Một buổi can thiệp động mạch phổi qua da tại Bệnh viện Đại học Y Dược. Ảnh: Nam Phương. |
Trong buổi chia sẻ thông tin về kỹ thuật thay van động mạch phổi qua da tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM sáng 25/5, bà Nguyễn Thị Thanh (Thuận An, Bình Dương) nhiều lần bật khóc khi chia sẻ về hành trình tìm con đường điều trị tim bẩm sinh cho gái.
"Số tiền 582 triệu đồng là quá lớn đối với gia đình nhưng không gì hạnh phúc hơn khi ca mổ của con thành công, con có tương lai tốt đẹp hơn", bà Thanh chia sẻ với Zing.
Bé T.N.N.T. (14 tuổi), con gái bà Thanh, là một trong những ca bệnh may mắn được can thiệp bằng kỹ thuật thay van động mạch phổi qua da tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM.
Mắc cùng lúc 4 khuyết tật tim
Bé T. được phát hiện bị tim bẩm sinh khi mới 5 tháng tuổi. Lên 2 tuổi, em được chẩn đoán và phẫu thuật sửa chữa triệt để Tứ chứng Fallot, bệnh lý tim bẩm sinh đặc trưng bởi 4 tổn thương về mặt cấu trúc trong tim bao gồm: hẹp phổi, động mạch chủ cưỡi ngựa lên vách liên thất, thông liên thất và phì đại thất phải.
Tuy nhiên, sau thời gian dài phẫu thuật, bé T. bắt đầu có hiện tượng khó thở khi gắng sức, hạn chế vận động thể lực. Kết quả siêu âm tim và chụp cộng hưởng từ cho thấy em bị hở van động mạch phổi khiến máu trào ngược động mạch phổi về tâm thất phải. Đây là biến chứng thường gặp sau phẫu thuật sửa chữa Tứ chứng Fallot.
GS.TS.BS Trương Quang Bình, nguyên Phó giám đốc, chuyên gia Bệnh viện Đại học Y Dược, cùng các chuyên gia quyết định thay động mạch phổi qua da cho bệnh nhi.
Bà Nguyễn Thị Thanh cùng bé T. trải qua hành trình dài để tìm phương pháp điều trị hở van tim tốt nhất. Ảnh: Linh Thùy. |
TS.BS Cao Đằng Khang, Trưởng khoa Phẫu thuật tim trẻ em, cho biết với kỹ thuật này, các bác sĩ sẽ sử dụng một khung kim loại với hình dáng giống chỗ van như mạch máu (stent), trên đó gắn một van tim nhân tạo, tất cả được thu nhỏ vào một chiếc ống thông.
"Ống được luồn từ một mạch máu lớn ở đùi để đưa dụng cụ đến ngay động mạch phổi bị hẹp, hở. Bác sĩ sẽ đưa dụng cụ đến vị trí van động mạch phổi bị hẹp, đẩy van nhân tạo ra khỏi ống thông. Sau đó, van nhân tạo bung ra và hoạt động như một van tim bình thường", TS Khang giải thích.
Chuyên gia này cho biết van có khung kim loại, bên trong là màng sinh học và có thể hoạt động được trong 10 năm.
"Cho đến nay, kỹ thuật thay van động mạch phổi qua da đã triển khai được 7 năm với hơn 150 ca trên thế giới và chưa một ca nào phải thay lại van", TS Khang chia sẻ thêm.
Sau cuộc can thiệp kéo dài 2 giờ, bé T. hồi phục tốt, trở lại nhịp sinh hoạt bình thường trong vòng tay hạnh phúc của mẹ Thanh.
Đường can thiệp siêu nhỏ, tránh cuộc mổ lớn
Tứ chứng Fallot là bệnh lý tim bẩm sinh đặc trưng bởi 4 tổn thương về mặt cấu trúc trong tim. Nếu không được can thiệp phẫu thuật, diễn tiến tự nhiên của bệnh thường dẫn đến tăng tỷ lệ các biến chứng, giảm tuổi thọ và thậm chí tử vong.
PGS.TS Lê Minh Khôi, Trưởng phòng Khoa học và Đào tạo, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cho hay khoảng 10% bệnh nhi bị tim bẩm sinh mắc tứ chứng Fallot, trong đó, 20-30% trẻ xuất hiện biến chứng hở phổi nặng sau khi phẫu thuật, đặc biệt là ở tim phải.
Bệnh nhi hồi phục sức khỏe sau ca phẫu thuật thay van động mạch phổi qua da. Ảnh: Nam Phương. |
"Bệnh nhi mắc căn bệnh này thường có môi tím, tay như dùi trống, luôn nằm trong tư thế nghiêng, tuổi thọ thường ngắn, không quá 12 năm. Khoảng 25-30% bệnh nhi mắc tứ chứng Fallot trước 1 tuổi, 1/2 trong số này không thể đến trường", bác sĩ Khôi chia sẻ thêm.
Theo TS.BS Cao Đằng Khang, Trưởng khoa Phẫu thuật tim trẻ em, kể cả khi được phẫu thuật sửa tứ chứng Fallot, bệnh nhi vẫn phải đối mặt với những diễn tiến sau phẫu thuật.
Trong đó, hở van động mạch phổi nặng sau phẫu thuật tứ chứng Fallot gây giãn buồng tim phải dẫn đến hở van ba lá, suy tim phải, rối loạn nhịp tim, tăng nguy cơ đột tử.
Người bệnh cần được điều trị hở van động mạch phổi bằng phương pháp thay van để cải thiện quá trình suy tim phải, hạn chế nguy cơ rối loạn nhịp và đột tử, cải thiện chất lượng cuộc sống.
Bên cạnh phương pháp mổ mở, kỹ thuật can thiệp thay van qua da giúp người bệnh tránh được cuộc phẫu thuật tim lớn (mổ mở) để thay lại van tim, giảm các nguy cơ biến chứng do mổ mở.
Tuy vậy, việc triển khai kỹ thuật này tại Việt Nam dù không quá phức tạp nhưng chưa có nhiều trung tâm thực hiện, số bệnh nhân can thiệp ít và chí phí không nhỏ, lên tới 600 triệu đồng/ca.
Do đây là kỹ thuật mới nên bảo hiểm y tế vẫn chưa có chính sách thanh toán chi phí can thiệp. Ở giai đoạn hiện tại, chi phí thực hiện vẫn hoàn toàn do gia đình bệnh nhân xoay xở để chi trả và nguồn hỗ trợ từ mạnh thường quân.
Sách về nghề y
Tò mò về nghề y, về một nghề nghiệp luôn có tác động đến cuộc đời bạn nhưng luôn đầy những thông tin kỹ thuật khó hiểu? Đây là một số giới thiệu của mục Sức khỏe dành cho bạn:
Ký túc xá - Cá tốc ký: Cuốn sách kể về đời sống của sinh viên Đại học Y Hà Nội, chủ yếu xoay quanh đời sống ký túc xá, nơi tác giả đã trải qua tuổi trẻ cùng 10 thành viên khác trong phòng 110 E2.
Chạy trời không khỏi đau: Tập hợp các ghi chép của tác giả Adam Kay trong 6 năm hành nghề y từ 2004 đến 2010, cuốn sách là bản báo cáo không khoan nhượng về công việc của đội ngũ y tế của Vương quốc Anh đang làm việc ngày đêm nhưng chưa được nhìn nhận và tôn trọng đúng mức.