Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bài học ‘đánh kẻ ngã ngựa’ từ vụ Sharapova

Búp bê Sharapova đã dũng cảm đứng lên thừa nhận sai lầm. Cô không đáng phải chịu những lời chỉ trích cay độc.

“Đánh kẻ ngã ngựa bao giờ cũng dễ hơn khi kẻ đó ngồi trên ngựa”. Nếu biết đến câu này, hẳn Sharapova đang rất thấm thía ý nghĩa của nó. Kể từ sau khi bước ra khỏi phòng họp báo với bộ đồ đen và tuyên bố những điều khiến làng thể thao sửng sốt, cô đã bị nửa thế giới quay lưng.

Các nhà tài trợ buộc lòng phải tạm dừng hợp đồng với Sharapova vì nguy cơ tổn hại hình ảnh và kinh tế, đó là lý do rất chính đáng. Nhưng những người đồng nghiệp đã chỉ trích một Sharapova đang ở đáy vực khủng hoảng.

Andy Murray bảo là anh chẳng hiểu vì sao ITF và WTA cho Sharapova tổ chức buổi họp báo. Anh tự hỏi tại sao một VĐV cấp cao lại có thể bị tim mạch mà vẫn thi đấu thường xuyên. Anh quả quyết Sharapova xứng đáng bị phạt.

Đồng quan điểm với Murray là Nadal. Tay vợt người Tây Ban Nha còn nhân cơ hội để chứng minh sự trong sạch của bản thân. Rồi đến Capriati – tay vợt từng 3 lần vô địch Grand Slam đã kêu gọi tước hết toàn bộ danh hiệu của Sharapova.

Sharapova là một tay vợt cô đơn. Theo mô tả của huyền thoại Chris Evert, "Búp bê Nga" gần như không có bạn thân là đồng nghiệp. Cô đã luôn tự cô lập mình so với phần còn lại của làng banh nỉ, cô không thể kết bạn tâm giao với các tay vợt khác, mọi mối quan hệ đều chỉ dừng lại ở mức độ đồng nghiệp. Thế nên không nhiều người đứng ra bảo vệ cô. Những người được hỏi đều tỏ thái độ khá dè dặt.

Sharapova dung doping anh 1
Sharapova đã thừa nhận mọi sai lầm. Ảnh: Getty.

Hôm 10/3, Sharapova viết một bức tâm thư cảm ơn người hâm mộ đã sát cánh cùng cô trong cơn bão tố. Sau vài tiếng, đã có 185 nghìn lượt thích, hơn 7.000 lượt chia sẻ, hơn 16 nghìn bình luận là những lời động viên chân thành.

Nhưng nút like của những con người vô hình trước mắt chưa bao giờ là bàn tay vững chắc để kéo con người ra khỏi vũng lầy khủng hoảng. Rất nhiều cư dân mạng đứng về phía Sharapova bằng bàn phím, nhưng ai sẽ là con người hữu hình ở bên cạnh cô, cùng cô vượt qua cơn bão? Chẳng có ai ngoài cha mẹ cô. Sharapova không có anh chị em vì là con một. Họ hàng lại càng không. Cả nhà Sharapova đã chuyển từ Nyaga sang Sochi năm cô mới hai tuổi rồi vài năm sau thì bay sang Mỹ.

Thế nên, từ sự cô đơn cùng cực của Sharapova, từ những câu bình luận cay nghiệt của Murray, của Nadal, chúng ta lại thấy quý trọng hơn hai tay vợt số một thế giới Novak Djokovic và Serena William. Họ là số một trên bảng xếp hạng và cũng chiếm luôn số một trong cách ứng xử. Tay vợt người Serbia chúc Sharapova những điều tốt đẹp nhất, bày tỏ thông cảm và mong Sharapova vượt qua cú sốc này để trở lại mạnh mẽ hơn.

Serena Williams vốn chẳng ưa gì Sharapova, vậy mà cô đã nêu ra được hành động giúp "Búp bê Nga" xứng đáng được tha thứ và đồng cảm: dám đối mặt với những gì mình làm.

Sharapova cố tình hay vô ý sử dụng meldonium? Không ai biết. Nhưng cái cách cô đứng ra thừa nhận sai lầm cho thấy cô còn dũng cảm hơn nhiều bậc nam nhi khác. Năm 1988, Ben Johnson sau khi chiến thắng bằng chất cấm còn mạnh miệng tuyên bố: “Tôi là Ben Johnson Jr và kỷ lục thế giới tôi lập được sẽ tồn tại trong 50 đến 100 năm nữa”. Khi bị kết tội, Ben vẫn quanh co phủ nhận, cho rằng có người bỏ chất cấm vào đồ ăn của ông. Sau này, huyền thoại chiến thắng bệnh tật Lance Armstrong cũng trốn tránh suốt nhiều năm trời.

Búp bê Sharapova không đáng phải chịu những lời cay độc. Đánh kẻ ngã ngựa rất dễ, đỡ kẻ ngã ngựa mới khó. Đối lập với hàng loạt nhà tài trợ cắt hợp đồng ngay lập tức với Sharapova, vẫn có một nhà tài trợ quyết định gia hạn với cô và ủng hộ cô hết mình.

Từ Sharapova tới Ronaldo và sự cô đơn của ngôi sao

Ngạn ngữ có câu: "Mọi ngôi sao đều cô đơn. Thế nhưng ngôi sao càng cô đơn lại càng tỏa sáng".

Anh Dũng

Bạn có thể quan tâm