Nhiều thí sinh chọn thi ĐGNL để tăng khả năng đỗ vào trường đại học mong muốn. Ảnh: Duy Hiệu. |
“Vừa kết thúc chương trình lớp 11, em quyết định thi đánh giá năng lực (ĐGNL) để tăng khả năng đỗ vào trường mong muốn. Từ tháng 6/2022, em bắt đầu tự ôn kiến thức và luyện đề cho đến nay”, Trần Nhật (học sinh lớp 12 tại Quảng Ngãi) cho biết em đã xin rút khỏi đội tuyển học sinh giỏi để tập trung ôn tập cho kỳ thi ĐGNL do Đại học Quốc gia TP.HCM tổ chức.
Giống như Nhật, Lê Hồng Nhung (học sinh lớp 12 tại Hà Nội) cũng dự định thi ĐGNL để lấy kết quả xét tuyển đại học. Nữ sinh đang cân nhắc đăng ký thi ĐGNL của Đại học Quốc gia Hà Nội ngay đợt cuối tháng 3.
Lên kế hoạch ôn tập nhưng không biết đúng hay sai
Chia sẻ với Zing, Nhung cho biết trước đó, em có tham gia thi thử. Do chưa ôn tập, Nhung đạt 86 điểm và nhận thấy phần kiến thức khối xã hội bị hổng khá nhiều. Vì vậy, ngoài việc học trên lớp, ngay tuần đầu tiên sau nghỉ Tết, mỗi ngày, Nhung dành 2 tiếng đồng hồ tự ôn tập, kế hoạch ôn sẽ đan xen giữa lý thuyết và luyện đề.
Đặt mục tiêu đạt trên 100 điểm, Nhung khá lo lắng khi các môn xã hội không phải lợi thế của em, chưa kể thời gian ôn tập không còn nhiều, chỉ khoảng gần 2 tháng nữa.
“Về các môn tự nhiên, em khá tự tin vào kiến thức đã có. Vì vậy, trong khoảng 2-3 tuần tới, em tập trung ôn các môn xã hội trước. Thời gian còn lại, em sẽ ôn các phần khác và kết hợp làm đề thi. Em cũng dự định mua thêm khóa luyện đề với bạn để làm quen và thành thạo", Nhung nói.
Nhung khá tự tin vào kiến thức các môn tự nhiên của mình. Ảnh: NVCC. |
Theo Nhung, khối lượng kiến thức trong kỳ thi khá lớn, ngoài học trong sách giáo khoa, Nhung thường tìm kiếm tài liệu, các bộ đề trên mạng để tham khảo.
Tuy nhiên, nữ sinh lo lắng việc ôn tập nhiều môn như vậy khiến em bị loãng kiến thức, lơ là các môn thi THPT. Thời gian này, Nhung thường học tới 0h, giảm bớt thời gian ôn tập kiến thức trên lớp và tăng thời gian ôn tập cho kỳ thi ĐGNL. Nữ sinh hy vọng kế hoạch học tập này sẽ giúp em đạt kết quả tốt trong kỳ thi sắp tới.
Tương tự Nhung, Nhật cũng tập trung nhiều thời gian để ôn thi ĐGNL (2 giờ/ngày). Tuy nhiên, phải mất 3 tháng đầu, Nhật mới khám phá ra cách học đúng.
“Trước đây, em luyện đề một cách thụ động, chỉ in ra, khoanh rồi tra đáp án chứ không tìm hiểu phương pháp giải. Cách luyện đề lúc trước cũng không theo quy củ, khi nào thích thì làm, phần nào dễ làm trước, phần nào khó thì nhắm mắt khoanh đại. Có khi, em mất 1-2 tuần mới giải xong một đề”, Nhật cho hay đến tháng 9/2022, em mới tá hỏa vì giải rất nhiều đề nhưng kiến thức chẳng đọng lại bao nhiêu.
Nữ sinh này sau đó đã mua tài liệu, giáo trình tham khảo trên mạng rồi tự khoanh vùng kiến thức cho mình. Theo đó, giáo trình bao gồm lý thuyết và cả đề thi thử (có đáp án, lời giải, ví dụ và phân tích lỗi sai thường gặp của học sinh), khác với đề hay làm trước đó, chỉ có đáp án mà không có lời giải.
“Sau thời gian ôn theo sách, em thấy mình tiến bộ hơn. Em đã giải được những phần thường khoanh mò trước đây. Không chỉ thế, em còn ghi nhớ được cách giải và áp dụng cho những câu hỏi tương tự”, Nhật cho biết điểm thi thử tháng 11/2022 (830+ điểm) tăng 310+ điểm so với tháng 6/2022 (520 điểm).
Kiến thức trong bài thi ĐGNL không yêu cầu nhớ nhiều hay học tủ
Trao đổi với Zing, GS.TS Nguyễn Tiến Thảo, Giám đốc Trung tâm Khảo thí, ĐH Quốc gia Hà Nội, cho biết bài thi ĐGNL của Đại học Quốc gia Hà Nội nhằm xác định 3 nhóm năng lực đầu ra theo chương trình THPT, bao gồm: tư duy định lượng toán học; tư duy logic - ngôn ngữ; khám phá vận dụng khoa học tự nhiên và khoa học xã hội.
Trong khi đó, theo TS Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo - Đại học quốc gia TP.HCM, bài thi ĐGNL của nhà trường đánh giá năng lực học đại học cơ bản của thí sinh THPT bao gồm năng lực sử dụng ngôn ngữ (tiếng Việt, tiếng Anh), năng lực xử lý số liệu, tư duy logic và năng lực giải quyết vấn đề (KHXH, KHTN).
“Đề thi sẽ cung cấp rất nhiều số liệu và dữ kiện để thí sinh thể hiện năng lực của mình, thay vì yêu cầu thí sinh phải nhớ nhiều, thuộc nhiều. Thí sinh nào có khả năng thu thập, tổng hợp, xử lý, phân tích thông tin sẽ có khả năng hoàn thành bài thi tốt”, ông Chính nói và cho rằng thí sinh muốn vượt qua kỳ thi cần có năng lực thật, được rèn giũa trong suốt 3 năm học THPT.
Thầy Chính cho hay kỳ thi ĐGNL yêu cầu thí sinh phải có năng lực được hình thành và rèn luyện lâu dài. Ảnh: Đại học Quốc gia TP.HCM. |
Để thí sinh nắm rõ cấu trúc, nội dung bài thi, Đại học Quốc gia TP.HCM đưa ra rất nhiều thông tin cũng như đề thi mẫu. Thí sinh chỉ cần tham khảo cấu trúc bài thi, học đều tất cả các môn, đọc nhiều, hiểu nhiều, tổng hợp, tư duy, giải quyết vấn đề, xử lý vấn đề tốt sẽ đạt điểm cao trong kỳ thi.
Đồng quan điểm, đưa ra lưu ý với thí sinh, GS.TS Nguyễn Tiến Thảo nhấn mạnh trước khi ôn tập, thí sinh cần xác định sẽ sử dụng kết quả bài thi ĐGNL để xét tuyển vào trường đại học nào, từ đó lên kế hoạch ôn tập nghiêm túc, nắm chắc chương trình cơ bản, chương trình THPT.
“Ngữ cảnh sử dụng trong đề thi rộng, không chỉ có trong sách giáo khoa, không có giới hạn, việc các em ôn mẹo, học tủ không giải quyết được bài thi đánh giá năng lực. Vì vậy, quá trình ôn tập buộc các em phải nắm chắc kiến thức để ứng dụng giải quyết vấn đề”, ông Thảo lưu ý.
Ngoài ra, thí sinh nên làm bài thi tham khảo để làm quen với cách đặt câu hỏi, cách vận dụng từ mức độ hiểu biết cho đến vận dụng cao và tư duy.
“Trước khi lên kế hoạch ôn tập, thí sinh nên làm bài thi tham khảo để đánh giá năng lực, tìm ra phần chưa ổn để ôn luyện bổ khuyết thay vì ôn luyện tràn lan. Trước ngày thi, các em cũng nên làm bài thi tham khảo một lần nữa để nắm được cách sắp xếp câu hỏi, sắp xếp thời gian làm bài, vững tâm lý khi làm bài thi”, ông Thảo nói.
Lưu ý làm bài
Trong quá trình làm bài thi, ông Thảo nhắc nhở thí sinh cần kiểm soát thời gian bằng cách phân bổ thời lượng đọc câu hỏi, hình dung xem đó là câu hỏi dễ hay khó, câu hỏi vận dụng hay tư duy, có thể bỏ qua câu khó để làm câu tiếp theo, quay lại làm khi còn đủ thời gian. Ở những câu hỏi dễ, thí sinh cố gắng tiết kiệm thời gian nhanh nhất, ngắn nhất để xử lý.
Thầy Thảo khuyên thí sinh cần phân bố thời gian hợp lý trong quá trình làm bài. Ảnh: Đại học Quốc gia Hà Nội. |
Một số đề bài có phần đặt câu hỏi tương tự nhau, thí sinh có thể đọc lướt qua để tập trung vào những phần số liệu, từ khóa trong đề.
Ngoài ra, với những câu hỏi phần định lượng hoặc phần khoa học, thí sinh buộc phải tìm ra đáp án chính xác thì mới được điểm. Phần tư duy định tính sẽ có nhiều câu hỏi đánh lạc hướng, gây phân vân cho thí sinh. Trong trường hợp này, thí sinh cần tự tin, lựa chọn đáp án phù hợp nhất sau khi loại bỏ các đáp án bị nhiễu hoặc trái chiều.
Lưu ý, điểm bài thi được tính dựa trên tổng số câu trả lời đúng, các câu trả lời sai không bị trừ điểm. Vì vậy, thí sinh cần cố gắng trả lời đủ tất cả các câu hỏi trong khoảng thời gian cho phép của từng phần.
“Sau khi hoàn thành, nếu còn thời gian, thí sinh nên kiểm tra lại các câu trả lời trước khi chuyển sang phần khác bởi sau khi hết thời gian làm bài của phần thi, thí sinh sẽ không thể quay lại phần thi trước để thay đổi câu trả lời”, ông Thảo nhắc nhở.
Sách dành cho thời thanh xuân đã qua của bạn
Dành cho những độc giả muốn hoài niệm về một thời thanh xuân đã qua (hoặc chưa từng qua), mục Giáo dục trân trọng giới thiệu Ai đó chạy cùng ta, câu chuyện về tình yêu, về tuổi trẻ "tuột xích", về hành trình trưởng thành, đặt trong bối cảnh xã hội Israel hiện đại; hay Nắp biển, một lời tự sự của người ưa hoài niệm trong những khoảnh khắc cô đơn chỉ biết nhớ về những điều đã cũ; hoặc thân thuộc hơn, 8 bộ manga nổi tiếng về chủ đề thanh xuân.