Bác sĩ Bệnh viện Phúc Kiến thực hiện nội soi dạ dày và phẫu thuật lấy sỏi cho ông Cung dưới hình thức gây mê toàn thân. Ảnh: QQ. |
Ông Cung, 70 tuổi, đến từ Phúc Kiến (Trung Quốc), vào viện trong tình trạng suy nhược cơ thể nghiêm trọng, yếu tay chân và thường xuyên bị nôn mửa.
Sau khi nội soi đường tiêu hóa, bác sĩ phát hiện một dị vật màu xanh đen có kích thước 4x4 cm cắm vào tá tràng của ông Cung, gây tắc nghẽn, xung huyết, phù nề và biến dạng niêm mạc.
Bệnh nhân cho biết từng ăn một vài quả hồng khi bụng đói vào nửa tháng trước khi xuất hiện các vấn đề sức khỏe. Dựa trên kết quả thăm khám và thói quen ăn uống của bệnh nhân, bác sĩ Tiêu Trung Khâm, Trưởng khoa Tiêu hóa, chẩn đoán ông Cung mắc bệnh sỏi dạ dày thực vật.
Tuy nhiên, viên sỏi của bệnh nhân rất khó lấy ra vì vừa nằm sâu trong tá tràng, vừa có kích thước lớn và kết cấu cứng.
Nếu buộc phải lấy sỏi bằng ống nội soi, tỷ lệ thành công là không cao, thậm chí có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng như rách, chảy máu, thủng mô tá tràng.
Còn nếu phẫu thuật theo phương pháp nội soi truyền thống, diện tích tổn thương sẽ lớn hơn, thời gian hồi phục chậm và chi phí y tế cũng cao hơn.
Sau khi hội chẩn, đội ngũ y tế Bệnh viện Phúc Kiến đã đề nghị bệnh nhân thử liệu pháp uống nước ngọt có ga trong một tuần và nhận được sự đồng ý từ ông Cung. Sau một tuần làm theo chỉ định của bác sĩ, nam bệnh nhân được phẫu thuật tán sỏi nội soi.
Theo bác sĩ Tiêu Trung Khâm, hồng hay táo gai là thực phẩm chứa pectin và axit tannic. Khi chúng được ăn vào cơ thể, dưới tác dụng của axit dạ dày, axit tannic kết hợp với protein tạo thành protein axit tannic không tan trong nước, lắng đọng trong dạ dày.
Protein axit tannic, pectin sau đó bám vào các chất xơ thực vật khó tiêu và cặn của các thực phẩm khác, dần dần hình thành sỏi dạ dày không tan.
Đồ uống có ga có thể làm mềm bề mặt sỏi trong dạ dày. Theo bác sĩ Tiêu Trung Khâm, sử dụng đồ uống có ga ngắn hạn, với một định lượng nhất định có thể tạo điều kiện thuận lợi cho điều trị tán sỏi nội soi. Tuy nhiên, liệu pháp này không phù hợp với tất cả bệnh nhân bị sỏi dạ dày.
Sỏi dạ dày được chia làm nhiều loại như sỏi thực vật, sỏi tóc, sỏi sữa, sỏi thuốc. Do đó, chúng cần được điều trị khoa học dưới sự hướng dẫn của bác sĩ tùy vào nguyên nhân khởi phát, mức độ nặng nhẹ của từng ca bệnh.
Bác sĩ Tiêu Trung Khâm cảnh báo việc uống nhiều đồ uống có ga có thể làm tăng nguy cơ loãng xương, sâu răng, chuyển hóa đường bất thường, mất cân bằng hệ vi khuẩn đường ruột… gây bất lợi cho sức khỏe.