Tháng 11/2019, TS Abdullah al-Rabeeah hoàn thành ca phẫu thuật tách cặp song sinh dính cho hai bé Ahmed và Muhammed đến từ Libya (Ai Cập). Đây là ca thứ 48 ông thực hiện trong suốt 30 năm công tác trong ngành y.
“Dựa trên khoa học và nhân đạo”
TS Abdullah al-Rabeeah công tác tại Bệnh viện Nhi đồng chuyên khoa King Abdullah (Riyadh). Chương trình phẫu thuật tách rời các cặp song sinh dính liền của ông nhận được sự quan tâm từ chính phủ Ả Rập. “Các bệnh nhân đến từ 21 quốc gia được tài trợ chi phí đi lại và phẫu thuật, không phân biệt tôn giáo, giới tính, quốc gia. Tất cả đều dựa trên khoa học và tinh thần nhân đạo”, TS Abdullah chia sẻ với ABC News.
TS Al-Rabeeah và các cặp song sinh dính liền mà ông từng phẫu thuật tách rời. Ảnh: ABC News. |
Ca phẫu thuật đầu tiên TS Al-Rabeeah thực hiện vào năm 1990. Sau đó, ông được bầu làm Bộ trưởng Y tế và vẫn tiếp tục theo đuổi công việc ý nghĩa. Chương trình nhân đạo của TS Al-Rabeeah đã đem đến cơ hội sống cho gần 100 bệnh nhân, trong đó có 90 người vẫn sống khỏe mạnh.
Theo các nhà nghiên cứu từ Đại học Minnesota (Mỹ), trong 200.000 ca sinh mới có 1 trường hợp. Đa phần ca song sinh dính liền đều xuất hiện ở Đông Nam Á, châu Phi với tỷ lệ 1/25.000, con số này ngày càng tăng lên.
Theo TS Oren Tepper, Giám đốc Phẫu thuật tại Trung tâm Y tế Montefiore (New York), cho biết kỹ thuật tách rời các cặp song sinh dính liền khá phức tạp. Nếu hai bệnh nhân cùng chia sẻ bộ não, cần phải thêm một bác sĩ chuyên khoa thần kinh. Nếu bộ phận dính liền là tim, phổi, ca phẫu thuật bắt buộc phải có thêm một bác sĩ tim.
Hành trình từ Libya đến Riyadh
Cơ hội phẫu thuật tách rời của Ahmed và Muhammed bắt đầu bằng một email xa lạ. Nhận được kết quả hai con sinh ra không mang ngoại hình bình thường, cha mẹ vẫn quyết định giữ thai. Ahmed và Muhammed sinh mổ vào ngày 26/6 trong một bệnh viện nhỏ Libya.
TS A-Rabeeah và đội ngũ bác sĩ thực hiện ca phẫu thuật cho hai bé Ahmed và Muhammed. Ảnh: ABC News. |
Hai bé bị dính liền bụng, xương chậu và phải chia sẻ một chân, ruột, cơ quan tiết niệu. Cặp song sinh phải trải qua cuộc phẫu thuật tách đại tràng nhưng không bệnh viện nào ở Libya có thể thực hiện. Chính vì thế, cha mẹ hai em đã gửi email cho TS A-Rabeeah nhờ thông tin tìm được trên mạng.
Đội ngũ thực hiện ước tính ca phẫu thuật kéo dài 14-15 giờ và cần 35 bác sĩ phẫu thuật, y tá. Cuộc đại phẫu vẫn có 30% nguy cơ biến chứng hoặc thậm chí gây tử vong vì độ phức tạp. Tuy nhiên, bố mẹ của cặp song sinh vẫn đồng ý với mong muốn mang lại cuộc sống bình thường cho hai con.
Theo lời TS Al-Rabeeah kể lại với ABC News, giây phút căng thẳng và cũng xúc động trong suốt 15 tiếng đồng hồ chính là 2 cm cuối cùng. “Tất cả chúng tôi im lặng, đếm ngược đến giây phút các bộ phận cơ thể tách thành hai”, vị bác sĩ này nhớ lại.
TS Al-Rabeeah gặp lại một trong những bệnh nhân. Ảnh: ABC News. |
“Khoảnh khắc cha mẹ của hai em nhận thông báo cuộc phẫu thuật kết thúc, tôi thấy nụ cười hạnh phúc, thở phào nhẹ nhõm trên khuôn mặt họ. Điều đó khiến tôi vui sướng như lúc cầm dao thực hiện ca phẫu thuật tách rời đầu tiên”, ông Al-Rabeeah nói thêm.
TS Al-Rabeeah cảm nhận rõ hơn sự hạnh phúc khi cha của Ahmed và Muhammed chạy đến ôm, hôn ông. Hiện, cặp song sinh đang phục hồi sức khỏe, sẽ được xuất viện sau khoảng 8-12 tuần.
Không phải tất cả các bệnh nhân phẫu thuật tách rời đều sống sót. Năm 2017, một cặp song sinh dính liền đến từ Gaza khiến ông bó tay. Bởi nếu muốn tách rời họ, một trong hai buộc phải hy sinh mạng sống. Với những trường hợp không may xảy ra, TS Al-Rabeeah đều buồn bã vì không thể giúp gì được cho họ.
Đến nay, TS Al-Rabeeah vẫn giữ liên lạc với nhiều bệnh nhân cũ. “Năm 2005, tôi phẫu thuật cho một cặp song sinh ở Ba Lan. Tình cờ ghé thăm quốc gia này vào năm 2019, họ nhìn thấy tôi và chạy đến ôm tôi như một người cha. Giây phút ấy thực sự xúc động”, ông tâm sự.