Tôi cũng viết một vài lời khuyên dành cho em. Câu chuyện này cũng là sự băn khoăn của tôi về việc dạy văn, học văn qua nhiều thế hệ học trò.
“Cỗ máy” nghiền kiến thức
Những lần ngồi trong phòng chấm thi, tôi thật sự thất vọng vì có rất nhiều bài viết na ná giống nhau. Học sinh thường nghĩ rằng học văn mẫu là một trong những cách đối phó hữu hiệu nhất để không bị trượt môn Văn.
Có thể nói Văn là môn khơi gợi sự sáng tạo ở học sinh nhiều nhất, nhưng cũng là môn vô tình khiến các em trở thành những “cỗ máy” khô khan nhất.
Cứ đến kỳ thi, học sinh của tôi, đặc biệt những em không tự tin với môn Văn, thường lên mạng copy những bài làm văn hay, in ra rồi học thuộc lòng.
Một số em còn học thuộc chục bài văn mẫu, để khi vào phòng thi, sau khi phát đề, chỉ cần lục lại bộ nhớ và viết ra toàn bộ những gì đã học. Tôi thường bảo với học sinh, đó gọi là thao tác “chép văn” chứ không phải cảm nhận và phân tích một tác phẩm văn học.
Nếu từ trong nhà trường, giáo viên khuyến khích học sinh học Văn một cách tự nguyện và hào hứng, sau này các em sẽ làm việc hết mình và biết trân trọng những sản phẩm trí tuệ do mình tạo ra. Ảnh minh họa: H.A. |
Các lớp luyện thi thường cung cấp nhiều mẫu mở bài, kết bài, thậm chí các đoạn thân bài cho sẵn. Học sinh chỉ cần chọn một trong số các mẫu ấy, chép lia lịa trong phòng thi là ổn. Đương nhiên, cũng có nhiều em luôn cố gắng biến nội dung tham khảo thành lời văn của mình. Nhưng các bài viết ấy thường thiếu mạch lạc khi phải kết nối những cách hành văn khác nhau.
Hiện nay, nhà sách bán nhiều sách tham khảo, với các tựa đề như: 270 đề & bài văn mẫu, 150 bài văn hay… ở hầu hết cấp học. Thời đại công nghệ cũng cho phép các em tra cứu tài liệu thuận tiện hơn. Có hàng trăm website đăng tải bài văn hay của học sinh giỏi các cấp. Với một vài từ khóa đơn giản, chưa đầy một phút, học sinh có thể tìm ra hàng loạt bài viết bay bổng và dạt dào cảm xúc.
Vì thế, các em chẳng cần phải nhọc công nghe giảng hay rèn luyện kỹ năng viết, vẫn có thể viết được những bài văn hoàn thiện. Chỉ có điều, các bài viết ấy không phải công sức sáng tạo và sản phẩm trí tuệ cá nhân.
Với tôi, điều này không chỉ khiến các em vô tình nghĩ rằng việc chép văn mẫu là bình thường. Hệ quả sâu xa hơn, chính suy nghĩ này đã ảnh hưởng đến tương lai của phần lớn giới trẻ, khi tiếp tục học lên những bậc cao hơn.
Tôi từng biết nhiều sinh viên hoàn tất bài tiểu luận hay khóa luận tốt nghiệp bằng cách cắt ghép một cách tinh vi ở tài liệu này một vài dòng, ở báo cáo kia một đoạn.
Không ít bạn chọn cách sử dụng tài liệu tham khảo thứ cấp, tức là chép lại nội dung được trích dẫn trong một bài nghiên cứu nào đó, chứ không trực tiếp tìm hiểu từ tài liệu ấy. Vì vậy, kỹ năng thu thập kiến thức, năng lực nghiên cứu và phân tích vấn đề của sinh viên hiện nay không thực sự tốt, chưa kể đến hiện tượng đạo văn, kể cả trong các luận văn, luận án. Nếu xét kỹ, việc chép văn mẫu hay đạo văn còn liên quan đến vấn đề sở hữu trí tuệ và phạm trù đạo đức.
Để không triệt tiêu sự sáng tạo
Ngày 13/8 vừa qua, trong hội nghị tổng kết năm học 2020-2021, triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022, Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu: “Vì có quá nhiều việc cần phải làm để giáo dục tốt hơn, nên những việc gì có thể thực hiện được ngay, đề nghị các thầy cô chúng ta cùng điều chỉnh luôn. Một trong các việc đó là chấm dứt học theo văn mẫu, bài mẫu, dẫn tới triệt tiêu sự sáng tạo của thầy và trò”. Đây cũng là một bài tập lớn dành cho giáo viên chúng tôi trong năm học này.
Một lần, học sinh hỏi tôi: “Con đánh từ khóa này lên mạng nhưng không tìm ra gợi ý nào hết cô ơi”. Vì đề bài tôi đưa ra gần như chưa có trên các trang giải đề. Sau đó, em đã hoàn thành tốt bài tập, vượt xa kỳ vọng của tôi. Đặc biệt hơn, em không hề phụ thuộc vào một tài liệu tham khảo nào.
Một năm học khác, tôi gợi ý đề tài khá mới để học sinh tìm hiểu và trình bày. Sau buổi học, các em sẽ viết lại đoạn văn nghị luận, dựa trên nội dung do chính bản thân vừa thuyết trình xong. Bài làm nộp về đều là những ý kiến, nhận định và chia sẻ mà tôi chưa từng đọc trong bất kỳ bài văn nào trước đó.
Với tác phẩm văn học, giáo viên có thể kết hợp các bài cùng chủ đề, khơi gợi ở các em sự cảm nhận sâu sắc khi gắn nội dung với vấn đề thực tế. Ngoài ra, sơ đồ tư duy cũng là một công cụ để hệ thống kiến thức, tránh tình trạng học thuộc lòng nhưng không biết cách diễn đạt, hoặc chỉ cần quên một đoạn, học sinh không thể hoàn thành được bài thi.
Riêng những kiến thức dùng cho kỳ thi THPT, học sinh vẫn nên học phần trích dẫn từ tác phẩm, ôn kỹ nội dung chính, để có thể triển khai bài viết từ dàn ý chung. Bên cạnh đó, các kỳ thi nên ra đề theo hướng mở, chú trọng việc khuyến khích học sinh nêu quan điểm của mình, không nên rập khuôn theo một mẫu cho sẵn.
Để không triệt tiêu sự sáng tạo, đòi hỏi chính giáo viên và học sinh phải sáng tạo không ngừng. Thông qua những hoạt động mới lạ mỗi ngày, học sinh sẽ yêu thích môn học và được truyền cảm hứng hơn.
Tôi từng nhận những cuốn tạp chí, tập truyện ngắn, bài thơ, bài hùng biện được thực hiện với tâm huyết và niềm đam mê. Không ít em đã chia sẻ ước mơ trở thành nhà văn, nhà báo, nhà biên kịch… khi nói về nghề nghiệp tương lai của mình.
Tôi hoàn toàn ủng hộ việc nhiều trường đại học áp dụng các công cụ phát hiện đạo văn. Vì điều này giúp người học từ bỏ ý định tham khảo từ nhiều nguồn để hoàn thành một sản phẩm “chắp vá”.
Nhưng quan trọng hơn, nếu từ trong nhà trường, giáo viên khuyến khích học sinh học Văn một cách tự nguyện và hào hứng, sau này các em sẽ làm việc hết mình và biết trân trọng những sản phẩm trí tuệ do mình tạo ra.