Nhật Minh nhận thư trúng tuyển từ 5 trường đại học Mỹ và cả 5 trường đều đồng ý hỗ trợ học bổng. Ảnh: Ngọc Bích. |
Nguyễn Nhật Minh (18 tuổi) hiện là học sinh lớp chuyên Toán 2, trường THPT chuyên Sư phạm, ĐH Sư phạm Hà Nội.
Mới đây, Minh nhận thư trúng tuyển từ trường Franklin & Marshall College (Mỹ) với suất học bổng 58.400 USD/năm, tương đương 5,6 tỷ đồng cho 4 năm học. Không những thế, cậu cũng liên tục nhận được thư chúc mừng từ 4 trường đại học khác.
“Em từng là đứa không thể định hướng bản thân, không biết mình thích gì, muốn gì. Nhưng hiện tại, kế hoạch đã được vạch rõ. Sau khi kết thúc chương trình THPT, em sẽ theo học ngành Kinh tế tại Franklin and Marshall College và tiếp đến là theo đuổi bằng thạc sĩ tại Mỹ”, Nhật Minh chia sẻ với Zing.
Quả ngọt sau trái đắng
Mãi đến tận cuối năm lớp 11, Minh mới quyết định sang Mỹ học đại học. Chính vì vậy, cậu chỉ có vỏn vẹn 5 tháng để chuẩn bị hồ sơ. Theo Minh, du học Mỹ đối với học sinh Việt rất cạnh tranh, thời gian chuẩn bị như vậy là quá ngắn.
Chưa kể, tài chính là rào cản lớn với nam sinh vì mức sống ở Mỹ rất đắt đỏ, vậy nên cậu càng áp lực việc tìm trường có mức hỗ trợ lớn. Minh phải bắt đầu mọi thứ cùng lúc, đặt ra yêu cầu bản thân phải chủ động và quyết tâm cao để hoàn thành mục tiêu.
“Tháng 4/2022, em quyết định đi Mỹ, ngay sau đó, em bắt đầu ôn tập và thi IELTS, SAT. Cùng với đó, em tham gia các hoạt động ngoại khóa và tìm hiểu, chọn lọc các trường trong khả năng. Tháng 10/2022, em đã bắt đầu gửi hồ sơ đi", Minh chia sẻ khoảng thời gian chuẩn bị nộp hồ sơ, có nhiều thứ chưa ưng ý, 3 ngày liên tiếp, cậu phải ngủ tại trung tâm để kịp hoàn thiện.
Cuối cùng, ngoài Franklin & Marshall College, nam sinh đỗ hàng loạt ngôi trường tại Mỹ khác như Centre College (học bổng 38.600 USD/năm), The College of Wooster (học bổng 48.000 USD/năm), Gettysburg College (61.000 USD/năm), Rhodes College (42.000 USD/năm).
Dù vậy, lá thư từ Rhodes College lại đem đến cho Minh nhiều cảm xúc nhất bởi đây là “phát súng” đầu tiên của em trong kỳ tuyển sinh. Trước đó, nam sinh đã nhận tới 7 bức thư từ chối.
“Nhiều trường từ chối, từ bậc cao đến thấp, em không tránh khỏi việc nghi ngờ năng lực bản thân. Em tự hỏi liệu Mỹ có phải môi trường thích hợp với mình hay không? Nhưng ‘phát súng đầu tiên' đã giúp em giải tỏa mọi lo lắng, chán nản và tự tin hơn", Minh bộc bạch.
Thời gian chuẩn bị hồ sơ ngắn, Nhật Minh phải “lên dây cót” cho bản thân. Ảnh: Ngọc Bích. |
Bài luận về bà nội
Nhật Minh thừa nhận bộ hồ sơ học thuật của mình không quá đẹp khi đạt IELTS 7.0, SAT 1430/1600, GPA 9.3 và không có nhiều giải thưởng. Vì vậy, cậu bổ sung các giấy tờ chứng minh bản thân tham gia hoạt động ngoại khóa, thể hiện kỹ năng lãnh đạo, hoạt động thiện nguyện, kèm theo thư giới thiệu từ giáo viên chủ nhiệm…
Tuy nhiên, Minh cho rằng yếu tố quyết định giúp cậu chinh phục học bổng của các trường chính là bài luận 650 chữ được viết trong 2 tháng. Nội dung cốt lõi được xây dựng xuyên suốt chính là câu chuyện giữa em và bà nội.
“Ngày bé, em là đứa trẻ bướng bỉnh, luôn có mâu thuẫn thế hệ và văn hóa với bà nội. Đó cũng là khởi nguồn cho việc em đánh mất kết nối giữa bản thân và văn hóa Việt Nam. Em luôn mong muốn ra nước ngoài và chuộng văn hóa bên ngoài hơn", Minh nói.
Mâu thuẫn ngày càng lớn cho đến khi Nhật Minh học cấp 3, bà em bị bệnh và sau đó mất khả năng đi lại. Có một khoảng thời gian, Minh không dám đối diện vì luôn nhớ đến những gì đã làm với bà.
“Thời điểm Hà Nội giãn cách toàn thành phố do dịch Covid-19, em có nhiều thời gian ở nhà, trò chuyện cùng bà. Khi đó, em mới thấy được nỗi buồn của bà và nhận ra sự quan trọng của văn hóa gia đình, văn hóa truyền thống”, nam sinh kể lại.
Câu chuyện với bà cũng chính là động lực để Minh thực hiện các dự án và tham gia hoạt động ngoại khóa liên quan đến văn hóa truyền thống Việt Nam. Từ đó, cậu học được nhiều thứ và trưởng thành hơn.
"Em thành lập một câu lạc bộ về múa rối nước, tổ chức các chương trình liên quan đến hoạt động văn hóa, đồng thời tham gia một dự án khác về vải chàm sáp ong - một loại vải của người dân tộc Dao Tiền", Minh nói.
Nhìn lại quá trình tìm kiếm cơ hội du học, dù còn nhiều nuối tiếc, Nhật Minh nhận ra bản thân đã trưởng thành hơn rất nhiều.
Trước đó, xung quanh em luôn có bố mẹ, thầy cô giúp đỡ. Minh chưa từng tự định hướng cho bản thân, luôn để thời gian trôi qua lãng phí và không thể nghĩ bản thân có thể làm nhiều việc một lúc.
“Nhớ ngày học lớp 10, việc làm hồ sơ thi THPT vẫn do bố mẹ em chuẩn bị. Nhưng hiện tại, với quá trình chuẩn bị du học, em phải chủ động, tự giác trong mọi việc. Em bắt đầu biết suy nghĩ về tương lai và có trách nhiệm với bản thân. Em biết kiên nhẫn lắng nghe, biết yêu thương gia đình hơn. Đây là trải nghiệm quý giá mà em có được", Minh chia sẻ.
Bốn năm tới, Minh đặt mục tiêu hoàn thành chương trình cử nhân và thạc sĩ tại Mỹ. Nam sinh cho hay sẽ cố gắng đạt nhiều thành tích nổi bật trong học tập và tìm cơ hội đi học trao đổi tại Anh và Australia trong một vài kỳ.
Tiếp nối những hoạt động, dự án đã thực hiện, trong quá trình du học, Minh sẽ tiếp tục lên kế hoạch quảng bá về văn hoá người Việt đến với bạn bè quốc tế.
Những cuốn sách dành cho người đứng trước cánh cửa nghề nghiệp
Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc một số cuốn sách về chủ đề nghề nghiệp, hướng nghiệp, dành cho những bạn trẻ đang băn khoăn trước cánh cửa nghề nghiệp hay người trưởng thành quan tâm đến sự biến đổi nghề nghiệp trong xã hội hiện đại.
Chiến đạo giống cuộc đối thoại, gợi mở các câu hỏi của cuộc đời, giúp người trẻ chủ động định hướng nghề nghiệp, kiến tạo tương lai.
Eight - 8 cách làm chủ trí thông minh nhân tạo: “Đa số công việc mà công viên chức đang phụ trách cuối cùng đều sẽ bị thay thế bởi trí thông minh nhân tạo", cuốn sách này sẽ giải đáp câu hỏi đó.