Trong bài kiểm tra số 7 vừa qua, cô Nguyễn Thị Lâm - giáo viên dạy Ngữ văn trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (TP HCM) ra đề bài cho học sinh: "Nhạc sĩ Trần Lập đã qua đời ở tuổi 42, nhưng những gì đã viết, cách anh sống vẫn còn mãi với người ở lại. Cho nên điều quan trọng không phải anh sống bao lâu mà anh sống như thế nào? Anh/chị có đồng ý như vậy không?".
Bài viết của Bùi Như Mai – học sinh lớp 11CA3 được cô giáo Lâm đánh giá cao với lời nhận xét và thông điệp ấm áp: "Hiểu và bàn luận giải quyết vấn đề tốt. Hãy sống tích cực, tử tế hết mức có thể, không cần gì cả, chỉ cần mình thấy vui là đủ rồi".
Mai chia sẻ: “Cố nhạc sĩ, ca sĩ Trần Lập khiến em yêu quý và ngưỡng mộ ở lối sống đáng tự hào, một nghệ sĩ tận hiến cho cuộc đời”.
Nữ sinh bày tỏ, bài viết là những suy nghĩ đã ấp ủ từ trước. Khi làm văn, Mai để cảm xúc được giãi bày trên trang giấy.
Trước đó, bài văn về mẹ dắt con ngồi trên xe máy đi trong mưa của Như Mai khiến nhiều người xúc động.
Bài viết của Như Mai. |
Bài viết 9 điểm của Như Mai:
Trưa 17/3, nhạc sĩ Trần Lập đã trút hơi thở cuối cùng sau thời gian kiên trì chống lại căn bệnh ung thư quái ác. Anh đi, để lại bao nước mắt, đau thương cho người ở lại. Anh đi, để lại bao xót xa cho một trái tim nồng hậu nhưng lại phải chia lìa thế gian quá sớm.
Anh sống cả đời là một người truyền lửa, những gì anh đã viết, cách anh đã sống mãi cổ vũ cho thế hệ mai sau. Anh mất, nhưng hình ảnh của anh sống mãi trong trái tim những người ở lại, bởi điều quan trọng không phải là anh sống bao lâu mà là anh sống như thế nào? Và đó cũng là bài học cho mỗi chúng ta, những người còn được thức dậy mỗi sớm mai, rằng phải sống sao cho đáng sống.
Được sinh ra trên đời đó là một ân huệ của tạo hóa. Người ta không có quyền lựa chọn nơi được sinh ra hay không nhưng bù lại, chúng ta có quyền được quyết định những gì mình sẽ làm với cuộc đời.
Và, để cuộc đời không trôi qua phí hoài, chúng ta chỉ có một lựa chọn đó là sống có ích. Nếu đã giúp ích cho đời, thì dù anh ra đi ở tuổi đôi mươi hay lúc tóc bạc, anh cũng không thấy hổ thẹn với đời.
Câu nói truyền lửa của Trần Lập.
Graphic: KHT |
Sống có ích không hề dễ, đó là một quá trình cần nhiều nỗ lực và ý chí. Đầu tiên sống có ích là sống có mục tiêu. Anh muốn trở thành người như thế nào? Anh muốn làm thành tựu gì? Anh muốn giúp đỡ ai? Anh muốn xây dựng thế giới như thế nào?
Mọi mục tiêu dù nhỏ nhặt hay to lớn, đều được cân nhắc cẩn thận. Vì đó sẽ là những mũi tên hướng dẫn chúng ta đi đúng hướng. Những mục tiêu rõ ràng, chi tiết còn là động lực để chúng ta phấn đấu mỗi ngày.
Chẳng hạn, nếu anh muốn nghiên cứu một loại vắc xin cho căn bệnh hiểm nghèo, đó sẽ là mục tiêu của đời anh, và để đạt được điều đó, anh cần thực hiện những mục tiêu như cố gắng học thật giỏi, nghiên cứu thật nhiều sách báo.
Nếu mỗi ngày điều duy nhất anh quan tâm chỉ là trong bữa cơm có món gì, hôm nay trời nắng hay mưa thì liệu mười năm, hai mươi năm nữa, hay thậm chí đến khi nhắm mắt xuôi tay, anh đã làm được điều gì lớn lao chưa? Tại sao phải sống như thế làm gì cho hoài phí, khi mà: Đã mang tiếng ở trong trời đất/Phải có danh gì với núi sông.
Khi đã xác định được con đường mình phải đi, hãy cố gắng làm tốt bổn phận hết sức có thể. Nếu bạn là học sinh, hãy học thật giỏi. Nếu bạn là bác sĩ, hãy chữa bệnh hết mình. Nếu bạn là nhạc sĩ, hãy sáng tác những khúc nhạc mang niềm vui đến cho mọi người.
Những mục tiêu mà bạn đề ra chỉ trở nên thiết thực khi bạn cố gắng thực hiện ra nó. Nếu không, sớm muộn gì tất cả cũng rơi vào quên lãng.
Thế gian không cần những ham muốn nửa vời, ảo tưởng. Thế gian cần những hành động, quyết tâm. Bản thân mỗi chúng ta đã là một món nợ, nợ trời đất đã sinh ra, vì thế trước khi ra đi, cần phải để lại cho đời một dấu ấn. Có như vậy mới có thể thanh thản mà đi, mới không phụ lòng thiên hạ.
Sống có ích, cuối cùng chỉ đơn giản là sống biết yêu thương. Thực ra, mọi điều chúng ta làm, mọi điều chúng ta mơ ước chẳng phải đều vì chúng ta yêu thương mọi người hay sao?
Kiếm một công việc tốt là yêu thương cha mẹ, không phụ công lao cha mẹ nuôi lớn mỗi ngày. Giúp người hoạn nạn, từ thiện quyên góp xây trường cho trẻ em nghèo là yêu thương con người đó thôi.
Con người vốn dĩ được xem là cao cấp hơn động vật, là bởi vì chúng ta có tình yêu. Tình yêu khiến chúng ta vươn lên, khiến chúng ta quyết tâm sống thật tốt.
Vì tình yêu, Trần Lập đã viết nên những bài hát cổ vũ bao thế hệ. Vì tình yêu có rất nhiều người đang cần mẫn cố gắng hàng ngày, để những người thương yêu họ được hạnh phúc. Sống một đời không có tình yêu thì khác chi động vật. Sống một đời không có tình yêu thì sẽ chẳng thể nào trả hết món nợ đời, bởi:
Nếu là con chim chiếc lá
Con chim phải hót, chiếc lá phải xanh
Lẽ nào vay mà không trả
Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình.
Từ xưa đến nay có rất nhiều người ra đi ở tuổi đời còn trẻ, những công lao của họ mãi được ghi lại với non sông. Đó là Lê Văn Tám – cậu bé liều thân làm “đuốc sống” nơi đóng quân của giặc.
Đó là Lý Tự Trọng, Trần Văn Ơn những chàng trai ra đi ở tuổi mười bảy, cái tuổi còn bao mộng mơ bao khát vọng, vì độc lập, tự do của nước nhà.
Đó là Nguyễn Văn Trỗi, một chàng trai mà “tên anh truyền khắp toàn cầu” có lòng can đảm và yêu nước kiên trung. Dân tộc Việt Nam đi qua một thời mưa bom bão đạn, đã sinh ra những người con anh hùng như thế.
Không chỉ ngày xưa mà ngày nay cũng có rất nhiều tài năng trẻ khiến người ta tiếc thương khi họ nhắm mắt xuôi tay. Toàn Shinoda, một vloger nổi tiếng, người có nhiều ảnh hưởng nhận thức của giới trẻ đã khiến nhiều người bàng hoàng khi anh ra đi ở tuổi đôi mươi.
Hay Wanbi Tuấn Anh – một ca sĩ trẻ, hiền lành, người đã lay động bao trái tim bằng những ca từ xúc động, cũng vì một căn bệnh quái ác mà qua đời. Những năm sau đó, người ta vẫn nhắc mãi tên anh. Họ chính là minh chứng rõ nhất có thể bạn không sống mãi với cuộc đời nhưng những gì bạn làm sẽ lưu lại mãi, cho nên hãy lựa chọn cách sống thật đúng đắn.
Ngoài những người đang hết mình cống hiến cho xã hội, vẫn còn những bạn trẻ đang tiêu phí cuộc đời. “Có những người chết năm 30 tuổi nhưng chỉ được chôn cất khi đã 70”, họ để cuộc đời trôi qua vô định, họ sống một cuộc sống cầm chừng không có ngày mai. Sống như vậy là một nỗi nuối tiếc cho cả họ, cho cả cuộc đời.
Còn những con người chỉ biết ích kỷ, nghĩ cho bản thân mình, họ buộc lao vào kiếm tiền, bỏ mặc gia đình nguội lạnh hoặc là chỉ biết chăm chăm đem lại quyền lợi cho mình mà trà đạp lên nỗi đau của người khác.
Bạn có thể đạt được rất nhiều tiền nhưng nếu bạn không thể mang lại hạnh phúc cho người khác thì bạn chẳng có gì cả. Sống như thế thì dù có sống một ngàn năm cũng không thể coi như là sống mà chỉ là tồn tại mà thôi.
Cuộc sống có rất nhiều con đường để chúng ta lựa chọn. Con người, bởi vì sống chết có số, không biết khi nào sẽ từ bỏ cuộc đời, vì thế hãy chọn con đường có ý nghĩa nhất.
Tôi, một người đang cố gắng không phí hoài tuổi trẻ mong rằng cuộc đời sẽ ngày càng tươi đẹp, hạnh phúc hơn nhờ sự góp sức của mọi người.
Hãy sống một cuộc đời đáng sống.