Đề thi vào lớp 10 môn Ngữ văn:
Bài giải gợi ý của thầy Lý Tú Anh , THPT Vĩnh Viễn:
Câu 1:
a. Tác hại của rác thải nhựa đối với cuộc sống:
- Ảnh hưởng tiêu cực đến hệ sinh thái
- Làm ô nhiễm môi trường đất, nước
- Gây nguy hại cho nguồn lợi thủy hải sản
- Tác động xấu đến sức khỏe con người.
b. Thành phần biệt lập được sử dụng trong đoạn cuối văn bản 2: chắc chắn. Đó là thành phần tình thái.
c. Hai văn bản trên đều nói về vấn đề rác thải nhựa.
- Văn bản 1 đề cập đến tác hại của nó.
- Văn bản 2 đề cập đến các giải pháp mà các chính phủ Scotland, Anh, Đài Loan đã thực hiện để hạn chế việc sử dụng các sản phẩm từ nhựa. Đồng thời đề cập đến các hoạt động của một số tổ chức xã hội, nhiều bạn trẻ Việt Nam trong việc hành động nhằm giảm rác thải nhựa.
d. Có nhiều giải pháp để giảm ô nhiễm rác thải nhựa : Cấm sản xuất, kinh doanh một số sản phẩm từ nhựa; tính phí với túi nhựa như ở Anh; Cấm sử dụng các loại ống hút nhựa tại các chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh (Đài Loan). Tuy nhiên, theo em giải pháp hiệu quả nhất để giảm ô nhiễm rác thải nhựa ở nước ta là tái chế rác thải nhựa thành những vật dụng có ích và tìm các nguyên liệu thay thế cho các sản phẩm đang sử dụng nhựa. Đây là biện pháp hiệu quả nhất vì nó vừa đáp ứng nhu cầu chính đáng của người sử dụng, vừa có tính khả thi và hạn chế được tối đa tác hại của rác thải nhựa.
Câu 2:
Thí sinh cần đáp ứng yêu cầu của câu hỏi: trình bày suy nghĩ của mình được gợi lên từ vấn đề đã nêu trên trong phạm vi khoảng một trang giấy thi. Thí sinh có thể triển khai suy nghĩ của mình theo những cách thức cụ thể khác nhau. Sau đây là một số gợi ý để tham khảo:
* Yêu cầu chung : thí sinh biết kết hợp kiến thức và kỹ năng về dạng bài nghị luận xã hội để tạo lập văn bản. Bài viết phải có bố cục đầy đủ, rõ ràng; văn viết có cảm xúc; diễn đạt trôi chảy, đảm bảo tính liên kết; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.
* Yêu cầu cụ thể:
a. Giới thiệu vấn đề: Ba hình ảnh trong đề thi đề cập đến mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái. Đó là một vấn đề tự nhiên, gần gũi, cần thiết và hết sức quan trọng của con người trong phạm vi gia đình.
b. Giải thích ý nghĩa của ba hình ảnh:
- Hình 1: thể hiện sự che chở, bao bọc của cha mẹ với con cái.
- Hình 2: thể hiện sự chia sẻ, gắn bó giữa cha mẹ với con cái.
- Hình 3: thể hiện quan hệ bình đẳng và độc lập.
c. Phân tích và chứng minh giá trị của ba yếu tố quan hệ giữa cha mẹ và con cái
- Quan hệ che chở, bảo bọc: làm cho người con dễ có cảm giác được cha mẹ yêu thương và cha mẹ có cảm giác làm tròn nghĩa vụ đối với con cái. Tuy nhiên, mối quan hệ này dễ làm cho cha mẹ có thái độ độc đoán, áp đặt đối với con, làm cho người con dễ có thói quen dựa dẫm, ỷ lại, thụ động, không biểu hiện được năng lực, suy nghĩ, cá tính riêng. Điều này rất có hại cho con cái khi cha mẹ không còn hoặc khi con cái trưởng thành, phải sống xa cha mẹ.
- Quan hệ bình đẳng, độc lập theo hình ba: có những cái lợi đối với người con. Thông thường đó là quan điểm của Tây phương. Người con độc lập, tự lập, bình đẳng với cha mẹ ngay từ nhỏ. Do đó, con cái sẽ trưởng thành sớm, có khả năng vững vàng khi bước vào đời. Tuy nhiên, do độc lập, thiếu sự nâng đỡ từ người lớn, thiếu kinh nghiệm nên con cái dễ dàng bị vấp ngã nặng nề, khá đau đớn. Quan hệ giữa cha mẹ và con cái không được thấm thiết như truyền thống Phương Đông.
- Quan hệ chia sẻ, gắn bó như biểu hiện của hình hai: vừa phù hợp với truyền thống Phương Đông, vừa có giá trị tốt nhất. Trong mối quan hệ này, cha mẹ vẫn thể hiện được tình cảm yêu thương, che chở, bảo bọc cho con cái mà con cái cũng đồng thời có được sự độc lập, có khoảng trời riêng cho cuộc sống của mình. Điều này giúp cho cha mẹ và con cái luôn luôn có sự gắn bó với nhau trong đó cha mẹ với kinh nghiệm, khả năng và tình yêu thương có thể chia sẻ và mang đến cho con cái những lời khuyên, những chỉ dạy, những điều tốt đẹp nhất. Con cái cũng gắn bó với cha mẹ, cũng tận dụng được những ưu thế của cha mẹ để bản thân độc lập, phát huy được năng lực riêng, ước mơ, hoài bão riêng mà không bị áp đặt như kiểu quan hệ thứ nhất hay đơn độc như kiểu quan hệ thứ ba.
d. Để tạo được mối quan hệ chia sẻ, gắn bó, cha mẹ cần có nhận thức và thái độ yêu thương nhưng tôn trọng con cái với tư cách là một con người có quyền sống riêng. Còn con cái cũng cần nhận thức được tình cảm yêu thương của cha mẹ đối với mình, kính trọng cha mẹ, hiếu thảo, vâng lời nhưng cũng đồng thời thấy bản thân mình có suy nghĩ, tình cảm và quyền sống riêng phù hợp với đặc điểm của con người mình để một mặt yêu thương gắn bó với cha mẹ, một mặt vẫn có đời sống độc lập của riêng mình. Nhiều bi kịch giữa cha mẹ và con cái đã xảy ra. Phần lớn do cha mẹ quá che chở, bao bọc đối với con cái hoặc để con cái quá độc lập khi tuổi đời của chúng còn quá non trẻ, chưa đủ sức đối phó với sóng gió của cuộc đời.
e. Kết luận : Giữa cha mẹ và con cái, từ xưa đến nay có rất nhiều kiểu quan hệ khác nhau. Tuy nhiên, qua thực tế, chúng ta cần thấy sự gắn bó, chia sẻ trên cơ sở của tình cảm yêu thương đó là điều tốt nhất cho cả cha mẹ và con cái.
Câu 3:
Đề 1:
Yêu cầu chung: Thí sinh phải biết kết hợp kiến thức và kỹ năng làm bài nghị luận văn học: Cảm nhận về một đoạn thơ trong bài thơ “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” của Phạm Tiến Duật. Sau đó liên hệ với một tác phẩm khác về đề tài người lính để thấy được nét gặp gỡ của hai tác giả khi viết về đề tài này. Bài viết có bố cục đầy đủ, rõ ràng; văn viết có cảm xúc; thể hiện khả năng cảm thụ văn học tốt; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.
Gợi ý:
Mở bài:
- Giới thiệu vài nét về nhà thơ Phạm Tiến Duật, một trong những nhà thơ tiêu biểu của thơ ca Việt Nam hiện đại trong thời chống Mỹ.
- Giới thiệu bài thơ Bài thơ về tiểu đội xe không kính, một thi phẩm thể hiện đặc sắc hình ảnh người lính lái xe vận tải trên đường mòn Trường Sơn trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ. Hình ảnh đó được thể hiện rõ trong hai khổ thơ sau (trích dẫn hai khổ thơ được nêu trong đề bài).
Thân bài:
Phần 1: Cảm nhận về hai khổ thơ trên
+ Giới thiệu vị trí của hai khổ thơ: Hai khổ đầu của bài thơ.
+ Cảm nhận về hình ảnh người lính trong hai khổ thơ trên:
· Có một giọng điệu riêng, ngang tàng, lí sự khi đề cập đến chiếc xe vận tải không có kính mà bản thân có trách nhiệm lái: Không có kính không phải vì xe không có kính / Bom giật bom rung kính vỡ đi rồi.
· Nhận thức rõ sự khó khăn khi lái những chiếc xe không có kính trên đường mòn Trường Sơn trong giai đoạn chiến tranh: Gió vào xoa mắt đắng.
· Nhưng bao trùm lên tất cả là một người lính có thái độ hiên ngang, có tinh thần lạc quan qua :
- Phong thái ung dung, bình thản khi lái xe không kính: Ung dung buồng lái ta ngồi
- Phát hiện ra những điều thú vị khi lái những chiếc xe không kính ấy : Nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng; Thấy sao trời và đột ngột cánh chim / Như sa như ùa vào buồng lái. Và đặc biệt nhất là Nhìn thấy con đường chạy thẳng vào tim (con đường vì Miền Nam phía trước, vì nhiệm vụ cách mạng, vì tấm lòng yêu nước sâu sắc của những người lính thời chống Mỹ).
· Những đặc điểm nói trên được thể hiện trong hai khổ thơ với những nét đặc sắc về nghệ thuật: điệp từ ngữ, liệt kê, giọng điệu, hình ảnh,…
Phần 2: Liên hệ với tác phẩm khác cũng viết về đề tài người lính: Bài Đồng chí của nhà thơ Chính Hữu.
- Giới thiệu vài nét về nhà thơ Chính Hữu và hoàn cảnh sáng tác bài thơ Đồng Chí.
- Cảm nhận về hình ảnh người lính trong bài thơ Đồng chí: xuất thân từ nông dân, yêu nước nên tham gia chiến đấu. Trong chiến đấu, những người lính cùng chia sẻ những khó khăn gian khổ, cùng chung lí tưởng nên trở thành những đồng chí thân thiết với nhau, sát cạnh bên nhau trong nhiệm vụ chiến đấu, trong ước mơ hòa bình.
Phần 3: Nét gặp gỡ của hai tác giả khi viết về đề tài người lính:
- Mỗi tác giả, mỗi hình ảnh người lính có nét đặc sắc riêng.
- Điểm chung của hai nhà thơ khi viết về đề tài người lính: chất liệu lấy từ hình ảnh hiện thực cuộc sống, gian khổ của người lính; cảm hứng sáng tác xuất phát từ sự trân trọng và đồng cảm với cuộc sống gian khổ, tinh thần lạc quan, thái độ hiên ngang của người bộ đội Việt Nam dù đó là người vệ quốc quân của thời chống Pháp hay người giải phóng quân của thời chống Mỹ.
Kết bài: Khẳng định người lính là một đề tài lớn của thơ ca Việt Nam và thế giới. Mỗi sáng tác có những nét đẹp riêng mang tính độc đáo riêng nhưng tác phẩm nào cũng tràn đầy chất hiện thực và tình cảm mãnh liệt của người sáng tác. Do đó nó để lại trong lòng người đọc bốn phương những rung động, những ấn tượng sâu sắc vừa bi hùng, vừa lãng mạn. Những tác phẩm về người lính đánh thức tình yêu đối với quê hương và khát vọng được sống trong hòa bình.
Đề 2:
Yêu cầu chung: Thí sinh phải biết kết hợp kiến thức và kỹ năng làm bài nghị luận văn học: phân tích một số tác phẩm văn học tự chọn để nói lên những trải nghiệm, những thu hoạch mà bản thân học sinh có được khi đọc tác phẩm văn học với tinh thần “Những ngọn lửa nhóm lên từ trang sách”. Bài viết có bố cục đầy đủ, rõ ràng; văn viết có cảm xúc; thể hiện khả năng cảm thụ văn học tốt; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.
Gợi ý:
Mở bài: “Học, học nữa, học mãi” là một câu nói khẳng định rằng việc học là cần thiết cho mọi cuộc đời và mọi thế hệ. Việc học của tuổi trẻ thường có được từ sách vở. Đọc sách là một cách học chủ yếu của học sinh. Đặc biệt, những tác phẩm văn học góp phần làm giàu kiến thức, nuôi dưỡng tâm hồn, hình thành nhân cách cho tuổi trẻ. Đôi khi có những quyển sách làm thay đổi rất nhiều cuộc đời và rất nhiều số phận. Chính vì thế đã có “Những ngọn lửa nhóm lên từ trang sách”.
Thân bài:
- Giải thích “Những ngọn lửa nhóm lên từ trang sách”: Đọc và sống với một tác phẩm văn học, người đọc sẽ tiếp thu được nhiều điều quý báu từ kinh nghiệm, kiến thức, tư tưởng, cảm xúc của tác giả… có những tác phẩm đánh thức trong chúng ta những khát vọng lớn lao, những tình yêu cao đẹp đối với quê hương, cha mẹ, bạn bè, đồng loại và thiên nhiên…
Có những tác phẩm hun đúc trong ta một ý chí sắt thép và sự quyết tâm để đi đến thành công và đạt được những mục tiêu cao cả. Có những trang sách làm chúng ta khóc, có những trang sách làm chúng ta cười, có những trang sách làm chúng ta đau, có những trang sách làm chúng ta sướng, có những trang sách đọc một lần mà suốt đời không bao giờ quên. Chính vì vậy, có những trang sách đã nhóm lên trong tâm hồn và tinh thần của con người những ngọn lửa không bao giờ tắt.
- Phân tích chứng minh những bài học, trải nghiệm mà học sinh có được từ việc đọc các tác phẩm văn học về các mặt như kiến thức, tư tưởng, kinh nghiệm, cách mô tả và diễn đạt những vấn đề trong cuộc sống, tâm lý nhân vật, miêu tả phong cảnh…Ngọn lửa ở đây như một ẩn dụ của một công cụ thắp sáng, soi đường, hun đúc, tạo nên sức mạnh, nghị lực, niềm đam mê, tình yêu thương...
Phần này mỗi học sinh sẽ có những trình bày cụ thể riêng. Học sinh có thể trình bày những trải nghiệm riêng của mình khi nhập vai với những nhân vật trong tác phẩm. Chỉ cần những điều được nêu phù hợp, đúng với tác phẩm được đề cập.
- Học sinh có thể bàn luận thêm về cách đọc tác phẩm văn học để có được kết quả tốt nhất (lựa chọn tác phẩm phù hợp với lứa tuổi, với mơ ước, với lý tưởng; đọc với tinh thần tập trung, sống với thế giới nghệ thuật của tác phẩm). Cho những ví dụ cụ thể về những ngọn lửa đã được nhóm lên trong lòng mình khi đọc sách.
Chẳng hạn, những ngọn lửa trong những tác phẩm văn học lớp 9 là: tình yêu đối với quê hương, gia đình, thiên nhiên, những tấm gương về sự hy sinh cao đẹp, chẳng hạn như những nhân vật trong Lặng lẽ Sapa của Nguyễn Thành Long, Những ngôi sao xa xôi của Nguyễn Minh Châu, Chiếc lược ngà của Nguyễn Quang Sáng …
- Bên cạnh những tác phẩm văn học trong nhà trường, có những tác phẩm, những tác giả không có trong chương trình văn học nhưng đã bổ sung kiến thức, làm giàu tư tưởng của bản thân và thắp lên những ngọn lửa đẹp đẽ trong tâm hồn người đọc.
Nhờ việc đọc sách, chúng ta có thể hình dung được người Trung Hoa, người Mỹ, người Nga, người Pháp, người Ý, người Đức… đã sống, chiến đấu, học tập, yêu thương, đau khổ và hạnh phúc… như thế nào. Việc đọc sách đóng một vai trò quan trọng trong việc hình thành nền văn hóa và văn minh của một dân tộc.
- Việc đọc sách rất quan trọng cho việc hình thành nhân cách của thế hệ trẻ, do đó đòi hỏi trách nhiệm của những người chọn lựa việc đưa tác phẩm văn học vào sách giáo khoa cần phải thận trọng hơn. Mong rằng có nhiều ngọn lửa chân thiện mỹ hơn trong những trang sách giáo khoa để học sinh Việt Nam có thể có những ấn tượng đầu đời đẹp đẽ, thanh cao và đứng đắn.
Kết bài: Mỗi tác phẩm văn học đều có những giá trị riêng về nội dung và nghệ thuật mang lại cho người đọc những trải nghiệm, những thông điệp, những lắng đọng, những suy nghĩ, những trăn trở… Do đó, người đọc cần có sự lựa chọn khôn ngoan và chủ động để việc biến những trang sách thành những ngọn lửa thắp sáng tương lai trong hành trình hoàn thiện tư tưởng và hình thành tính cách.
“Không có những gì mình thích thì hãy thưởng thức những gì mình đang có”. Hãy biến những trang sách văn học thành những ngọn lửa thắp sáng niềm đam mê, tình yêu và khát vọng cao đẹp để trở thành một con người có ích.