Trong 2 ngày 30/4 và 1/5, lượng người đổ đến các điểm du lịch như Vũng Tàu, Phú Quốc, Sa Pa, Đà Lạt… rất lớn.
Việc du khách đổ xô tới các bãi biển, khu vui chơi khiến cửa ngõ ra vào tại nhiều thành phố lớn, cũng như cửa soi chiếu tại những sân bay trở nên tắc nghẽn, việc giữ khoảng cách và tuân thủ quy định không tụ tập theo thông điệp 5K gần như không đảm bảo.
Bãi Sau tại TP Vũng Tàu đông nghẹt người sáng 1/5. Ảnh: Duy Hiệu. |
Cùng với hình ảnh biển người chen chúc, tình trạng “quên” đeo khẩu trang cũng diễn ra tại nhiều nơi. Việc quản lý, hướng dẫn tuân thủ quy định giãn cách còn gặp nhiều khó khăn do số lượng du khách rất đông.
Trên thực tế, nhiều quốc gia tưởng đã thành công trong việc phòng, chống Covid-19 đã phải đón làn sóng bệnh mới, lâm tình trạng vỡ trận vì người dân chủ quan, tụ tập đông người, vội vàng lãng quên "chốt chặn" khẩu trang.
Dửng dưng với khẩu trang
Trong những ngày gần đây, cả thế giới bàng hoàng trước những hình ảnh hàng loạt thi thể phải xếp lần lượt đợi đến lượt hỏa thiêu ở Ấn Độ.
Số lượng ca bệnh mới ở nước này đạt kỷ lục liên tiếp trong những ngày qua. Chưa có dấu hiệu nào cho thấy số ca nhiễm sẽ giảm trong tương lai gần, theo The Washington Post.
Khung cảnh tang thương do Covid-19 gây ra đang bao trùm toàn Ấn Độ. Ảnh: Reuters. |
Trở lại đầu tháng 2, mỗi ngày Ấn Độ chỉ có hơn 13.000 ca nhiễm, thấp hơn cả Đức và Pháp, trong khi dân số lên tới 1,4 tỷ dân.
Đến ngày 29/4, nước này ghi nhận 379.257 ca mắc Covid-19 mới, đánh dấu ngày tồi tệ nhất từ trước tới nay vì đại dịch ở quốc gia tỷ dân.
Các cuộc tụ tập đông người đóng một vai trò vô cùng lớn trong việc phát tán virus tại đất nước này. Các hạn chế phong tỏa và cách ly được cho là đã bị dỡ bỏ quá sớm ở quốc gia đông dân thứ hai thế giới.
Hàng chục triệu người hành hương tham gia các lễ hội của đạo Hindu. Hiếm thấy gương mặt nào đeo khẩu trang hay thực hiện giãn cách xã hội.
Ramanan Laxminarayan, một nhà dịch tễ học tại Đại học Princeton, cho biết: “Mọi người đã lơ là cảnh giác hơn khi Ấn Độ phát động chiến dịch tiêm chủng vào tháng 1. Người dân đã quay lại cuộc sống bình thường, đi du lịch, tổ chức đám cưới linh đình và không thực hiện bất kỳ hạn chế nào, ngay cả việc đeo khẩu trang”.
Cuối tháng 3, lễ hội Holi ở Ấn Độ vẫn được đông đảo người dân đón mừng bất chấp những lo ngại về bùng phát dịch. Ảnh: The Guardian. |
Nghi ngờ tính hiệu quả của khẩu trang
Sau hơn một năm bùng phát dịch bệnh, Mỹ vẫn là quốc gia có số ca nhiễm và ca tử vong lớn nhất thế giới. Thế nhưng, nhiều người Mỹ vẫn còn nghi ngờ các phương pháp phòng chống Covid-19, đặc biệt là tính hiệu quả của khẩu trang.
Đầu tháng 3, khoảng 100 người biểu tình đã đốt khẩu trang trước trụ sở cơ quan lập pháp bang Idaho (Mỹ) nhằm phản đối các lệnh kiểm soát nhằm hạn chế dịch Covid-19 lây lan, theo NBC.
Họ cho rằng một số hạt và thị trấn vẫn bắt người dân đeo khẩu trang dù số người nhiễm virus là rất thấp. Tuy nhiên, số liệu từ Đại học Johns Hopkins cho thấy cứ 4 người tại Idaho xét nghiệm Covid-19 thì có một người cho kết quả dương tính.
Trên thực tế, sự phản đối việc đeo khẩu trang gây chia rẽ xứ cờ hoa trong thời gian dài. Nhiều vụ ẩu đả, bạo lực thậm chí đã diễn ra giữa hai phe đeo khẩu trang và không đeo khẩu trang.
"Việc buộc phải đeo khẩu trang vi phạm quyền riêng tư của tôi. Hơn nữa, tôi nghĩ nó chả có tác dụng đến vậy", Amy, bà mẹ 2 con sống ở bang Ohio, nói với Vox.
Nhóm người biểu tình ở bang Idaho (Mỹ) đốt khẩu trang trước cửa cơ quan lập pháp, trong đó có trẻ em. Ảnh: OPB. |
Thái độ thờ ơ trước bệnh dịch và phủ nhận công dụng khẩu trang của Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro cũng đã đẩy quốc gia Nam Mỹ này vào cơn ác mộng Covid-19.
Brazil, với dân số khoảng 212 triệu người, đang ghi nhận số ca nhiễm và bệnh nhân tử vong vì virus corona ở mức cao nhất từ trước đến nay, theo Bloomberg. Bệnh viện rơi vào tình trạng quá tải. Chính sách chống dịch hỗn loạn, còn nguồn cung vaccine bị hạn hẹp.
Cho đến nay, suy nghĩ chủ quan và hành động bất cẩn vẫn là lý do lớn khiến Covid-19 lây lan.
Thực tế cho thấy thành công trong việc phần nào kiểm soát được dịch bệnh là yếu tố khiến người dân mất cảnh giác, lơ là và dẫn đến những làn sóng bệnh dịch mới.
Chỉ một sơ suất nhỏ đến từ một cá nhân hay tập thể, chẳng hạn như không đeo khẩu trang nơi công cộng, cũng có thể làm mọi nỗ lực dập dịch trước đó tiêu tan.
“Chỉ cần một người lơ là đeo khẩu trang thôi cũng rất nguy hiểm. Đừng nghĩ nguồn lây ở đâu xa, khi đến một nơi đông người, mình đâu biết được người xung quanh đã đi những đâu, tiếp xúc với ai. Một cá nhân lây nhiễm thôi cũng có nguy cơ lan đi rất xa. Cho nên việc mang khẩu trang là điều phải làm”, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm, Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), khẳng định với Zing.