Dưới góc nhìn giáo dục, chiến thắng của U23 Việt Nam là bài học trực quan về tinh thần thi đấu mạnh mẽ, vượt qua mọi khó khăn để giành chiến thắng.
Hành trình đã qua tại xứ người của những cầu thủ U23 Việt Nam là câu chuyện nhiệm màu. Những gì các cầu thủ để lại trong từng khoảnh khắc trên sân cỏ là vô cùng nhân văn, xúc động.
Tinh thần vượt lên chính mình của các chàng trai đã vẽ nên "cầu vồng trong mưa tuyết" ở Thường Châu, Trung Quốc. Tỷ số trên sân không có ý nghĩa với những người hâm mộ chân chính, cách các cầu thủ vượt qua nghịch cảnh mới khiến triệu con tim lay động.
Đã có một huyền thoại được viết lên, không đơn giản chỉ là bóng đá, đó còn là bài học về tinh thần đồng đội, ý chí kiên cường và tình yêu, lòng tự tôn dân tộc. Đây cũng chính là những câu chuyện mà các bậc cha mẹ, thầy cô có thể gửi đến những thế hệ trẻ mai này.
Các cầu thủ đã làm nên đốm lửa đỏ giữa mưa tuyết ở Thường Châu, Trung Quốc. Ảnh: VCG. |
Trên mạng xã hội, thạc sĩ Nguyễn Thúy Uyên Phương - người sáng lập TOMATO Children's Home - chia sẻ những bài học dành cho người trẻ từ hành trình của U23 Việt Nam tại đấu trường châu lục.
Nếu tuyết không rơi, sao ta biết mình có thể chơi được tốt đến đâu trong tuyết. Nghịch cảnh không phải là đối thủ, mà là trợ lực để con khám phá giới hạn của mình.
Nữ thạc sĩ khuyên cách con chơi quan trọng hơn kết quả. Cách con sống quan trọng hơn những tài sản thu vén được. Cứ chơi đẹp, sống tốt thì thắng thua được mất thế nào cũng có người nể trọng và yêu quý.
"Muốn gặt hái những thành quả bình thường không thể thiếu sự tôi rèn. Muốn gặt hái những thành công phi thường không thể thiếu niềm tin và ý chí. Kỹ thuật làm nên cầu thủ giỏi, văn hoá làm nên cầu thủ chơi đẹp. Kiến thức làm nên con người giỏi, vốn sống làm nên con người đẹp", bà Phương viết.
Cầu thủ muốn giỏi cần gặp đúng huấn luyện viên. Học trò muốn giỏi cần gặp đúng thầy. Hãy tìm những người thầy dạy con cách hiểu mình và tin vào chính mình, chứ không phải tin vào những chiêu trò, xảo thuật.
Khi cầu thủ đá bóng vì một dân tộc đằng sau lưng, họ trở thành những con người khác. Con cũng có thể trở thành con người khác hạnh phúc và lớn lao hơn, khi con biết sống không chỉ vì bản thân mình.
Cũng chia sẻ dưới góc nhìn giáo dục, PGS.TS Đỗ Ngọc Thống - Ban soạn thảo chương trình môn Ngữ văn mới (Bộ GD&ĐT) - nhận định trong trận chung kết, ông đã có mặt ở SVĐ quốc gia Mỹ Đình, không phải để xem bóng đá mà đi xem lòng yêu nước.
Trong những năm tháng chiến tranh, lòng yêu nước là sự hy sinh xương máu, nói như Xuân Diệu: "Tình yêu Tổ quốc là đỉnh núi, bờ sông / Những lúc tột cùng là dòng huyết chảy"... Nhưng từ khi đất nước hòa bình, mấy khi được chứng kiến hào khí của lòng dân?
Lâu quá rồi, chưa có chủ trương hay phong trào nào kêu gọi mà lại có được lòng yêu nước tự giác của mọi tầng lớp người dân như thế.
"Họ đã khóc như trẻ nhỏ khi trận đấu cuối cùng, vào giây phút cuối cùng của hiệp phụ cuối cùng, đội bóng thân yêu của mình bị ghi bàn, khép lại giấc mơ vô địch… Tôi không biết lúc khác họ thế nào, làm gì, ở đâu… Nhưng với tôi, lúc này họ là người yêu nước. Tôi cũng biết bóng đá và vận nước khác nhau; nhưng tôi vẫn nghĩ như thế là yêu nước", PGS Đỗ Ngọc Thống chia sẻ.
Theo GS.TS Trương Nguyện Thành, Phó hiệu trưởng ĐH Hoa Sen, muốn phát triển tiềm lực của thế hệ trẻ trong đất nước cần môi trường và huấn luyện giỏi. Giống như bóng đá muốn vươn ra đấu trường quốc tế, khoa học và giáo dục Việt Nam cần những "huấn luyện viên", những lãnh đạo có bản lĩnh và tầm cỡ.