng phải thực hiện nhanh chóng, vội vàng. Chính quyền khuyến cáo người dân không nên tụ tập đông người để viếng đám ma, các nghĩa trang cũng bắt đầu hạn chế số lượng người chôn cất.
Dịch bệnh khiến bệnh nhân không có cơ hội gặp mặt người thân lần cuối. Ảnh: Reuters. |
Các nhân viên khoa cấp cứu từng quen thuộc với cảnh người đến thăm đông đúc. Họ nhận ra bệnh nhân này có vợ chăm sóc hay bệnh nhân kia có cả một gia đình đông thành viên.
Giờ đây, chỉ có lực lượng y tế ở bên những con người đang mang trong mình loại virus nguy hiểm.
“Em yêu anh. Rồi mọi thứ sẽ ổn thôi”, một người phụ nữ nói vào ống nghe điện thoại đặt tại bàn tiếp tân của bệnh viện Manhattan. Cách đó không xa, trong phòng cấp cứu, người chồng đã kết hôn 40 năm của cô đang dần chìm vào hôn mê. Anh sẽ không tỉnh lại lần nữa.
Dylan Wyatt, một bác sĩ nội trú tại Bệnh viện Brooklyn, vẫn ám ảnh bởi hình ảnh một cô gái được gọi tới bệnh viện khi mẹ của cô sắp qua đời.
“Cô ấy muốn gặp mẹ lần cuối nhưng chỉ có thể đứng từ ngoài cửa nhìn vào. Điều khiến tôi day dứt mãi là cảnh người bệnh đã ra đi trong cô độc, không có người thân ở bên”, ông thừa nhận.
Khi dịch bệnh vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt, thời gian để tiếc thương cũng trở nên ngắn ngủi. Mọi hoạt động đám ma, chôn cất đều phải thực hiện nhanh chóng. Ảnh: AP. |
Giúp bệnh nhân vĩnh biệt người nhà
Khi những người bệnh được thông báo họ sẽ cần đến máy thở hay đặt nội khí quản, phần lớn họ đều cảm thấy lo sợ.
“Tôi cố gắng giải thích rằng việc thở sẽ trở nên khó nhọc, khiến cơ thể mệt mỏi. Cách giúp người bệnh dễ thở hơn là để máy thở làm giúp phần nhiệm vụ đó”, bác sĩ Meredith Jones, làm việc tại bệnh viện Brookdale, nói.
“Điều đó thường kéo dài bao lâu?”, “Liệu tôi có không qua khỏi” là những câu trả lời bác sĩ nhận về. Người muốn cổ vũ tinh thần bệnh nhân sẽ nói “1-2 tuần nữa ông sẽ tỉnh lại”.
Nhưng với những y bác sĩ không muốn người bệnh hy vọng quá nhiều, họ sẽ chỉ nói “Chúng tôi không thể biết trước”.
Trước khi tiến hành, các bác sĩ buộc phải khuyên bệnh nhân lần nữa: “Hãy gọi về cho những người yêu thương và nói với họ những điều cần nói. Tôi sẽ quay trở lại sau 15 phút nữa”.
Lực lượng y bác sĩ nhiều khả năng đối mặt với những tổn thương, ám ảnh tâm lý sau này. Ảnh: Reuters. |
Các bác sĩ cố gắng gọi cho gia đình của họ hàng ngày để cập nhập tình hình. Câu nói quen thuộc mà bác sĩ Colleen Farrell vẫn thường nói với người nhà bệnh nhân: “Tôi hy vọng phổi của anh ấy sẽ sớm bình phục. Nhưng tôi e sợ điều đó khó thể thành công”.
Không phải tất cả những ai nguy kịch đều lựa chọn máy thở. “Tôi muốn ra đi trong thoải mái” là lời một số bệnh nhân nói với bác sĩ Joseph Lowy, trưởng khoa cấp cứu tại Bệnh viện Langone.
Với những người này, trước khi ra đi, họ sẽ nhờ đến điều dưỡng, bác sĩ giữ điện thoại để nói chuyện lần cuối với gia đình.
"Tâm hồn các bác sĩ vụn vỡ"
Những lời chia tay cuối cùng thậm chí còn không thể thực hiện khi số ca tử vong vẫn tăng phi mã. Lượng bệnh nhân rơi vào trạng thái nguy kịch đông thêm, khiến các y bác sĩ không thể xoay xở kịp.
Một bệnh nhân được đưa đến bệnh viện tại New York (Mỹ). Ảnh: NY Times. |
Những lần khác, nhân viên y tế không kịp liên lạc với người nhà bệnh nhân, hoặc gia đình người bệnh không thể kết nối được với cuộc gọi.
Tháng trước, khi một người đàn ông 38 tuổi sắp không qua khỏi ở Bệnh viện Elmhurst (New York), nhân viên y tế cố liên lạc với mẹ anh để cả hai trò chuyện lần cuối. Ý muốn đã không thành sự thực vì người mẹ cũng mắc virus và đang điều trị tại một nơi khác.
Bác sĩ Nadeau cho biết cô chưa bao giờ nghĩ rằng dưới tư cách một bác sĩ cấp cứu, cô phải trải qua nhiều cuộc nói chuyện khó khăn như hiện tại.
“Chúng tôi đang được yêu cầu làm những điều khiến chúng tôi thấy đau lòng, còn tâm hồn vụn vỡ”, Barbara G. Lock, một bác sĩ tại Khoa Cấp cứu Bệnh viện NewYork-Presbyterian, thừa nhận.
“Không hề hiếm cảnh những y tá, bác sĩ suy sụp và khóc nức nở sau mỗi ca làm việc. Sau khi dịch bệnh chấm dứt và cơn ác mộng này qua đi, nhiều bác sĩ chắc chắn sẽ gặp phải những tổn thương tâm lý khó chữa lành”, cô nói.