Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bài bào chữa nhân văn vụ giết, cướp chủ tiệm vàng đồng tính

Trong phiên xét xử 3 kẻ giết ông chủ tiệm vàng đồng tính, cướp 2,8 tỷ đồng cuối năm 2014, nhiều người dự khán đã rơi nước mắt khi nghe bài bào chữa nhân văn của luật sư.

Sự hối hận muộn màng

Theo cáo trạng, sau nhiều lần quan hệ đồng tính, Phạm Ngọc Anh biết anh Nguyễn Hiếu Học (chủ tiệm vàng Hiếu Học tại thị trấn Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) quản lý nhiều tài sản một mình nên nảy sinh ý định cướp tài sản. Ngọc Anh rủ thêm Nguyễn Văn Long và Nguyễn Văn Tốt cùng thực hiện hành vi. Chúng gọi điện rủ anh Học quan hệ đồng tính. Khoảng 23h30 ngày 26/8/2013, Tốt chuẩn bị hung khí là hai con dao cho Long và Anh đến nhà anh Học.

Trong lúc quan hệ tình dục, lợi dụng anh Học sơ hở, Long và Anh đã dùng dao đâm anh Học tử vong. Sau đó, Long và Anh mở tủ chiếm đoạt tiền, vàng và chiếc xe máy SH. Tổng giá trị tài sản chiếm được là 2,8 tỷ đồng. Sau khi gây án, chúng lấy tiền rủ bạn bè ăn chơi, tiêu xài và cho người thân. 

Ba bị cáo trước vành móng ngựa.
Ba bị cáo trước vành móng ngựa.

Chiều 6/9/2013, công an tỉnh Đồng Nai đã bắt hai nghi can Nguyễn Văn Long, Phạm Ngọc Anh (cùng ngụ tỉnh Đắc Lắc) khi cả hai đang trốn tại Hạ Long, Quảng Ninh. Ngày 27/9/2013, Nguyễn Văn Tốt được gia đình vận động ra đầu thú.

Trong phần bào chữa, luật sư Trương Tiến Dũng (Đoàn luật sư tỉnh Đồng Nai) được Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Đồng Nai phân công bào chữa cho 3 bị cáo Nguyễn Văn Long, Phạm Ngọc Anh, Nguyễn Văn Tốt - nói: "Đây là vụ án làm rúng động cả thị trấn Trảng Bom, nhân dân thì phẫn nộ và giận dữ, dư luận thì lên án, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình an ninh trật tự địa phương. 

Qua nghiên cứu, hồ sơ tài liệu có trong vụ án và qua phần xét hỏi công khai tại phiên tòa hôm nay, các bị cáo đều khai nhận hành vi phạm tội của mình… Do đó tôi không tranh luận về tội danh mà VKS đã truy tố. Ở đây tôi chỉ trình bày về nguyên nhân, hoàn cảnh phạm tội của các bị cáo và những tình tiết giảm nhẹ để HĐXX xem xét khi lượng hình…"

Tôi đã đi về quê hương xa xôi của 2 bị cáo ở xã Ea Phê và Vụ Bổn, huyện Krông Păc, tỉnh Đăk Lăk. Tại đây, tôi ngạc nhiên khi chứng kiến cuộc sống nghèo nàn, khốn khó của gia đình bị cáo Phạm Ngọc Anh. Đó là một ngôi nhà không phải là nhà, lều cũng không phải là lều trên tổng diện tích 16 m2, tường gồm gạch, cây và lá chen nhau thưa thớt, mái ngói cũ kỹ xiêu vẹo, gió bay phần phật, nhà không có chỗ ngủ chỉ là cái bồn chứa lúa làm giường, chứa đựng 6 con người gồm cha mẹ và 4 anh em của bị cáo…

Tại đây, tôi cũng biết thêm, cha mẹ Phạm Ngọc Anh đã chia tay từ khi bị cáo còn nhỏ, đây là một thiệt thòi lớn cho bị cáo khi thiếu vắng bàn tay chăm sóc, ấm áp của mẹ hiền. Bị cáo sống với cha là một người tử tế làm nghề nông và sau này có thêm mẹ kế, học đến lớp 9 rồi nghỉ. Tôi cũng biết thêm bị cáo có làm nghề sửa chữa xe máy, nhưng cũng chỉ là lây lất, bị cáo cũng có bạn nhưng hiền ít, dữ nhiều hay tụ tập đi chơi.

Di ảnh chủ tiệm vàng được người thân mang tới phiên tòa.
Di ảnh chủ tiệm vàng được người thân mang tới phiên tòa.

Còn đối với bị cáo Nguyễn Văn Long, cha bị bệnh tai biến nằm một chỗ, mẹ cũng bị bệnh. Khi nghe tin con mình phạm tội, bệnh tình của hai người còn nặng nề hơn. Gặp tôi, người cha nằm bất động, im lặng, nghẹn ngào, người mẹ chỉ biết khóc, cũng không nói được lời nào. 5 anh em trong nhà đều đã có cuộc sống riêng. 

Bị cáo Long cũng học đến lớp 9 rồi nghỉ. Bị cáo Long vào Trảng Bom sinh sống với mục đích tìm việc làm để cải thiện cuộc sống, nhưng không có tay nghề nên đành thất nghiệp. Tôi thấy rằng, do không biết tiếp thu và chọn lọc một cách đúng đắn các mối quan hệ tổng hòa nên nhận thức của các bị cáo bị khiếm khuyết, chệch hướng và mất đi ít nhiều tính "bổn thiện", như ông bà ta thường nói "gần mực thì đen, gần đèn thì sáng" và hậu quả là dẫn đến hành vi phạm tội bị xét xử tại phiên tòa hôm nay.

Tuy nhiên, qua nhiều lần tiếp xúc với hai bị cáo, tôi đã thấy 2 bị cáo rơi nước mắt, 2 bị cáo cũng không thể hiểu nổi vì sao có hành vi nguy hiểm như vậy, giờ chỉ biết ăn năn hối cải, lương tâm cắn xé, dày dò, ân hận thì đã muộn màng. Hai bị cáo giờ chỉ mong gia đình người bị hại tha thứ, mong mọi người tha thứ, mong cha mẹ và anh chị em trong gia đình tha thứ. 

Tôi ngậm ngùi tiếc cho hai bị cáo, khi tuổi đời còn quá trẻ - mới 23 tuổi, bao ước mơ bị tan vỡ theo dòng thác đại ngàn của núi rừng Tây Nguyên. Sau khi bị bắt, sự "thiện tâm" đã trở về trong lòng của mỗi bị cáo. Chính sự "thiện tâm" đó, hai bị cáo đã thành khẩn khai báo, không quanh co chối tội, làm cho việc điều tra vụ án được thuận lợi.

Cần cái nhìn bình thường về người đồng tính

Trong vụ án này, nạn nhân là người đồng tính và đã bị lợi dụng. Vì sao lại bị lợi dụng? Theo tìm hiểu của tôi: Trong thế giới loài người, từ lâu chúng ta chỉ biết có thế giới đàn ông và thế giới đàn bà, chúng ta đã quên đi một thực thể sống động khác là người đồng tính mà như nhiều người nói là thế giới thứ ba. Khoa học giới tính chỉ ra rằng, thế giới thứ ba đó cũng có bản chất và cuộc sống bình thường như bao người khác, họ cũng có vui, buồn, giận hờn, yêu ghét..., họ cũng lao động, kinh doanh làm ra của cải cho xã hội, đặc biệt là họ có năng khiếu về sinh hoạt văn hóa.

Hãy nhìn lại xem có biết bao nhiêu người là nhà thơ, nhà văn, ca sĩ, diễn viên và cả những người trí thức, nổi tiếng là người đồng tính, họ còn có khiếu làm đẹp cho người như làm tóc, làm bếp, trang điểm... Thế nhưng, nhiều người trong chúng ta lại có cái nhìn khác về họ, chính cái nhìn khác đó đã làm cho họ bị tự ti, mặc cảm, sống khép kín, ẩn mình, không dám công khai giới tính với mọi người, vì vậy mọi hành vi liên quan đến giới tính, họ bí mật, kín đáo. Kẻ xấu đã lợi dụng sự bí mật, kín đáo đó mà có những hành vi nguy hiểm cho họ, điển hình là trong vụ án này khi hai bị cáo Long và Anh không phải là người đồng tính.

Nước mắt của em gái bị cáo Ngọc Anh.
Nước mắt của em gái bị cáo Ngọc Anh.

Tôi giả định rằng, nếu nạn nhân không phải là người đồng tính hoặc là người đồng tính chăng nữa mà được xã hội xem như một thực thể sống động như chúng ta, được công khai giới tính và sống thật với giới tính của mình, thì có lẽ vụ án đã không xảy ra, bởi người có ý định phạm tội với người đồng tính không có cơ hội lợi dụng và trong vụ án này, nếu nạn nhân được công khai giới tính và sống thật với giới tính của mình được xã hội thừa nhận thì có lẽ hai bị cáo mà tôi bào chữa cũng khó có thể thực hiện hành vi phạm tội.

Đặt giả định này, tôi không đổ thừa cho ai mà tôi chỉ muốn nêu quan điểm và suy nghĩ của mình. Bởi luật pháp của chúng ta đã có những điểm tiến bộ và cởi mở trong Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 cho người đồng tính. Đó là, quy định "Cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính" của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 đã bị bãi bỏ bởi Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 với kết luận: "Không thừa nhận hôn nhân giữa những người đồng tính".

Kẻ giết chủ tiệm vàng nhếch mép cười khi bị đề nghị tử hình

Khi bị VKSND đề nghị án tử hình cho tội ác đã gây ra, hung thủ máu lạnh bất ngờ nhếch mép cười khiến hàng trăm người dự khán phẫn nộ.

Không thừa nhận, tức là không cấm, pháp luật của chúng ta quy định rằng, công dân được quyền làm những gì mà pháp luật không cấm. Như vậy, do không thừa nhận về mặt pháp lý nên pháp luật không can thiệp khi tranh chấp xảy ra giữa hôn nhân đồng giới, tranh chấp ở đây là tranh chấp về mối quan hệ hôn nhân của họ, đó là tiếp tục sống chung hay ly hôn. Tuy nhiên, nếu có tranh chấp về tài sản hoặc về phi tài sản thì vẫn được pháp luật bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho họ theo quy định của pháp luật.

Chính sự tiến bộ này của pháp luật, một người đồng tính đã gặp tôi trước phiên tòa nói rằng, quy định mới của pháp luật là dành cho chúng em, cho em mượn câu hát này nói với luật sư: "Mùa xuân đâu chỉ có hoa thơm và nắng đẹp, mà cuộc đời này còn có cả những… nụ hôn". Tôi cho rằng, câu nói đầy hình tượng này đã nói lên nguyện vọng chính đáng của họ, bởi tạo hóa sinh ra con người là để kết nối yêu thương, vậy thì vì lý do gì mà chúng ta ngần ngại không yêu thương họ. Và nếu được như vậy, tôi tin rằng vụ án đã không xảy ra và các bị cáo mà tôi bào chữa có thể sẽ không phạm tội.

Kết thúc phiên tòa, TAND tỉnh Đồng Nai đã tuyên phạt Nguyễn Văn Long (22 tuổi) tử hình tội giết người, chung thân tội cướp tài sản, tổng hình phạt là tử hình; Phạm Ngọc Anh (23 tuổi) tử hình về tội giết người, chung thân về tội cướp tài sản, tổng hợp hình phạt là tử hình; Nguyễn Văn Tốt (20 tuổi) 20 năm tù về tội giết người và cướp tài sản.

http://laodong.com.vn/phap-luat/bai-bao-chua-nhan-van-trong-vu-an-quan-he-dong-tinh-giet-nguoi-cuop-28-ti-dong-284604.bld

Theo Minh Châu/Lao Động

Bạn có thể quan tâm