Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bác sĩ 'toát mồ hôi' khi sản phụ gặp nguy hiểm quyết không chịu mổ

Dù song thai đang suy, dễ ngừng tim, sản phụ vẫn không chịu mổ cấp cứu. Gặp tình trạng tiến thoái lưỡng nan khiến bác sĩ vô cùng khó xử.

Bác sĩ nỗ lực khuyên sản phụ song thai lên bàn mổ để cứu con Dù song thai đang suy, sản phụ vẫn không chịu lên bàn mổ vì muốn chờ chồng và sợ đau.

Trên trang cá nhân mới đây, bác sĩ CKII Nguyễn Ngọc Chung, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Bắc Mê (Hà Giang), vừa đăng tải clip thuyết phục một sản phụ song thai lên bàn mổ thu hút nhiều người xem.

Trong đoạn video dài hơn 5 phút, ghi lại sự việc xảy ra tại bệnh viện tối 4/9. Bác sĩ Chung là người trực tiếp thuyết phục sản phụ Giàng Thị Khứ (34 tuổi, ở Bản Kẹp A, xã Minh Sơn, huyện Bắc Mê, Hà Giang) lúc này trong tình trạng nguy cấp cần phải lên bàn mổ ngay lập tức.

Bởi sản phụ này mang song thai, trong khi thai to, mỗi thai khoảng từ 2,5 kg trở lên. Dù chưa chuyển dạ nhưng vào thời điểm ấy, tim thai hai bé rất yếu do chèn vào nhau, cần phải mổ cấp cứu, nếu chậm trễ, hai em bé có thể mất tim thai.

Tuy nhiên, sản phụ không có ý định mổ, muốn chờ chồng mới dám quyết định. Trước đó, thai phụ Khứ được chồng và em gái đưa đến Bệnh viện Đa khoa huyện Bắc Mê chiều 4/9 để chờ sinh bằng xe máy qua quãng đường rừng hơn 30 km. Tuy nhiên sau khi đưa vợ đến viện, chồng thai phụ lại về nhà lấy đồ.

san phu song thai quyet khong chiu mo anh 1
Sản phụ Khứ không biết rõ về tình trạng nguy hiểm của thai nhi trong bụng. Ảnh: Cắt từ clip.

Dù bác sĩ và nhiều người nhà bệnh nhân tại bệnh viện ra sức thuyết phục, giục giã cô em ký giấy cam kết để làm thủ tục mổ (do thai phụ biết ít tiếng Kinh) nhưng cả 2 không dám quyết định. Thai phụ nhất quyết đợi chồng đến và sợ đau nên không chịu thực hiện phẫu thuật.

Được biết, trong suốt thời gian mang thai, chị Khứ chưa từng tới bệnh viện thăm khám nên không biết mang thai đôi.

Sau hơn 40 phút thuyết phục, cuối cùng sản phụ mới chịu vào phòng mổ. Ca mổ kéo dài khoảng một giờ, lần lượt bé trai 2,7 kg và bé gái 2,2 kg chào đời lúc 21h cùng ngày. Nhiều cán bộ của bệnh viện chung tay ủng hộ tã và quần áo cho 2 bé.

Hiện sức khỏe của mẹ và 2 bé đều ổn định, đang nằm theo dõi tại viện, có thể xuất viện trong vài ngày tới.

Chia sẻ về trường hợp này, bác sĩ Chung cho hay bệnh viện cách tỉnh có 52 km, nhưng đường đi khó phải mất 2 tiếng, mùa mưa hay bị sạt lở, lầy lội. Do đó, đối với trường hợp khẩn cấp như sản phụ Khứ, nếu quyết tâm đợi chồng quay lại sẽ rất nguy hiểm.

“Ở đây, chúng tôi gặp các tình huống tiến thoái lưỡng nan thường xuyên. Ca của sản phụ này khó quá khiến các bác sĩ toát mồ hôi vì sợ. Nếu không mổ, thai nhi sẽ tử vong. Mổ nhưng không đúng quy trình, bác sĩ sẽ ‘chết’, còn chuyển viện thì đường xa khó đi, bác sĩ sẽ day dứt lương tâm. May mắn, đến cuối cùng, nhờ có các bệnh nhân khác giúp sức thuyết phục mọi chuyện đã trở nên tốt đẹp”, bác sĩ Chung chia sẻ.

Bác sĩ Chung cho biết Hà Giang là tỉnh còn khó khăn và huyện Bắc Mê người dân chủ yếu là người dân tộc thiểu số, kiến thức về chăm sóc sức khoẻ còn hạn chế, lại có nhiều hủ tục lạc hậu nhất là trong sinh đẻ.

Qua câu chuyện này, bác sĩ Chung mong muốn người dân hiểu hơn về công việc của các bác sĩ, bởi có nhiều tình huống khiến họ rất khó xử. Mục đích cuối cùng của người làm nghề y vẫn luôn là bảo đảm được tính mạng và sức khỏe cho bệnh nhân của mình.

Bác sĩ ra chợ kêu gọi cứu hai bé dính liền: 'Tôi đã làm càn'

“Lúc đó tôi không có thời gian để suy nghĩ, chỉ muốn làm mọi cách để bố hai cháu bé có thêm mấy triệu đồng khi đưa con đi Hà Nội", bác sĩ Chung chia sẻ.


Hà Quyên

Bạn có thể quan tâm