Theo bác sĩ Phạm Công Nhân, chuyên khoa Nội soi tiêu hóa, Bệnh viện Thống Nhất (TP.HCM), bệnh nhân là thanh niên 24 tuổi.
Người này bị loạn thần do lạm dụng chất gây nghiện. Khai thác thông tin ghi nhận, người này có sở thích nuốt các vật cứng như viên đá, bi thủy tinh, vỏ trái cây… mỗi khi dùng ma túy. Bác sĩ phải gây mê cho bệnh nhân và mất nhiều thời gian để lấy ra hàng loạt dị vật trong dạ dày.
“Chúng tôi gắp ra rất nhiều viên đá, vỏ chôm chôm, thủy tinh từ dạ dày, giống như một đống rác hỗn độn”, bác sĩ Nhân nói.
Một số dị vật được gắp ra từ dạ dày của bệnh nhân. Ảnh: BSCC. |
Một thanh niên khác lại có thói quen nuốt dị vật để phản đối gia đình. Người này nuốt trọn vẹn từng phần của chiếc bấm móng tay rồi thông báo với người thân để tạo áp lực, yêu cầu không ép anh đi cai nghiện ma túy. Sau khi được bác sĩ gắp thành công các mảnh kim loại, người bệnh khẳng định làm như vậy để “dọa” gia đình.
“Nhiều trường hợp lạm dụng chất gây nghiện có tâm lý thích nuốt dị vật, rất khó để khuyến cáo hay đề phòng. Nếu không được lấy ra kịp thời, dị vật có thể gây thủng dạ dày, xuất huyết thậm chí nguy hiểm tính mạng người bệnh”, bác sĩ Nhân nhấn mạnh.
Cũng theo bác sĩ Nhân, mới đây, Bệnh viện Thống Nhất đã nội soi lấy ra thành công một chiếc kim dài 3 cm cho người đàn ông 60 tuổi.
Theo đó, khi khám răng cho ông T.V.P. (Hóc Môn, TP.HCM), nhân viên một phóng khám lỡ tay làm rơi dụng cụ vào miệng bệnh nhân. Theo phản xạ, ông P. nuốt luôn dị vật là chiếc kim lèn ống tủy răng, dài 3 cm.
Khoảng 3 giờ sau, người bệnh đến Bệnh viện Thống Nhất khám và nội soi. Kết quả cho thấy dị vật đã đi xuống ruột. Vài ngày sau, chiếc kim trôi xuống đại tràng. Ông P. được nội soi lấy ra thành công và không gặp tổn thương nào.
Bác sĩ Nhân cho hay người bệnh đến cấp cứu vì nuốt dị vật rất phổ biến, nhiều nhất là nuốt vỏ thuốc, tăm xỉa răng, hóc xương cá… Khoảng 80-90% dị vật tự thoát ra ngoài mà không cần xử trí, 20% còn lại phải can thiệp.
Trường hợp dị vật không tự thoát ra ngoài có thể gây ra các biến chứng như loét dạ dày, xuất huyết tiêu hóa, tắc nghẽn ống tiêu hóa... Nếu không được xử trí đúng và kịp thời, người bệnh có thể gặp biến chứng nặng và tử vong.
Mục Sức khỏe giới thiệu cuốn Ăn gì không chết. Cuốn sách là một khảo cứu của bác sĩ Michael Greger sau khi ông xem xét tỉ mỉ 15 nguyên nhân hàng đầu dẫn đến chết trẻ ở Mỹ để giải thích tại sao can thiệp dinh dưỡng và lối sống có thể giúp ta khỏe mạnh hơn, ví dụ như mối liên hệ giữa thịt gà và ung thư tuyến tụy, hoặc bệnh tiểu đường và đậu.