Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bài hát 'Cây treo cổ' gây sốt: Sức hút từ khúc bi ai

Qua giọng ca mộc mạc của diễn viên Jennifer Lawrence, ca khúc "The Hanging Tree" đã lay động khán giả xem phim "Húng nhại" phần 1.

Ca từ The Hanging Tree (Cây treo cổ) trong Húng nhại (phần cuối của Đấu trường sinh tử) do nhà văn Susanne Collins viết trong bộ tiểu thuyết gốc. Khi đưa vào phim, bài hát do nữ diễn viên chính thể hiện, phần nhạc do ban nhạc chuyên dòng rock dân gian The Lumineers sáng tác, được hỗ trợ bởi âm thanh của nhạc sĩ James Newton Howard. Theo Billboard, bài hát đã tạo nên cơn sốt nhỏ sau khi bộ phim ra rạp toàn cầu hôm 20/11.

Cảnh phim đầy cảm xúc của Húng nhại

Ngoài đời, bài hát The Hanging Tree do cha của nhà văn Collins dạy cho bà, khi bà còn nhỏ. Ca khúc xuất phát từ một giai điệu dân gian vùng Appalachia, miền Đông nước Mỹ. Còn trong sách, cha của nhân vật chính Katniss Everdeen (Jennifer Lawrence thủ vai) đã dạy cho cô bài hát này.

The Hanging Tree là một bài hát dân gian bằng tiếng Anh rất quen thuộc. Trong phim, Katniss cất tiếng hát khi đang cùng các đồng đội ngồi bên bờ nước, lên trên nền “nhạc” đặc biệt là tiếng hót của chim húng nhại (loài chim hư cấu). Tiếp sau khung cảnh bình yên đó là cảnh đoàn quân nổi dậy hát đồng ca cùng sự trợ giúp của dàn nhạc giao hưởng.

Jennifer Lawrence vai Katniss trong Húng nhại phần 1.

Giọng hát không trau chuốt của Lawrence nhận được nhiều lời khen. Bên cạnh đó là tài năng của ban nhạc The Lumineers tạo ra giai điệu đầy cảm xúc và nhạc sĩ James Newton Howard với phần nhạc đệm oai hùng.

Trong phim thì vậy, nhưng ngoài đời, đây là cảnh phim mà Lawrence sợ nhất vì cô không quen hát trước đông người. Trong chương trình Saturday Night Live, nữ diễn viên kể: “Tôi đã khóc trước khi quay cảnh phim ngày hôm đó. Tôi nói với đoàn làm phim là có thể để Lorde hát thay, nhưng họ muốn tôi phải hát”.

Nữ ca sĩ Lorde là người chọn lọc và hát một số bài trong album nhạc phim của Húng nhại. Nhưng có lẽ giọng hát của Lawrence tạo ra nhiều cảm xúc hơn, bởi với một giai điệu như The Hanging Tree thì sự mộc mạc chân thực lại cần thiết hơn kỹ thuật điêu luyện.

Lời ca bi kịch và sâu sắc

Phiên bản điện ảnh không giải thích nhiều về ý nghĩa của bài hát đối với cuộc đời của Katniss, nhưng trong sách, điều này được nói rất rõ. Khi Katniss còn nhỏ, cô đã được cha dạy hát The Hanging Tree. Khi người mẹ phát hiện ra điều này, bà đã cấm đoán 2 cô con gái vì ca từ bài hát quá bi kịch. Nhưng chính sự cấm đoán đó đã khiến Katniss nhớ như in từng câu chữ của bài hát.


Khi còn nhỏ, Katniss không hiểu ý nghĩa của bài hát. Nhưng đến thời niên thiếu, cô hiểu ra rằng bài hát kể về đôi tình nhân hẹn nhau bên gốc cây treo cổ để bỏ trốn. Cuộc trốn chạy không thành và người con trai bị treo cổ đầy oan trái. Lời bài hát cũng là lời chàng trai kêu gọi người con gái đến bên gốc cây và treo cổ theo anh.

Katniss hiểu được ý nghĩa của bài hát vì cô cũng có một thời thơ ấu gian khổ và chứng kiến nhiều bất công trong xã hội. Điều đó hun đúc nên tinh thần đấu tranh, sau này giúp cô trở thành biểu tượng của cuộc nổi dậy.

Ý nghĩa đó hoàn toàn thích hợp với dụng ý văn chương của Collins trong cuốn sách Húng nhại, tập 3 của bộ tiểu thuyết Đấu trường sinh tử. Nhà làm phim Francis Lawrence đã đưa chi tiết này vào phim rất nhuần nhuyền, tạo nên cảnh phim xúc động. Trong tập này, Katniss bị chia cắt với người cô yêu là Peeta. Peeta bị nhà cầm quyền ở Capitol bắt giữ và tra tấn. Điều này khiến Katniss sống trong dằn vặt và thương nhớ.

Vượt lên khỏi câu chuyện riêng tư, The Hanging Tree trở thành bài đồng ca của quân nổi dậy trong phim. Bài hát cũng được nhắc đến nhiều lần trong bộ sách gốc.

http://thethaovanhoa.vn/video/van-hoa-giai-tri/bai-hat-cay-treo-co-gay-sot-suc-hut-tu-mot-ca-khuc-bi-ai-n20141124100427945.htm

Theo Hạ Huyền/ Thể thao & Văn hóa

Bạn có thể quan tâm