Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bài toán con gà và hiệu suất lao động Việt Nam

Bài toán đang tạo tranh luận nhiều chiều, trong đó có các nhà chuyên môn tham gia sôi nổi. Bài toán này có giá trị là bài học về giao tiếp và làm việc.

Cần đến 15 người lao động Việt Nam mới có hiệu suất làm việc bằng một người lao động Singapore, theo ILO (Tổ chức Lao động quốc tế) tại Hà Nội ngày 4/9. Một nguyên nhân quan trọng là người lao động Việt Nam thiếu kỹ năng sống, trong đó có kỹ năng giao tiếp.

Bài toán "con gà" đang gây tranh cãi trên mạng - Ảnh: Internet.

Với bài toán con gà, học sinh phải phát biểu “4x8” hoặc “8x4” là một yêu cầu về trình bày, một kỹ năng giao tiếp, tức một nội dung của khoa học về truyền thông.

4 bài toán tiểu học đơn giản vẫn khiến người lớn tranh cãi

Những bài toán này đều là những dạng đề quen thuộc, ai cũng có thể dễ dàng tìm ra đáp số nhưng lại là nguyên nhân tạo nên nhiều cuộc tranh luận gay gắt.

 

Học sinh phải trải qua ba bước để hoàn tất bài học này: đọc - hiểu, giải và trình bày kết quả. Để làm toán “thuần túy” (tức chỉ với con số), học sinh lớp 3 có thể tính trên giấy nháp 4x8 hoặc 8x4, hoặc nhẩm bảng cửu chương để tìm ra kết quả 32 (có lẽ nhiều người lớn cũng vậy).

Nhưng đến giai đoạn 3, bằng cách viết hoặc nói ra, học trò lớp 3 đối diện với thách thức “trình bày” kết quả làm toán của mình. Đó là một thách thức xã hội: giao tiếp với người khác hiệu quả.

Việc chỉ được chọn một trong hai cách trình bày (4x8 hoặc 8x4) có tác dụng đầu tiên là gây ra một ngạc nhiên, sau đó là chấp nhận chuẩn mực giao tiếp, và về lâu dài giúp tạo ra thái độ biết quan tâm đến người đang giao tiếp, dẫn đến hiệu quả công việc cao.

Theo quy trình giao tiếp, người hỏi đã mã hóa ý tưởng của mình trong từ “con gà” (nhà Lan có bao nhiêu con gà?) và phát đi một kỳ vọng và chờ đợi phản hồi về số con gà (chứ không phải chuồng). Cách phản hồi bắt đầu bằng yếu tố con gà (8 con gà trong mỗi chuồng, mà có 4 chuồng như vậy, vậy tổng số gà là 32 con; viết ra bằng biểu thức toán cũng theo trật tự đó: 8x4=32) đã đáp ứng được kỳ vọng của người hỏi.

Trường hợp đổi vị trí chuồng gà ra trước (4x8) trong câu trả lời buộc người hỏi phải điều chỉnh kỳ vọng để tiếp nhận phản hồi, làm giảm hiệu quả giao tiếp.

Rõ ràng, đây là “bài học” (tích hợp cả kỹ năng sống) chứ không hẳn chỉ là “bài toán” (chỉ cung cấp kiến thức) như hồi lớp 1.

Trên đây là góc nhìn về tính hữu ích của việc tích hợp kỹ năng giao tiếp vào các môn học. Nó có thể được xem xét để áp dụng vào nhiều cấp học, nhằm tạo ra nguồn nhân lực hiệu quả cao sau này.

Tuy nhiên, phép toán nào phù hợp với tuổi nào thì nhà chuyên môn sẽ cân nhắc theo chương trình, giúp các em được thoải mái hơn.

Các kỹ năng sống này khi được lặp đi lặp lại đủ lâu, đủ nhiều sẽ cung cấp cho học sinh cơ hội (và quyền lợi) phát triển kỹ năng nhận thức và hành vi theo hướng làm chủ được chuẩn mực xã hội.

Điều này trong thực tế, giúp người học giảm thiểu nguy cơ “mình nói cách của mình” mặc “thế giới nghe theo cách của họ”, tránh được tình trạng “mình là ngoại lệ”, thoát khỏi tình cảnh “làm cách này” nhưng trình bày “cách khác”.

WB (Ngân hàng Thế giới, 2014) trong một báo cáo riêng về kỹ năng đối với người lao động Việt Nam, còn chi tiết hơn: trên một thang từ 3 tuổi đến hết lớp 12, càng lớn tuổi khả năng hình thành kỹ năng sống càng “mờ” đi, sau lớp 12 là thời kỳ tiếp thu kỹ năng kỹ thuật (nghề nghiệp) tốt hơn.

ILO khuyến cáo các kỹ năng sống cần được rèn luyện từ nhỏ trong trường học.

Vậy, có thể thấy, việc học sinh lớp 3 (khoảng 9 tuổi) rèn luyện kỹ năng giao tiếp không phải là quá sớm.

Học kỹ năng làm việc hiệu quả

Kỹ năng giao tiếp mà học sinh rèn luyện được từ bài toán “con gà” và các kỹ năng sống khác, cùng với kỹ năng nghề nghiệp tạo thành năng lực làm việc hiệu quả.

Người thợ điện theo chuẩn mực quốc tế trong việc đi dây xanh, dây đỏ làm việc hiệu quả hơn so với người thợ khăng khăng xanh hay đỏ gì thì dây cũng dẫn được điện.

Người lao động tôn trọng trật tự dây chuyền sản xuất làm việc với đồng nghiệp hiệu quả hơn người thợ giỏi tranh cãi về tiềm năng hoán đổi các bước.

Người thuyết trình liệt kê tên người hoặc tên nước theo chuẩn mực A, B, C tránh được rất nhiều xích mích ngoại giao, giúp khán thính giả dễ tiếp nhận, dễ tra cứu và dành được thiện cảm hơn.

Những điều này không hề “dìm hàng” tính sáng tạo, trái lại, nhờ làm chủ chuẩn mực mà việc sáng tạo tốt hơn. Thậm chí sáng tạo cũng có chuẩn mực của nó, khác với “lóe sáng” bất ngờ.

Đến 2015, người lao động Việt Nam kém hiệu quả hiện tại sẽ phải cạnh tranh với người lao động ASEAN đang có hiệu quả cao hơn. Đó cũng là bức tranh khuynh hướng chung về cạnh tranh trên toàn cầu mà các học sinh hiện tại sẽ đối mặt trong tương lai không xa lắm.

Vì vậy, học sinh lớp ba có quyền được giáo viên hướng dẫn xác định loại trình bày nào là hiệu quả trong bài học “con gà”. Nếu không có bài học đó, học sinh thiệt thòi.

http://tuoitre.vn/tin/giao-duc/20140909/bai-toan-con-ga-va-hieu-suat-lao-dong-viet-nam/643291.html

Theo Hoàng Nguyễn/Báo Tuổi Trẻ

Bạn có thể quan tâm