Tập 11 Siêu trí tuệ Việt Nam lên sóng tối 4/1 là cuộc đấu gay cấn giữa các thành viên của Biệt đội Siêu trí tuệ và cao thủ quốc tế. Đức Phước so tài xoay rubik với Yu Sajima đến từ Nhật Bản. Còn Việt Hoàng sẽ đối đầu với Simon Reinhard đến từ Đức.
“Bách khoa sống” Việt Hoàng vụt mất chiến thắng trong tiếc nuối
Tại vòng Giao hữu quốc tế, Việt Hoàng đối đầu với Simon Reinhard đến từ Đức. Ở thử thách Bách khoa siêu ô chữ, có 50 cụm từ Anh ngữ thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau. Trong đó có 25 cụm từ đáp án và 25 cụm từ gây nhiễu được sắp xếp xen kẽ nhau để 2 tuyển thủ ghi nhớ. Cả 2 có 5 phút để ghi nhớ hết các ô chữ và 3 phút để quan sát bảng tọa độ. Sau đó, 2 tuyển thủ có 15 phút ghi đáp án chính xác lên bảng kết quả cá nhân.
Việt Hoàng và Simon Reinhard đối đầu trong thử thách Bách khoa siêu ô chữ. |
Ở lượt thi đấu đầu tiên, cả hai nhanh chóng ghi nhớ các từ vựng. Chàng sinh viên 19 tuổi không hề lo sợ trước đối thủ nặng ký. Đến phần điền kết quả lên bảng, cả hai đối lập hoàn toàn về mặt chiến lược. Trong khi tuyển thủ đến từ Đức chọn cách vẽ lại đường đi của ô chữ trước khi giải, thì Việt Hoàng đã bắt tay ngay vào viết lại những gì mà cậu đã giải trong đầu lên bảng kết quả. Anh ấn chuông báo hoàn thành phần thi trước Simon Reinhard. Kết quả, Việt Hoàng chiến thắng lượt thi đấu đầu tiên.
Bước vào lượt đấu thứ 2, bậc thầy ghi nhớ Simon Reinhard đã thay đổi chiến thuật. Anh không vẽ đường đi của ô chữ mà điền trực tiếp đáp án vào bảng kết quả. Còn Việt Hoàng có phần bị mất tập trung khi tốc độ giải ô chữ của anh chậm hơn lượt một. Và tuyển thủ người Đức khẳng định được đẳng cấp khi lật ngược tình thế san bằng tỷ số. Các khách mời liên tục vỗ tay cho tính cẩn thận, tỉ mỉ của Simon.
Lượt thi đấu cuối cùng cũng là vòng quyết định kết quả thắng thua. Chàng sinh viên Bách khoa áp lực khi phải chứng tỏ năng lực của mình xứng đáng với sự kỳ vọng của hội đồng giám khảo Siêu trí tuệ. Vừa hết thời gian ghi nhớ, Việt Hoàng đầy tự tin khi lập tức viết ra đáp án lên bảng trong khi Simon vẫn đang loay hoay vẽ lại đường đi của ô chữ.
Việt Hoàng được giám khảo khoa học Trần Thành Nam đánh giá cao về khả năng phân tích logic. |
Chàng sinh viên Bách khoa đã bứt phá chốt đáp án chỉ sau hơn 3 phút. Thế nhưng Việt Hoàng đã phạm phải sai lầm khi điều chỉnh đáp án dù đã bấm chuông. Và điều này đồng nghĩa với vi phạm luật thi. Ê-kíp chương trình và hội đồng ban giám khảo đã cùng bàn luận để đưa ra quyết định cho trận đấu.
Cuối cùng, ban giám khảo quyết định Việt Hoàng đã phạm quy và điểm số của vòng 3 đã thuộc về tuyển thủ người Đức. Điều này đồng nghĩa với việc Simon Reinhard giành chiến chung cuộc. Trận đấu này không chỉ gây tiếc nuối cho Việt Hoàng mà còn là một bài học cho chàng sinh viên 19 tuổi khi tham gia thi đấu quốc tế.
Đức Phước chiến thắng đối thủ xoay rubik lừng danh Nhật Bản
Ở vòng Tuyên chiến, Đức Phước đã chiến thắng Ngọc Thịnh để trở thành thành viên của Biệt đội Siêu trí tuệ. Anh cũng là đại diện thi đấu rubik với Yu Sajima - đại diện đến từ Nhật Bản.
Đức Phước giành chiến thắng thuyết phục trước đại diện đến từ Nhật Bản. |
Cả hai sẽ bước vào thử thách Rubik thần tốc. Có 10 khối rubik đã được xáo trộn trong khu vực thi đấu, mỗi người đứng ở hai cực và di chuyển để đuổi theo đối phương. Trong thời gian 7 phút, nhiệm vụ của người chơi là đưa các khối rubik đã xáo trộn về vị trí nguyên bản và ngược lại. Trận đấu sẽ kết thúc khi có một người đuổi kịp người còn lại.
Bước vào lượt thi đấu đầu tiên, cả hai đều nắm được yêu cầu nên nhanh chóng xoay rubik. Tuy nhiên, Yu Sajima trượt tay đánh rơi khối rubik khiến phần thi gián đoạn. Đại diện Nhật Bản cho biết vì cảm nhận được đối thủ đang ở sát phía sau nên anh căng thẳng đến toát mồ hôi và làm rơi khối skewb.
Giám khảo quốc tế Vương Phong đưa ra đề nghị sửa lại khối rubik và giữ nguyên hiện trạng ban đầu để tiếp tục thi đấu. Anh cũng yêu cầu phạt bên phạm lỗi phải thi lại sau 3 giây. Tiếp tục lượt đấu, Đức Phước tăng tốc để đuổi theo đối thủ nhưng Yu Sajima đã kịp tạo ra khoảng cách an toàn.
Trong không khí thi đấu căng thẳng, đại diện của Nhật Bản lại phạm phải sai lầm khi dùng 2 tay để xử lý khối 3x3 One Hand (chơi bằng một tay). Cho nên chiến thắng ở lượt đấu đầu tiên thuộc về Đức Phước.
Cả hai luôn bám sát đối thủ trong khoảng cách sít sao. |
Yu Sajima nhanh chóng lấy lại phong độ ở lượt thi thứ 2. Đứng trước đối thủ gấp đôi tuổi đời, kinh nghiệm thi đấu phong phú nhưng tuyển thủ 14 tuổi vẫn bình tĩnh và tập trung hết mình vào phần thi. Kết thúc 7 phút thi đấu, cả hai đều có số lượng rubik bằng nhau nên tỷ số hòa cho lượt đấu này.
Để giành chiến thắng, Đức Phước phải giữ vững tỷ số hòa hoặc chiến thắng hoàn toàn. Còn phía Yu Sajima, anh phải chiến thắng để có cơ hội bước sang hiệp thi đấu phụ. Trận đấu càng thêm gay cấn khi khoảng cách của 2 tuyển thủ luôn sít sao.
Bằng mọi nỗ lực, Đức Phước đã bứt phá khi đuổi kịp đối thủ trong gang tấc và giành chiến thắng tuyệt đối. Cậu bé 14 tuổi đã ghi chiến thắng đầu tiên cho Biệt đội Siêu trí tuệ Việt Nam tại vòng Giao hữu quốc tế.