Nhóm người có màu mắt khác nhau sống trên đảo. Họ đều là những nhà logic học xuất sắc và không biết màu mắt của mình.
Cứ vào lúc nửa đêm, một chiếc phà sẽ ghé qua đảo. Người đoán đúng màu mắt của mình sẽ rời đảo, những người khác phải ở lại.
Google nổi tiếng là nhà tuyển dụng khắt khe với những câu hỏi suy luận đánh đố ứng viên. Ảnh: Eweek. |
Mọi người có thể thấy màu mắt của người khác và đếm số người có màu mắt giống nhau nhưng không thể trao đổi bằng bất cứ hình thức nào. Cả nhóm đều nắm rõ quy định này.
Nhóm người trên đảo gồm 100 người mắt xanh dương, 100 người mắt nâu và Guru mắt màu xanh lục. Vì thế, người có mắt xanh dương sẽ thấy 100 người mắt nâu, 99 người mắt xanh dương và một người mắt màu xanh lục.
Tuy nhiên, họ không biết số người có màu mắt giống nhau. Nghĩa là, họ có thể nghĩ rằng, 101 người mắt xanh dương, 99 người mắt nâu hoặc 100 người mắt nâu, 99 người mắt xanh dương còn mình mắt đỏ.
Guru được phép nói chuyện một lần vào một ngày trong chuỗi năm tháng dài đằng đẵng ấy.
Trước mặt các cư dân trên đảo, cô ấy nói: "Tôi có thể nhìn thấy người có mắt xanh dương".
Vậy, ai đã rời hòn đảo và vào đêm nào?
Người ra đề khẳng định không đánh lừa mà yêu cầu suy luận một cách hợp lý. Nó không phụ thuộc vào sự mập mờ trong cách dùng từ, không đoán mò. Những người trên đảo không có gương hay bất cứ thứ gì có thể phản chiếu hình ảnh của họ.
Người giải không cần phải nghĩ đến những giả thiết lách luật như dùng ám hiệu cho người khác biết màu mắt của mình.
Guru cũng không ra hiệu bằng mắt với bất cứ ai. Cô chỉ đơn giản truyền tới các thành viên một thông điệp duy nhất: "Tôi đếm ít nhất một người trên đảo có mắt xanh dương và người đó không phải tôi".
Đương nhiên, câu trả lời "không ai có thể rời khỏi đảo" không phải là đáp án chính xác.
Đây là câu hỏi nghiêm túc và phức tạp. Không ai có thể đưa ra câu trả lời một cách nhanh chóng và dễ dàng mà họ phải thực sự hiểu biết, tư duy logic và kiên nhẫn trong quá trình suy luận.