NSND Bạch Tuyết: "Nhạc điệu, ý thơ, tính văn chương, điển tích văn học và hơn hết là cái thần, là ý tình luôn tràn đầy trong hàng trăm, hàng ngàn tác phẩm của ông vua vọng cổ. Chi tiết, tâm lý, tính cách nhân vật ở mỗi tác phẩm của soạn giả Viễn Châu dù là ở một vở tuồng hay chỉ qua một bài vọng cổ đều rất tròn đầy, nhất là đâu ra đấy, vua ra vua, dân ra dân, người nghèo khổ khác người sang trọng… không hề lẫn lộn. Chính vì thế những bài vọng cổ của “ông vua” không ngai này luôn ngọt ngào, nhẹ nhàng đi vào lòng người nghe, khiến họ rung cảm và nhớ mãi".
NSND Lệ Thủy: “Có thể nói bác Viễn Châu là người phát hiện khả năng của tôi từ hồi 13, 14 tuổi, bắt đầu từ vở Quan Âm Thị Kính.
Mỗi lần đưa tôi vào phòng thu, bác phải bắc ghế cho tôi đứng lên ca, rồi đánh nhịp, chỉ bảo cho tôi luyến láy. Từ đó đến nay, đi ca ở đâu người ta cũng yêu cầu tôi hát bài của bác, mà hát lên là khán giả đều thuộc làu như Cô hàng chè tươi, Bạch Thu Hà, Cô gái bán sầu riêng, Tình đẹp mùa chôm chôm...
Không chỉ riêng tôi mà rất nhiều nghệ sĩ khác cũng được bác viết theo kiểu “đo ni đóng giày” để phát huy sở trường. Bác là người góp phần tạo nên tên tuổi của nhiều nghệ sĩ lớn”.
NSND Viễn Châu chúc mừng NSƯT Diệu Hiền. |
NSND Diệu Hiền: “Hai bài ca cổ của thầy (Tần Quỳnh khóc bạn, Trụ vương thiêu mình) hỗ trợ cho cuộc sống của tôi đến ngày hôm nay, vì mời tôi biểu diễn là thế nào ban tổ chức cũng yêu cầu hai bài này. Thầy có khả năng làm thơ, viết văn, còn là một danh cầm nổi tiếng (đàn tranh, người trong nghề thường gọi là danh cầm Bảy Bá) nên bài thầy viết chân chất, mộc mạc, dễ ca, dễ nhớ, giàu tính nhân văn và ca từ rất ý nghĩa nên dễ dàng đi vào lòng người”.
NSND Ngọc Giàu: “Không có Viễn Châu là không có Ngọc Giàu cũng như gần hết các tên tuổi cải lương nổi tiếng của cải lương thời hoàng kim. Hồi mới 12-13 tuổi, ông đã viết cho tôi bài Áo tình đắp mộ người yêu để tôi thu dĩa và nổi tiếng từ đấy. Nhiều nghệ sĩ khác thời còn con nít như tôi cũng được nổi tiếng nhờ những bài ca của chú Bảy đo ni đóng giày…”.
NSƯT Phương Quang (hát Ông lão chèo đò, Tình anh bán chiếu...): “Ông không những chỉ dạy cho tôi về nghề nghiệp mà còn truyền cả vốn sống. Thương nhất là bất kể lúc nào, dù đang ngủ, đang mệt hay có công chuyện mà học trò nhờ chỉ bài là ông bật dậy chỉ dẫn nhiệt tình. Trong làng cải lương, chắc khó có người thứ hai như ông!”.