Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bài văn nhập vai Cám: Nữ sinh đóng vai ác rất đạt

"Chả lẽ bây giờ bảo vào vai Cám xong mỗi lần hành hạ Tấm thì phải thương xót? Càng thể hiện sự ác thì càng đối lập với sự thiện của Tấm" - một bạn trẻ bình luận về bài văn đang gây sốc.

Bài văn nhập vai Cám: Nữ sinh đóng vai ác rất đạt

"Chả lẽ bây giờ bảo vào vai Cám xong mỗi lần hành hạ Tấm thì phải thương xót? Càng thể hiện sự ác thì càng đối lập với sự thiện của Tấm" - một bạn trẻ bình luận về bài văn đang gây sốc.

Bài văn của nữ sinh THPT ở Hà Nội với đề bài "Hãy nhập vai Cám để kể lại câu chuyện Tấm Cám" đang gây xôn xao dư luận những ngày gần đây. Dư luận tỏ ra đặc biệt quan tâm tới lối hành văn "độc đáo" và cách sử dụng ngôn ngữ "sáng tạo" của học sinh này.

Trong khi đó, giáo viên trực tiếp chấm bài cho toàn bài kiểm tra của nữ sinh này điểm 3 và nhận xét "Nhân vật Cám của em đáng sợ quá".

 Bài văn "lạ"

 "Càng đáng sợ thì vai Cám càng thành công"

Cô Nguyễn Thị Hóa, giáo viên dạy Văn có kinh nghiệm 40 năm chia sẻ:

Trước hết, có thể khẳng định em học sinh làm đúng đề. Về mặt nội dung, với đề bài như vậy, bài làm của em cũng có thể gọi là thành công. Cụ thể, học sinh đã nắm bắt được cá tính nhân vật, lột tả được khía cạnh nổi bật của Cám, đó là độc ác.

Trên thực tế, tính lôgic trong bài văn là chưa cao. Mối liên kết giữa các đoạn văn, bố cục câu chuyện còn lỏng lẻo. Nhân vật Cám tập trung nói về cảm xúc nội tâm mà quên đi "nhiệm vụ" miêu tả, kết nối câu chuyện.

Có thể giáo viên cho điểm thấp bài văn này là vì cho rằng học sinh chưa hiểu được ý định của người ra đề. Vậy mục đích giáo viên ra đề này để làm gì, bởi nó thiếu tính định hướng, tính giáo dục mà thiên về phát triển trí tưởng tượng hơn.

Riêng về cách hành văn, học sinh đã sử dụng ngôn ngữ chưa phù hợp với quy phạm văn học. Có nhiều cách đề bài văn trở nên gần gũi với cuộc sống nhưng không vì thế mà sử dụng ngôn ngữ tuỳ tiện, dễ dãi.

Ngôn ngữ được sử dụng trong bài văn là văn nói, không phải ngôn ngữ dùng cho văn viết, có nhiều chỗ còn sử dụng từ ngữ "chợ búa". Cụ thể như đoạn này, học sinh chêm vào các từ "ha ha", "con ranh"...

"Haha, nó đã tin lời mình, mình phải nhanh tay đổ hết tôm cua tép giỏ nó sang giỏ của mình mới được. Về nhà được lấy yếm đỏ, và tôi đã có cái yếm đỏ. 

Một hôm nọ, tôi thấy con Tấm ít ăn, hay để giành một bát cơm của mình. Tôi với mẹ mới rình xem con ranh đang làm gì. Tôi và mẹ đã thấy nó gọi là: Bống bống bang bang/Bống ăn cơm vàng, cơm bạc nhà ta/Chớ ăn cơm hẩm, cháo hoa nhà người thì có con cá bống bé lòi lên".

Tuy phát triển trí tưởng tượng của học sinh là tốt nhưng cần uốn nắn các em để phân biệt rõ việc biểu hiện suy nghĩ của chính mình với việc sử dụng ngôn từ trong văn học. Đó là quy phạm văn học cơ bản.

Giáo viên nhận xét "nhân vật Cám của em độc ác quá" và nhiều người nói học sinh này độc ác là không đúng. Bản thân Cám là ác độc, em học sinh chỉ vào vai Cám, giống như đóng vai phản diện trên sân khấu, càng đáng sợ thì vai diễn càng thành công.

Nếu là người chấm bài, tôi đánh giá cao khả năng cảm nhận nhân vật của học sinh này nhưng sẽ hướng dẫn, sửa cho em lỗi hành văn. Tôi tin đây là một học sinh sáng dạ.

Bài viết của học sinh.

Nữ sinh đóng vai Cám có đáng sợ không?

Trên các trang mạng xã hội, cư dân online tỏ ra khá quan tâm tới nhân vật Cám do nữ sinh Hà Nội vào vai. Dù giáo viên cho rằng nhân vật Cám đáng sợ, nhưng nhiều người cho rằng điều đó chứng tỏ học sinh cảm thụ tác phẩm tốt.

"Làm đúng đề, diễn tả được cảm xúc và suy nghĩ của nhân vật, giọng văn kể theo lối cổ tích hiện đại, ít cũng phải được 6, chả nhẽ tả Cám lại giống nhân vật đáng yêu" - bạn Cường Vũ bình luận.

"Tại sao lại cho có 3,25 điểm nhỉ. Bài này phải được 8 điểm vì thí sinh đã hóa thân thành Cám theo đúng yêu cầu của đề bài. Thực ra, trong chuyện Tấm Cám nhân vật ác độc nhất phải là Tấm vì chỉ có Tấm mới đủ can đảm trụng nước sôi Cám và mang xác Cám đi làm mắm thôi. Trên đời này có ai ác vậy không" - Trần Minh Vy, sinh viên ĐH Thuỷ lợi góp ý.

Bạn Tobias Nguyễn thì nhận xét: "Sao cô giáo thiếu lôgic vậy, vào vai phản diện thì càng toát lên vẻ đáng sợ của nhân vật mà mình hóa thân thì càng tốt chứ. Chả lẽ bây giờ bảo vào vai Cám xong mỗi lần hành hạ Tấm thì phải thương xót à? Càng thể hiện sự ác thì càng đối lập với sự thiện của Tấm".

"Thế này mới thực sự là hoá thân vào nhân vật. Ý tưởng táo bạo, lời văn dí dỏm. Ít cũng phải 9 điểm" - bạn Mít Tơ Bụi bình luận.

Mổ xẻ lối hành văn "chợ búa"

Cư dân mạng "soi" rất kỹ bài văn và tìm thấy nhiều lỗi chính tả, cho rằng người viết cẩu thả. Tuy vậy, hầu hết người trẻ cho rằng bài văn khá thú vị, mới lạ.

Bạn BP Nguyễn, sinh viên ở TP.HCM cũng ủng hộ bài văn: "Bạn này rất sáng tạo. Dù hay hay dở, dù đúng hay sai, sống mà chỉ làm những việc giống với mọi người thì còn gì là thú vị nữa".

"Viết văn lôi cuốn như vậy chứng tỏ đầu óc của người làm bài văn này phong phú, mặc dù ngôn từ không được mỹ miều cho lắm, nhưng nó thể hiện được cái bản chất của Cám. Nói chung là đạt rồi, như vậy phải chấm điểm cao để khuyến khích sự phong phú sáng tạo và nhập vai chứ. Chấm vậy giống chấm rập khuôn quá" - nickname Mèo Cận bình luận trên một diễn đàn trẻ.

Một số cư dân mạng tỏ ra khá thích thú với sự khác biệt, độc đáo của bài văn: "Diễn đạt tự nhiên, chân thật, nhập tâm. Cảm giác kể chuyện mà không bị gò bó vào khuôn mẫu, không bị cảm giác sáo rỗng, văn chương không hợp tuổi như mấy bài văn mẫu. Chưa cần chấm chi tiết lỗi diễn đạt, chính tả ..., chỉ riêng cái mạch diễn đạt liền mạch, tự nhiên thế này đã xứng đáng mẫu mực cho một bài văn nhập vai kể chuyện. Lời lẽ tự nhiên chứ chợ búa gì, không có nói bậy là tốt rồi. Nhận xét câu: "Nhân vật Cám của em đáng sợ quá " là cô giáo đã hơi quá, giết chết sáng tạo, giết chết cá tính học sinh. Cần nói thêm là: lần sau em cố gắng viết đẹp hơn" - một bạn nickname Mùa Thu bày tỏ.

Dù vậy, bài văn cũng nhận được những ý kiến khắt khe hơn:

"Em này viết văn từ ngữ lủng củng, là mình mình cũng cho điểm kém. Điểm nổi bật của bài văn là nó lạ, "độc" hơn người khác thôi" - Đinh Ngọc Lân, sinh viên FPT Aptech nhận xét.

"Mình học khối C, theo mình thì bạn này chỉ đơn thuần là nhập vai kể chuyện một cách sơ sài theo nội dung truyện, chưa phân tích được cảm xúc mới mẻ hoặc cá tính riêng nào của nhân vật Cám cũng như bản thân. Đề văn rất mở, có khá nhiều chi tiết có thể khai thác làm điểm nhấn nhưng bạn hầu như là chỉ kể nội dung (thay mỗi chủ ngữ). Câu cú còn đơn giản, lỗi chính tả còn sai, lối văn lại không phải văn viết mà là văn nói (rất hạn chế khi đi thi)... Theo mình điểm 3 là rất hợp lý rồi. Đặt trường hợp là một học sinh cấp 3, nhất là các bạn có cá tính bây giờ, đề văn này sẽ có rất nhiều hướng khai thác mới, thậm chí có thể thay đổi nội dung, kết thúc hoặc một phần kết cấu chuyện, rất là hay" - bạn Lê Huyền nhận xét.

Mai Châm

Theo Infonet

Mai Châm

Theo Infonet

Bạn có thể quan tâm